Có mở thêm trường đại học?

04/11/2011 23:58 GMT+7

Mở trường tràn lan, thu học phí cao nhưng chất lượng đào tạo yếu kém... là những vấn đề được các đại biểu quốc hội mổ xẻ trong phiên thảo luận tổ về luật Giáo dục đại học hôm qua.

Trường tràn lan

Đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) đề nghị: Bộ GD-ĐT phải chịu trách nhiệm trong việc thẩm định, cho phép thành lập, nâng cấp các trường, mở ngành tràn lan trong thời gian vừa qua. Năm nào cũng có chuyện ngành thì thừa sinh viên, ngành lại khan hiếm dẫn đến tình trạng hàng loạt sinh viên học tập tốn bao nhiêu công sức, tiền của nhưng ra trường không tìm được việc làm. “Cho phép thành lập, mở ngành rồi thì khâu hậu kiểm được tiến hành thế nào phải được điều chỉnh rõ hơn vào dự luật”, bà An nói.

Cần đốc thúc để kịp thi hành luật

Đại biểu Chu Sơn Hà (Hà Nội) nêu vấn đề: dự luật này được thông qua vào kỳ họp sau, nghĩa là năm 2013 luật sẽ có hiệu lực thi hành. Nhưng hiện nay hàng loạt trường còn phải đi thuê cơ sở vật chất để giảng dạy. Tôi biết ở HN có trường thuê khán đài A của sân vận động Mỹ Đình để làm trường học. Vậy từ nay đến năm 2013 liệu các trường có thể chuẩn bị đủ các điều kiện mà luật quy định để tiếp tục tồn tại?

Đại biểu Nguyễn Đình Quyền, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, nhận định: trường mọc tràn lan, chất lượng có vấn đề thuộc trách nhiệm của Bộ GD-ĐT. Dư luận bức xúc từ rất lâu nhưng vẫn chưa có chuyển biến hoặc chuyển rất chậm.

Đại biểu Quyền cho rằng dự luật còn nhiều điều luật khung và giao cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết là bất hợp lý. Ví dụ, việc quy hoạch trường ĐH là vấn đề mang tính chiến lược nên phải được luật hóa với các tiêu chí rõ ràng chứ không thể giao cho Thủ tướng Chính phủ quy hoạch mạng lưới các trường ĐH được. Văn bản hướng dẫn rất dễ tạo kẽ hở cho việc xin - cho. Thời gian vừa qua cho thấy một thực tế là ở nước ta tỉnh nào, ngành nào cũng đua nhau lập trường ĐH. “Nếu cứ đà này thì cả 63 tỉnh thành đều có trường ĐH trong khi không rõ thành lập để làm gì. Do vậy, phải luật hóa vấn đề này một cách cụ thể”, đại biểu Quyền nêu ý kiến.

Đại biểu Trịnh Thế Khiết (Hà Nội) cũng đề nghị: Bộ GD-ĐT phải trả lời câu hỏi vì sao vừa qua chúng ta mở trường ĐH nhiều như vậy và nhu cầu thực tế thì nước ta cần bao nhiêu trường ĐH là vừa. Trên cơ sở đó, ngành GD-ĐT phải hoạch định nhu cầu và cho biết có nên mở tiếp các trường nữa hay không. 

Hiện nay có những trường chỉ có 20% sinh viên vào học; có những tỉnh cố gắng xin mở trường ĐH bằng được để rồi sinh viên ra trường lại bị chính bộ phận tuyển dụng của chính quyền địa phương đó không chấp nhận.

Bài toán học phí và chất lượng

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) ủng hộ luật đi theo hướng nhấn mạnh tính tự chủ và tự chịu trách nhiệm của các cơ sở đào tạo: trường nào đầu tư đúng mức cho cả thi tuyển đầu vào và chất lượng đầu ra thì ngày càng có thương hiệu uy tín, đáp ứng nhu cầu của các nhà tuyển dụng.

Theo đại biểu Phạm Hồng Nga (Hà Nội), nhiều trường có vốn đầu tư nước ngoài hiện đang thu học phí rất cao nhưng không có quy định nào mang tính pháp luật về việc đảm bảo chất lượng, thu chi ra sao ở các trường này. Do vậy, ngoài quy định về công khai chất lượng, đội ngũ, cơ sở vật chất... thì quan trọng hơn là cần luật hóa quy định công khai về dự toán thu - chi. Thu nhiều như vậy thì chi vào việc gì để người học biết số tiền họ đóng có xứng đáng với chất lượng mà họ được nhận hay không.

Liên quan đến vấn đề chất lượng, bà Nga nêu quan điểm: không nên để các trường tự nguyện trong việc kiểm định chất lượng giáo dục mà phải đặt thành yêu cầu bắt buộc và phải công khai kết quả kiểm định đó.

Nhiều đại biểu cũng đề nghị phải tăng mức đầu tư cho giáo dục ĐH. Đại biểu Bùi Thị An đề nghị Nhà nước phải bao cấp tuyệt đối cho các trường đào tạo về quốc phòng, an ninh và các ngành khoa học cơ bản để thu hút những người giỏi vào trường. Còn đại biểu Trịnh Thế Khiết thì đề nghị cần tăng cường ngân sách để hỗ trợ trực tiếp cho người học. Hiện nay 70% dân cư của nước ta ở vùng nông thôn, rất nhiều học sinh giỏi nhưng không đủ điều kiện kinh tế để đi học. Đại biểu Trần Hoàng Ngân đề nghị: nên mạnh dạn thay đổi cơ chế học phí, để các trường được tự chủ tài chính, khi ấy sẽ có cách lấy thu bù chi, tích lũy hợp lý, nâng cao chất lượng tương xứng với mức học phí. Để đảm bảo những sinh viên khó khăn vẫn có thể đi học, cần phát huy hơn nữa vai trò của Ngân hàng Chính sách xã hội để mức cho vay tiền tương ứng với mức điều chỉnh học phí của các trường công.

Tuệ Nguyễn - Nguyệt Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.