Dọn nợ xấu ngân hàng

07/11/2011 23:37 GMT+7

Nguyên là Vụ trưởng Vụ Chiến lược (Ngân hàng Nhà nước - NHNN), từng tham gia xây dựng đề án Tái cơ cấu NH thương mại (TM) trong giai đoạn 2001 - 2005, TS Lê Xuân Nghĩa - Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, vấn đề quan trọng số một khi tiến hành tái cơ cấu lại hệ thống NHTM là phải tập trung xử lý dứt điểm nợ xấu. Phải dọn sạch sẽ bảng cân đối tài sản, giúp các NH hoạt động hiệu quả với chất lượng tài sản cao, trong một hệ thống an toàn, chứ không phải đi xóa sổ các NH nhỏ.

 

Phải xử lý nợ xấu trước khi tái cơ cấu - Ảnh: D.Đ.M

Tiền đâu để cơ cấu?

Theo TS Lê Xuân Nghĩa, khi xây dựng đề án Tái cơ cấu NHTM giai đoạn 2001- 2005, nợ xấu cả hệ thống khi đó vào khoảng 23.000 tỉ đồng. Khoản này là quá lớn khi các NH còn non trẻ và trong bối cảnh kinh tế khó khăn. Không có tiền để xóa nợ, để tái cơ cấu, cuối cùng ngân sách nhà nước phải chấp nhận bỏ ra 19.000 tỉ đồng. Còn hiện nay, dù nợ xấu vẫn nằm trong giới hạn an toàn, nhưng theo thống kê chính thức từ một đơn vị nghiệp vụ của NHNN, con số cũng đã khoảng 75.000 tỉ đồng, trong đó nợ có nguy cơ mất vốn chiếm tới 47%. Tuy nhiên, đây mới chỉ là thống kê sơ bộ, nếu hạch toán một cách đầy đủ, nợ xấu chắc chắn còn lớn hơn, thậm chí nếu mở rộng thanh tra rất nhiều khoản nợ xấu thuộc nhóm 4 (nợ nghi ngờ) có thể rơi vào nhóm 5 (nợ có nguy cơ mất vốn). Rõ ràng, số nợ này sẽ trở thành gánh nặng lớn khi thực hiện tái cơ cấu bởi Nhà nước phải xóa nợ, xử lý dứt điểm để các NH bắt đầu tiến hành tổ chức lại hoạt động kinh doanh.

Không có chuyện tái cơ cấu là nhằm dẹp bỏ các NH nhỏ, bởi ngay cả các NH lớn nhất hiện nay nợ xấu cũng rất đáng lo ngại

TS Lê Xuân Nghĩa

Theo TS Nghĩa, thông thường có 3 nguồn có thể sử dụng: thứ nhất nguồn dự phòng rủi ro đã trích lập của các NHTM, thứ hai các ông chủ nhà băng tự bỏ túi ra và nguồn thứ ba là ngân sách nhà nước. Trong đó, nguồn dự phòng rủi ro đã trích lập là chủ chốt. Giai đoạn 2001 - 2005, Chính phủ đã phải sử dụng 3 nguồn này. Nhưng thời điểm đó, trích lập dự phòng rủi ro của các NH quá ít ỏi, các ông chủ nhà băng cũng không có tiền, nên chủ yếu ngân sách phải bỏ ra.

Bù lại, do lạm phát thấp nên Chính phủ đã phát hành được trái phiếu, tín phiếu đặc biệt, rồi dùng số tiền đó để xóa nợ. Nhưng hiện tại lạm phát cao và dự báo xu hướng giảm chưa rõ ràng, sẽ không thể phát hành trái phiếu, tín phiếu để huy động. Nhưng giai đoạn tới, tiềm lực của các NH đã mạnh hơn trước, nguồn chủ chốt - khoản dự phòng rủi ro của các NHTM khá lớn, cỡ khoảng 20.000 tỉ đồng. Ngoài ra, các ông chủ nhà băng giàu có cũng sẽ phải bỏ tiền ra để tái cấu trúc NH của mình; bên cạnh đó các NH cũng có thể huy động ít nhiều từ thị trường chứng khoán, dù thị trường này đang khá ảm đạm. 

Vừa làm, vừa nuôi dưỡng

Theo TS Võ Trí Thành - Viện phó Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư, quá trình tái cơ cấu có thể xuất hiện hiện tượng mua bán, hợp nhất, sáp nhập giữa các tổ chức tín dụng, còn việc để phá sản, hay xóa bỏ một NH cực chẳng đã, và nhất định không nên để xảy ra. “Tái cơ cấu phải chấp nhận đau, nhưng phải lựa chọn phương án sao cho ít đau nhất. Cho phá sản một doanh nghiệp (DN) dệt thì dễ, nhưng phá sản một NH lại rất khó. Chúng ta cần phải có nghệ thuật tái cơ cấu NH, cần nguồn lực lớn và những người có đầu óc thực sự để xử lý những vấn đề kỹ thuật”, ông nói.

Cuộc tái cơ cấu NH nào, theo TS Nghĩa cũng đòi hỏi phải thực hiện nhanh vì nợ nần không thể để lâu.  “Không có chuyện tái cơ cấu là nhằm dẹp bỏ các NH nhỏ, bởi ngay cả các NH lớn nhất hiện nay nợ xấu cũng rất đáng lo ngại. Nếu không có nhiều tiền để làm nhanh thì làm từ từ, vừa làm vừa nuôi dưỡng để dần thu hồi nợ trong một giai đoạn nhất định. Đương nhiên không thể kéo dài 5 - 7 năm được mà chỉ khoảng 3 - 4 năm”, ông nói và cho biết, trong giai đoạn 2001 - 2005, phương án này cũng đã được thực thi, tất nhiên phải chấp nhận tốn kém chi phí hơn, còn nếu để phá sản thì toàn bộ số nợ của DN, NH phải gánh chịu hoàn toàn, phát mại được đồng nào thu đồng đó. Phương án này cần phải cân nhắc vì tác động tiêu cực có thể nhiều hơn.

Không chỉ giải quyết nợ xấu, vấn đề hậu tái cơ cấu cần phải hoạch định và lên kế hoạch rõ ràng thông qua thiết lập lại hệ thống giám sát. “Như đã biết, chúng ta đã rất gian nan khi đưa tỷ lệ nợ xấu từ 14,7% năm 2001, xuống 5% 2005, nhưng từ năm 2006 lại bùng lên. Bởi vậy, cần tập trung chủ yếu vào nợ xấu và hệ thống giám sát rủi ro để không tái lập lại tình trạng này. Phải rà soát lại toàn bộ hệ thống quản trị rủi ro được thiết lập ở các NHTM, hoạt động có hiệu quả hay không, quy chế thế nào, xử lý rủi ro ra sao; toàn bộ các hoạt động từ kiểm soát giám sát tại chỗ của các NHTM. Tôi nghĩ cơ quan giám sát cũng phải chấn chỉnh lại. Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia làm cái gì, Bộ Tài chính, NHNN làm gì phải phân định rõ ràng. Phải có chương trình kế hoạch giám sát, không chỉ trong quá trình tái cơ cấu mà kể cả sau này khi tái cơ cấu kết thúc. Điều đó để đảm bảo rằng nó không lặp lại tình trạng chất lượng tài sản NH thấp như bây giờ”, TS Nghĩa khuyến nghị.

Anh Vũ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.