Theo đó, kịch bản phát thải trung bình, vào cuối thế kỷ 21, nhiệt độ tăng từ 1,9 - 3,1 độ C ở hầu khắp diện tích cả nước; số ngày nắng nóng với nhiệt độ cao nhất trên 35 độ C tăng từ 10 - 20 ngày. Trung bình toàn VN, mực nước biển dâng trong khoảng từ 58 - 73 cm, nước biển dâng cao nhất ở khu vực từ Cà Mau đến Kiên Giang trong khoảng từ 62 - 82 cm, thấp nhất ở khu vực Móng Cái (Quảng Ninh) từ 49 - 64 cm. Kịch bản phát thải cao cho biết, vào cuối thế kỷ 21, nước biển dâng cao nhất ở khu vực từ Cà Mau đến Kiên Giang, trong khoảng từ 85 - 105 cm và trung bình toàn VN, mực nước biển dâng trong khoảng từ 78 - 95 cm.
Theo TS Thục, đến năm 2100, nếu không có giải pháp ứng phó, mực nước biển dâng 1m sẽ có 20.876km2, tương đương với 6,3% diện tích toàn lãnh thổ nước ta bị ngập. Nếu mực nước biển dâng 1m, khoảng 39% diện tích ĐBSCL, khoảng 10,5% diện tích đồng bằng sông Hồng, trên 2,5% diện tích thuộc các tỉnh ven biển miền Trung và 20,1% diện tích TP.HCM có nguy cơ bị ngập. Nếu mực nước biển dâng 2m, khoảng 29,8% diện tích đồng bằng sông Hồng, khoảng 7,9 diện tích các tỉnh ven biển miền Trung, trên 36% diện tích TP.HCM bị ngập, 92,1% diện tích ĐBSCL bị ngập, chỉ còn khu vực Bảy Núi là không bị ngập khi nước biển dâng 2m.
TS Thục cho biết: “Chưa có số liệu chính xác nhất nhưng theo nhiều nhà khoa học, việc khai thác nước ngầm quá mức đã làm nền đất tại TP.HCM lún 3 cm mỗi năm”.
Quang Duẩn
Bình luận (0)