Từ ngày 1.11, cuốn hồi ký bằng tiếng Anh The Uncharted Path (tạm dịch: Lối đi không dấu chân người) của Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak được xuất bản tại Mỹ, theo Korea Times. Sách phần lớn được dịch từ cuốn hồi ký bằng tiếng Hàn Không có thần thoại được xuất bản vào năm 1995, nhưng có thêm những câu chuyện từ khi ông Lee rời Tập đoàn Hyundai để làm thị trưởng Seoul rồi làm tổng thống cho đến nay.
|
Uống nước để lấp bao tử
Trong cuốn hồi ký, ông Lee kể rằng vào tháng 8.1945, khi quân Nhật bị đánh bại, gia đình ông Lee rời khỏi Osaka, Nhật Bản để trở về thành phố Pohang, đông nam bán đảo Triều Tiên. Trên đường về, phà chở gia đình ông cùng nhiều người khác bị lật, rất may mọi người được cứu sống nhưng tất cả tài sản mà họ dành dụm được đều bị cuốn trôi. Khi đó cậu bé Lee Myung-bak mới 4 tuổi. Đến khi chiến tranh Triều Tiên xảy ra vào năm 1950, cha ông mất việc, gia đình phải chuyển đến một ngôi đền cũ dưới chân núi để trú ngụ cùng nhiều gia đình khác. Ông Lee nhớ lại: “Xung quanh chúng tôi là tiếng khóc của trẻ con, tiếng cãi vã của người lớn và tiếng rên rỉ của người bệnh đang nằm. Cái khổ nhất phải chịu đựng là cơn đói triền miên. Đói tới quặn ruột”.
Trong những ngày đó, bữa ăn của gia đình ông chủ yếu là bã rượu vì đó là thứ mà gia đình có khả năng mua. Khi đến trường, ông không có cơm trưa để ăn. “Trong lúc những đứa trẻ khác ăn trưa, tôi hay đi đến vòi nước để lấy nước lấp đầy bao tử. Tôi nhớ rằng mình đã uống nước đến khi bụng trương lên, và rồi nhận ra dù uống bao nhiêu đi nữa, nước không bao giờ làm bạn no. Vào những ngày đóng học phí, tôi hay bị kêu về nhà để lấy tiền đóng. Mỗi khi việc này xảy ra, tôi chỉ đi lên ngọn đồi phía sau trường và đứng ở đó một lát, vì về nhà cũng chẳng có tiền. Sau một lúc thì tôi trở lại trường và xin giáo viên cho gia hạn”.
Ông không có tiền đi học là do ba ông từ khi còn làm ở Nhật đã gửi tiền cho bác để nuôi con bác ấy ăn học. “Tôi không trách ông ấy, nhưng khi nhìn lại quả thật đó là thời gian khó nhọc đối với trẻ con. Tuy nhiên, chúng tôi không bao giờ đổ lỗi cho hoàn cảnh. Thay vào đó, cái nghèo đã làm cho chúng tôi mạnh mẽ hơn”. Trước khi vào lớp 5, Lee Myung-bak đã làm mọi thứ để kiếm tiền, như làm que diêm và bánh bán cho binh sĩ. Ông thường chịu đói nhưng vẫn tiếp tục đi học, dù mỗi ngày phải đi bộ tới 4 giờ.
Bị liệt vào danh sách đen
Khi còn là sinh viên, chàng thanh niên Lee Myung-bak từng phải ở tù về tội “kích động chống nhà nước”. Sau khi ra tù, ông được tốt nghiệp mà không cần phải hoàn tất những môn học bỏ lỡ. Ông giải thích: “Lý do là họ muốn tống tôi ra khỏi trường càng nhanh càng tốt vì không muốn tôi gây thêm rắc rối”. Cũng do có tiền án, ông đã nộp đơn vào nhiều công ty nhưng không qua được vòng phỏng vấn vì bị kiểm tra “lý lịch”.
Sau đó, ông viết thư gửi Tổng thống lúc đó là Park Chung-hee. “Trong thư, tôi giải thích tại sao tôi trở thành chủ tịch hội đồng sinh viên và hướng dẫn các cuộc biểu tình. Tôi chỉ ra rằng mình tìm việc rất khó khăn. Tôi kết thúc thư bằng cách chỉ trích gay gắt hành vi của nhà nước trong việc xem quá khứ để cản tôi thực hiện ước mơ”, ông viết.
Vài ngày sau, ông được ông Lee Nak-sun, thư ký của Tổng thống Park hẹn gặp. Thư ký Lee nói rằng ông đáng bị trừng phạt để làm gương cho những sinh viên muốn biểu tình chống chính phủ. Tuy nhiên, kết thúc cuộc gặp, ông Lee hỏi ông có muốn đi du học theo học bổng nhà nước hoặc làm việc tại công ty nhà nước hay không. “Tôi đáp lại là không. Tôi không thể chấp nhận củ cà rốt mà chính phủ ban phát cho tôi... Trước khi chúng tôi chia tay, tôi nói với ông ấy: Nếu nhà nước cản trở một công dân tự kiếm sống thì tôi phải nói rằng nhà nước đã nợ công dân đó rất nhiều. Tôi mong ông nhớ điều đó”. Đến tháng 7.1965, ông được nhận vào làm nhân viên của Công ty xây dựng Hyundai sau khi qua vòng phỏng vấn và trở thành Chủ tịch Hyundai vào năm 1988.
“Tiếp tục phục vụ”
Đến năm 1992, ông Lee rời công ty để bước chân vào con đường chính trị, gia nhập đảng Tự do Dân chủ. Ông đắc cử chức Thị trưởng Seoul năm 2002 và sau đó giành thắng lợi áp đảo trong cuộc bầu cử tổng thống ngày 19.12.2007. Ngay sau khi nhận được chi phiếu tiền lương đầu tiên cho chức vị tổng thống của mình vào ngày 10.3.2008, ông lập tức tuyên bố dành toàn bộ lương hằng tháng (khoảng 14 triệu won - tương đương hơn 210 triệu đồng) để tặng cho người nghèo trong suốt nhiệm kỳ 5 năm.
Đến tháng 7.2009, ông công bố thành lập một quỹ từ thiện trong đó ông ủng hộ 33,1 tỉ won (gần 500 tỉ đồng). “Tôi không bao giờ quên được những người đã chìa tay ra giúp đỡ cậu thanh niên nghèo vượt qua khó khăn trong khi họ cũng nghèo. Và tôi biết đối với tôi, cách tốt nhất để đền đáp lại lòng tốt đó là cho lại xã hội những gì tôi kiếm được”, Korea Times dẫn lời ông Lee. Trong cuốn hồi ký mới, ông cho biết sẽ dùng quỹ từ thiện này để hỗ trợ những thế hệ trẻ đang chịu cảnh nghèo như ông đã gặp cách đây 5 thập niên.
Ông Lee, 69 tuổi, tiết lộ rằng bà mẹ quá cố của ông có ảnh hưởng lớn tới cuộc đời ông. Bà luôn muốn các con mình làm việc chăm chỉ, phục vụ và thương yêu người khác. Có lẽ vì thế mà ông chia sẻ: “Trong những ngày còn lại của nhiệm kỳ, tôi sẽ luôn nhớ vinh dự lớn là phục vụ. Sau khi về hưu, tôi sẽ tiếp tục phục vụ... Tôi sẽ tham gia việc giáo dục trẻ con về tầm quan trọng của sự phát triển xanh, bền vững và việc bảo vệ môi trường”.
Văn Khoa
Bình luận (0)