Nằm giữa lòng cố đô Huế, bên bờ bắc sông Hương, hệ thống kiến trúc biểu thị cho quyền uy của chế độ trung ương tập quyền nhà Nguyễn được xây dựng theo kiểu phòng thủ, tạo thành đường vòng cung dài 11km trên diện tích hơn 500 ha với 3 vòng thành theo thứ tự ngoài lớn, trong nhỏ: Kinh thành, Hoàng thành, Tử Cấm thành, luôn là điểm thu hút bất cứ du khách nào khi đặt chân đến vùng đất này. Kinh thành Huế được vua Gia Long khảo sát từ năm 1803, khởi công xây dựng từ 1805 và hoàn chỉnh vào năm 1832 dưới triều vua Minh Mạng. Trong lịch sử Việt Nam, công trình xây dựng kinh thành Huế là công trình đồ sộ nhất, quy mô nhất với hàng vạn người tham gia thi công, hàng triệu mét khối đất đá, với một khối lượng công việc khổng lồ: đào hào, lấp sông, di dân, dời mộ, đắp thành... kéo dài trong suốt 30 năm.
Bên trong kinh thành có nhà cửa của dân, các quan lại trong triều và đặc biệt quan trọng là khu vực Hoàng thành và Tử Cấm thành mà người ta thường gọi chung là Đại Nội. Ðại Nội có hơn 100 công trình kiến trúc độc đáo với quy mô khác nhau, phân bổ ở nhiều khu vực với các chức năng riêng phản ánh một cách rõ nét nhất cuộc sống của vua quan nhà Nguyễn. Hoàng thành là khu vực hành chính tối cao của triều đình Nguyễn. Hoàng thành có mặt bằng gần vuông, mỗi cạnh khoảng 600 m, xây bằng gạch, cao 4 m, dày 1 m, xung quanh có hào bảo vệ, có 4 cửa để ra vào, riêng Ngọ môn chỉ dành để vua đi. Có rất nhiều công trình lớn nhỏ được xây dựng trong Hoàng thành như: Ngọ môn, điện Thái Hòa, Hiển Lâm các, điện Phụng Tiên, cung Diên Thọ, cung Trường Sanh, Hưng Tổ miếu…tất cả đều được đặt giữa thiên nhiên với các hồ lớn nhỏ, vườn hoa, cầu đá và các loại cây cảnh tuyệt đẹp tỏa bóng mát quanh năm. Trong các công trình kiến trúc kể trên, Ngọ môn được xem là một trong những công trình kiến trúc tiêu biểu, xuất sắc của triều Nguyễn nói riêng và kiến trúc cổ Việt Nam nói chung. Ngọ môn không đơn thuần là một cái cổng, mà là một tổng thể kiến trúc phức tạp, nhìn xa như một lâu đài tráng lệ, bên trên có lầu Ngũ Phụng - nơi để tổ chức các buổi lễ của triều đình, như lễ Truyền Lô (đọc tên các sĩ tử thi đỗ tiến sĩ), lễ Ban Sóc (phát lịch), lễ duyệt binh... và đây cũng là nơi diễn ra lễ thoái vị của vua Bảo Ðại vào ngày 30.8.1945. Sau trận Mậu Thân 1968, Ngọ môn bị hỏng rất nặng, mãi đến năm 1970 mới được trùng tu lại.
Bên trong Hoàng thành, hơi dịch về phía sau, là Tử Cấm thành - nơi ăn ở, sinh hoạt của hoàng gia. Tử Cấm thành là khu vực cấm dân thường ra vào. Tử Cấm thành được xây dựng năm 1804 bao gồm gần 50 công trình kiến trúc lớn nhỏ khác nhau như: Tả Vu và Hữu Vu, Vạc đồng, điện Kiến Trung, điện Cần Chánh, Thái Bình lâu, Duyệt Thị đường; có 7 cửa ra vào.
|
Mặc dù quy mô của mỗi công trình trong kinh thành khác nhau, nhưng về tổng thể, các cung điện ở đây đều làm theo kiểu nhà kép hai mái trên một nền, đặt trên nền đá cao, vỉa ốp đá Thanh, nền lát gạch Bát Tràng có tráng men xanh hoặc vàng, mái được lợp bằng một loại ngói đặc biệt hình ống có tráng men thường gọi là ngói Thanh lưu ly nếu có màu xanh hoặc Hoàng lưu ly nếu có màu vàng. Các cột được sơn theo mô típ long-vân (rồng-mây). Nội thất cung điện thường được trang trí theo cùng một phong cách nhất thi nhất họa (một bài thơ kèm một bức tranh). Hiện nay, kinh thành Huế là một trong số các di tích thuộc cụm quần thể di tích cố đô Huế được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Ngoài Đại Nội ra, Huế còn nổi tiếng với khu lăng tẩm của các vua nhà Nguyễn. Mỗi lăng mang một sắc thái riêng nhưng đều là những kỳ công tạo tác của con người biết khéo léo kết hợp với cảnh trí thiên nhiên hùng vĩ xinh đẹp và thơ mộng của xứ Huế.
Ngày nay, Đại Nội mở cửa cho công chúng gần xa đến tham quan và trở thành một điểm sáng bậc nhất, hấp dẫn hàng triệu khách du lịch trong ngoài nước. Vì lẽ đó, trong tất cả các tour hành trình di sản miền Trung, không bao giờ thiếu địa danh quan trọng và kỳ thú này.
Cẩm Nhung
Bình luận (0)