Nghiện tình dục là bệnh

11/11/2011 09:58 GMT+7

Việc bà Trần Thị T. (68 tuổi, ngụ TP Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk) vừa bị người tình 21 tuổi giết vì đòi “yêu” thái quá là một hồi chuông cảnh báo về lối sống lệch lạc, là hình thái của nghiện tình dục hay còn gọi là cuồng dâm và đã được ghi nhận như là một bệnh trong sách chuyên đề chẩn đoán và thống kê các bệnh tâm thần.

Việc bà Trần Thị T. (68 tuổi, ngụ TP Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk) vừa bị người tình 21 tuổi giết vì đòi “yêu” thái quá là một hồi chuông cảnh báo về lối sống lệch lạc, là hình thái của nghiện tình dục hay còn gọi là cuồng dâm và đã được ghi nhận như là một bệnh trong sách chuyên đề chẩn đoán và thống kê các bệnh tâm thần.

Nghiện tình dục là khi đương sự có nhu cầu hưởng cảm giác đỉnh điểm quá mức bình thường, nhu cầu thúc bách không thể cưỡng, nếu không thực hiện được thì cảm giác sợ hãi dâng trào trong lòng. Người nghiện có thể quan hệ tình dục 12 - 15 lần/ngày và thường kèm đau ngực, đau bụng, mất ngủ. Nhu cầu khoái cảm đỉnh điểm cũng thường kèm với hội chứng sợ hãi.

Có quan niệm cho rằng đa số người nghiện tình dục đã trải qua môi trường gia đình không thuận lợi cho sự phát triển nhân cách đúng đắn, có cha mẹ nghiện ngập (rượu, ma túy) hoặc có hành vi khiến con cái sớm phát triển bản năng tính dục hay sớm trải nghiệm tình dục (78% phụ nữ nghiện tình dục đã từng bị lạm dụng tình dục khi còn nhỏ), để đến tuổi trưởng thành có sai lệch về nhân cách, sống thu mình, không cởi mở và không được hướng dẫn để có suy nghĩ sâu sắc, chín chắn. Đây là những dấu ấn thường thấy ở người nghiện tình dục, họ không biết lựa chọn giải pháp thích hợp nhất khi phải có một quyết định.

Mức độ nặng nhẹ của chứng nghiện tình dục dựa trên khoảng thời gian (số giờ) nổi cơn thúc bách hay số lần được trải nghiệm khoái cảm đỉnh điểm. Nếu số lần không vượt quá 4 - 5 lần/ngày thì vẫn có thể giấu giếm nhưng nếu là 6 - 12 lần/ngày thì sẽ rất khó hòa nhập đời sống xã hội. Và như vậy, mức độ nặng nhẹ cũng phải dựa trên tầm quan trọng của sự không hòa nhập với xã hội.

Xung năng thôi thúc, mất sự kiểm soát đối với hành vi sẽ tái diễn sau nhiều lần cố gắng “cai nghiện”. Người bệnh sẽ không sửa được những hành vi của mình dù đã gặp những hậu quả bất lợi như mất việc, ảnh hưởng đến hôn nhân hay sức khỏe hoặc bị nhục nhã, xấu hổ trước cộng đồng. Họ luôn bị ám ảnh nên rất dễ tìm kiếm ma túy để sử dụng. Phụ nữ nghiện tình dục có thể có những biểu hiện như lẳng lơ, ăn mặc khêu gợi (biểu hiện của hành vi phô bày), có nhiều chuyện phiêu lưu tình ái, bất chấp ranh giới tuổi tác, địa vị, đánh mất cả lòng tự trọng…

Một người có ham muốn tình dục nhiều hơn bình thường với bạn tình hoặc vợ/chồng và được chấp nhận thì không hẳn là bệnh hoạn. Không phải những người nghiện tình dục đều có hành vi tình dục xúc phạm đến người khác cũng như không phải tất cả những người có hành vi tình dục xúc phạm đến người khác đều là người nghiện tình dục. Đánh giá chính xác một người nghiện tình dục cần dựa trên đối thoại trực tiếp và sự hiểu biết về những hoàn cảnh liên quan đến hành vi đó.

Nghiện tình dục có thể chữa trị được theo những liệu pháp đặc biệt nhằm giúp họ có triết lý tích cực về cuộc sống, có niềm tin, nhận ra những lợi ích của sự kiềm chế và biết chia sẻ tình cảm với mọi người.

Theo Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.