Khủng hoảng tại Khu vực sử dụng đồng euro (eurozone) đã làm lung lay quyền lực của một số nhà lãnh đạo các quốc gia ven Địa Trung Hải.
Có thể xem Thủ tướng Hy Lạp George Papandreou là nạn nhân đầu tiên của khủng hoảng kinh tế tại EU. Ông Papandreou đã “chắc suất” từ chức sau khi cùng lãnh đạo đảng đối lập Antonis Samaras đạt được thỏa thuận thành lập chính phủ liên hiệp ngày 6.11. Người được chọn ngồi vào ghế nóng của ông Papandreou nhiều khả năng là cựu Phó chủ tịch Ngân hàng trung ương châu u giai đoạn 2002-2010 Lucas Papademos, theo tờ Le Parisien.
Ông Papademos là nhân vật trung tâm trong chiến dịch vận động để Hy Lạp tham gia eurozone vào năm 2001. Đây là sự lựa chọn ít nhiều mang tính biểu tượng vì dư luận các nước trong khu vực thời gian gần đây liên tục “nói gần nói xa” về khả năng Athens từ bỏ đồng euro.
Với một nhà lãnh đạo “trung gian” như ông Papademos, chính phủ liên hiệp hy vọng sẽ dàn xếp được những chia rẽ để chuẩn bị kỳ tổng tuyển cử trước hạn, dự kiến được tổ chức vào ngày 19.2.2012. Tuy nhiên, ngoài việc chính phủ mới có thể thông qua thỏa thuận giải quyết khủng hoảng của eurozone, tình hình chính trị, xã hội của Hy Lạp vẫn rất khó ổn định trong một sớm một chiều. Nhất là khi hàng loạt chương trình cắt giảm ngân sách sẽ được áp dụng từ đây đến năm 2020, điều kiện để Athens nhận được những gói hỗ trợ kinh tế từ các nước trong khu vực.
Chưa đến mức như ông Papandreou nhưng Thủ tướng Ý Silvio Berlusconi cũng đang trong tình trạng “báo động đỏ”. Ngày 8.11, Hạ viện đã bỏ phiếu thông qua bản củng cố ngân sách năm 2010. Ông Berlusconi đã "lách" qua cửa hẹp tuy nhiên, kết quả số phiếu thuận cho thấy ông đã mất thế đa số tuyệt đối tại Hạ viện, đúng như dự đoán sau khi có hơn 20 nghị sĩ của liên minh cầm quyền "dứt áo ra đi" chỉ trong thời gian ngắn. Như vậy, việc đưa ra một kế hoạch ứng phó khủng hoảng như đã hứa tại Hội nghị G20 vừa kết thúc tuần qua sẽ ngày càng khó khăn đối với Thủ tướng Ý. Tuy ông Berlusconi vẫn bác bỏ khả năng từ chức nhưng đối với nhiều nhà quan sát, việc này chỉ còn là vấn đề thời gian.
Lãnh đạo một nước Nam u khác cũng đang “xính vính” vì khủng hoảng kinh tế là Thủ tướng Tây Ban Nha Jose Luis Rodriguez Zapatero. Có đến gần 5 triệu người bị thất nghiệp tại nước này, chiếm 21,52% dân số ở tuổi lao động. Người dân, đặc biệt là giới trẻ đang ngày càng mất kiên nhẫn với cách điều hành đất nước của chính phủ trong giai đoạn u ám này.
Phong trào biểu tình đình công tại Madrid hồi tháng 5 đã mở đầu cho làn sóng phản đối chính phủ khắp châu u và lan ra khắp thế giới vào tháng 10. Chính vì vậy, mọi thăm dò về cuộc tổng tuyển cử ngày 20.11 đều cho kết quả bất lợi với Thủ tướng Zapatero. Kết quả mới nhất trên tờ El Pais cho thấy đảng Nhân dân của phe đối lập sẽ chiến thắng áp đảo với tỷ lệ bầu 45,3% so với 30,3% của đảng Xã hội cầm quyền.
Nguyễn Ngọc Lan Chi
Bình luận (0)