Các trường ngăn chặn ngôn ngữ “chat”

04/11/2011 15:35 GMT+7

Nhiều học sinh THCS ở Phú Yên sử dụng ngôn ngữ “chat” để giao tiếp với bạn bè trong trường học, thậm chí dùng trong cả bài viết. Tuy tình trạng này chưa thật sự “nóng”, nhưng các trường đã đưa ra những chương trình để ngăn chặn.

Do thói quen nên K., học sinh lớp 9 Trường THCS Hùng Vương (TP Tuy Hòa), đã sử dụng ngôn ngữ “chat” trong bài tập làm văn 1 tiết. Cô giáo phát hiện, kịp thời uốn nắn, chấn chỉnh nên K. không còn có thói quen này nữa. Cô Trần Thị Nguyệt Ấn - giáo viên dạy văn Trường THCS Hùng Vương - cho biết: “Các lỗi sử dụng ngôn ngữ “chat” mà học sinh thường mắc phải như: chữ “quê” thì các em viết thành “we”, “buồn” viết thành “bun”, “vui vẻ” thì viết “zui ze”… Lúc đầu tôi không hiểu nên bắt các em giải thích thì mới biết đây là những ngôn ngữ “chat” mà các em sử dụng giao tiếp trên internet. Riết rồi quen nên các em dùng luôn ngôn ngữ này trong giao tiếp với các bạn trong lớp, trong trường, thậm chí viết vào trong bài làm văn 1 tiết”.

Theo cô Ấn, gặp những trường hợp như vậy, cô thường chấm lỗi chính tả, trừ điểm trong bài viết. Khi đến tiết trả bài, cô Ấn nhắc nhở lỗi đó trước lớp, cấm tái phạm.

Ông Ngô Đình Thọ - Phó hiệu trưởng Trường THCS Hùng Vương - chia sẻ kinh nghiệm: “Ngoài việc phát động, nhà trường còn lập sổ chi tiết theo dõi từng giờ, thời gian không đến lớp để phối hợp với phụ huynh quản lý học sinh đó”. Theo ông Thọ, vì hầu hết học sinh chơi game rất sợ mất thời gian nên chọn cách giao tiếp bằng ngôn ngữ “chat” để dành thời gian cho cuộc chơi.

Trong khi đó, Trường THCS Lương Thế Vinh phát động phong trào “Giữ gìn sự trong sáng trong tiếng Việt”. Mỗi trường mỗi cách, nhưng đều nhằm mục đích ngăn chặn tình trạng học sinh sử dụng ngôn ngữ “chat” trong trường học. Ông Nguyễn Văn Tá, Giám đốc Sở GD-ĐT Phú Yên, lo lắng: “Các trường chưa có phản ánh về tình trạng học sinh sử dụng ngôn ngữ “chat”, nhưng thực tế là học sinh đã sử dụng chúng. Hiện chúng tôi cũng rất lo lắng về tình trạng này, và đang tìm mọi biện pháp chỉ đạo các trường theo dõi, nhắc nhở. Những trường hợp đặc biệt phải có giải pháp ngăn chặn triệt để, không để lây lan”.

“Các em sử dụng ngôn ngữ “chat” với mục đích là tiện lợi, khác thường, để khẳng định cá tính. Sử dụng lâu dần thì trở thành phong trào, lâu ngày thành thói quen. Nếu không ngăn ngừa thì hậu quả sẽ nghiêm trọng và ảnh hưởng đến sự trong sáng của tiếng Việt” - thạc sĩ Lý Thừa Phúc, giảng viên ngôn ngữ Trường ĐH Phú Yên, nói.

Đức Huy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.