Hy Lạp ám ảnh hội nghị G20

04/11/2011 00:48 GMT+7

Những diễn biến của khủng hoảng nợ tại Hy Lạp đang bao trùm lên Hội nghị thượng đỉnh G20, diễn ra tại Cannes (Pháp).

Theo tờ Le Figaro, tình hình Hy Lạp trở thành mối quan tâm hàng đầu trên bàn nghị sự và cả những cuộc gặp gỡ bên lề hội nghị G20. Toàn bộ chương trình các cuộc thảo luận trước khi hội nghị G20 chính thức khai mạc vào ngày 3.11 đã hoàn toàn bị đảo lộn. 

Trong các cuộc gặp, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy tiếp tục bày tỏ thái độ cứng rắn với quyết định của Thủ tướng Hy Lạp Georges Papandreou cho trưng cầu dân ý về thỏa thuận giải quyết khủng hoảng nợ tại châu u. Phải rất nỗ lực, EU mới thông qua được thỏa thuận giải quyết khủng hoảng tài chính hồi cuối tháng trước, trong đó có điều khoản các ngân hàng châu u xóa một nửa khoản nợ của Hy Lạp, tương đương 100 tỉ euro và tăng Quỹ bình ổn tài chính châu u lên 1.000 tỉ euro.

Nếu người dân Hy Lạp nói “không” trong cuộc trưng cầu, dự kiến vào đầu tháng 12, thì mọi công sức đổ sông đổ biển, kinh tế châu u sẽ chao đảo mạnh và Hy Lạp có thể đối diện nguy cơ phá sản. Dân Hy Lạp đến nay vẫn tỏ ra không hài lòng với những thỏa thuận xóa nợ vì lo ngại sẽ phải đáp ứng những điều kiện “quá đáng” từ bên ngoài.

Đáng lẽ với thỏa thuận đạt được hồi tháng trước, lãnh đạo các nước EU có thể tự tin tham dự hội nghị G20 và tranh thủ sự ủng hộ của Mỹ và các nền kinh tế mới nổi. Quyết định bất ngờ của Hy Lạp đã làm thay đổi tất cả, khiến tất cả vừa sốc vừa giận. Le Figaro dẫn lời ông Sarkozy khẳng định sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện thỏa thuận nói trên. Tổng thống Pháp tuyên bố các nước sử dụng đồng euro vẫn sẵn sàng giúp đỡ Hy Lạp, tuy nhiên gói hỗ trợ trị giá 8 tỉ euro sẽ bị “treo” lại, cho tới khi Athens thông qua toàn bộ các điểm của thỏa thuận chung.

Nếu không nhận được gói hỗ trợ này, Hy Lạp sẽ không thể cầm cự đến hết tháng 12. Mặt khác, đối với dư luận bên ngoài, cuộc trưng cầu lần này có thể sẽ quyết định luôn việc Hy Lạp có tiếp tục sử dụng đồng tiền chung châu u nữa hay không. Ngân hàng Trung ương châu u đã cảnh báo từ bỏ đồng euro sẽ đồng nghĩa với việc Hy Lạp ra khỏi EU. 

Chấp nhận mất điểm về ngoại giao để xoa dịu lòng dân nhưng về tương lai của Thủ tướng Papandreou đang rất bấp bênh. Cả phe đối lập và nhiều bộ trưởng đã công khai phản đối cuộc trưng cầu. BBC ngày 3.11 dẫn nguồn tin riêng cho biết ông Papandreou sẽ sớm từ chức để lập chính phủ liên hiệp mới trong khi đài truyền hình nước này khẳng định ông sẽ không rời ghế. Đến cuối ngày 3.11, Thủ tướng Hy Lạp bất ngờ tuyên bố nếu phe đối lập cũng đồng ý về thỏa thuận  giải cứu của EU thì “sẽ không cần tới trưng cầu dân ý nữa”. Đêm 4.11, Quốc hội Hy Lạp sẽ bỏ phiếu về cuộc trưng cầu và cả về sự tín nhiệm đối với thủ tướng.

Nguyễn Ngọc Lan Chi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.