Chín Hội người Bạc Liêu, con út trong một gia đình có ba anh trai một chị gái. Cha Chín Hội rất công bình, trai cũng như gái. Khi chia đất, ông cho mỗi đứa mười công. Hội là út được mười bốn công và căn nhà, bù lại ông bà ở cùng Chín.
Anh em Chín Hội nông dân từ khi mới lọt lòng, chăm chỉ lắm, nhờ thế họ ăn nên làm ra. Mỗi lần về thăm ba má, đề tài muôn thuở của họ là Chín Hội, nghệ sĩ nửa mùa.
Chưa xong tiểu học, Chín Hội chia tay bút mực. Miền Tây sông nước với đàn ca tài tử lại thêm cha mẹ cưng chiều, lôi kéo Chín Hội ra đi. Anh chị em Chín Hội ruộng nương là chính. Không như Chín, họ tự tay làm ăn. Chín Hội thì đem đất đai cho mướn, còn mình mang cái trắng trẻo đẹp trai đi đàn ca hát xướng.
Anh chị em lo cho cái lông bông của Chín. Ai cũng nói "Làm ăn kiểu này ba bữa nữa lấy vợ tiền đâu mà lo". Đúng quá, họ nặng nhẹ là phải, cha mẹ ngày càng già mà Chín Hội ăn chơi kiểu công tử thì sạt nghiệp là cái chắc.
“Nay mai đừng có kêu tao à", họ dằn dỗi. Chín Hội thì cười nhẹ tưng “Khỏi lo cho tui, mấy ông bà đừng có đa sự". "Ừ nhớ đó, lúc lấy vợ đừng có qua tao mà mượn". “Yên tâm đi".
|
Quả thật, Chín Hội chẳng cần mượn ai.
Đẹp trai, tiếng đàn lả lướt giọng ca mùi mẫn, đôi mắt mơ màng, bấy nhiêu đó thừa xô ngã lăn quay những trái tim mê ca hát, lắm người đẹp hết nước mắt vì Chín. Chín Hội ôm đàn giữa một vườn hoa đủ mọi hương thơm. Hoa nào cũng như hoa nào, đóa nào Chín cũng nâng niu thưởng thức hương thơm rồi sau đó sang đóa khác.
Thế rồi đóa hoa Bạch Ngọc tầm cỡ đổ quán xiêu đình đã xô ngã trái tim Chín Hội. Nàng theo Chín Hội về nhà chẳng cần cưới hỏi gì ráo. Thứ nhất, nàng sợ lũ yêu nữ vây quanh chàng nghệ sĩ hớt tay trên mất chàng. Thứ hai, vì trong một đêm trên ghe đầy tràn tiếng ca lời hát ngọt ngào, nàng đã cùng chàng lắc lư tới bến.
Việc lấy vợ của Chín khiến anh em trong nhà vừa thở dài vừa thở phào nhẹ nhõm.
***
Lấy nhau, vợ chồng Chín Hội về thị xã thuê nhà ở. Bạch Ngọc vốn con nhà khá giả sướng từ trong trứng, nấu cơm Bạch Ngọc cũng không biết. Má Chín Hội bĩu môi kể khi đi thăm con về: “Đàn bà con gái gì mà không biết nấu cơm. Ai đời vợ mà để chồng vô bếp". Ai nấy đều ngạc nhiên: “Trời đất! Giỡn chơi má?".
Chín Hội xăng xái vô bếp hầu vợ trẻ được mấy tháng, tới khi cái bụng của vợ tròn hẳn lên thì anh ta lại xuống ghe đi đàn ca tài tử tiếp. Ngày cha mất, anh em phải nhắn nhe qua hàng chục cái ghe mới tìm ra Chín Hội. Tang ma xong, Chín Hội lại đi.
Riết rồi Bạch Ngọc cũng hết buồn, hết khóc. Không có chồng nấu cơm cho nên bây giờ cô đã tự nấu cơm được rồi. Và tự làm nhiều thứ khác nữa.
Tài sản của Chín Hội bị bán dần từng công đất một. Người bán chính là bà mẹ đã lậm vô đề đóm. Người mua cũng không ai ngoài anh em trong nhà. Khi Chín Hội tỉnh mộng đàn ca, đất còn lại có bốn công.
Bạch Ngọc cho ra đời ba gái một trai. Chín nói với mẹ bằng cái giọng của kẻ nhuốm mùi thất bại: "Tui cấm bà bán nữa à". Rồi chửi thề: "Thằng nào dụ dỗ bà già mua rẻ đất đai, tao chém hết!". Anh em cự lại: "Mày đòi chém ai? Bả bán tao mua. Đừng có nói chuyện kiểu cô hồn nghe mậy!”. “Mấy ông cứ lợi dụng vợ chồng tôi lơ là. Từ nay đừng hòng qua đây!". "Ai thèm qua lại với vợ chồng mày. Đừng có mơ!".
Vậy là nước tràn chén.
Còn Bạch Ngọc hết chán rồi hận. Cô hận đã không nghe lời cha mẹ, hận thằng chồng chỉ biết bản thân mình. Vậy mà còn sòn sòn cho ra tới bốn đứa con.
Bạch Ngọc bỗng trở thành Bạch Cốt Tinh.
***
Ba đứa con gái của vợ chồng Chín Hội đẹp như tiên sa, giống hệt mẹ cái thuở chưa là Bạch Cốt Tinh. Lê Kiều Thảo, Lê Kiều Nhi, Lê Kiều Hạnh.
Nối gót mẹ, Kiều Thảo lấy chồng cũng không cho ai uống được một giọt rượu vu quy. Đã vậy, khi vợ có bầu thằng chồng đem gửi cho mẹ vợ, nói lý do phải đi làm ăn, đến lúc vợ đau bụng đẻ không có lấy một đồng. Bà Chín trực chiến ở trạm xá trong khi con rể ở nhà uống rượu đờn ca với cha vợ. Thằng rể khen cha vợ: "Ngón đờn của ba nhuyễn thiệt”.
“Khỏi khen mày. Dzô đi. Mà giọng ca của mày cũng mùi thiệt". Thằng rể cười hì hì: "Không mùi dễ gì đánh đổ con gái ba”.
Còn hai đứa Kiều Hạnh, Kiều Nhi bà Chín lo lắm. Lỡ nó đi theo tiếng gọi như con chị có nước bà tự tử cho xong đời. Hai đứa con gái, nhìn cha đã chán, nhìn anh rể còn chán hơn. Quanh đi quẩn lại toàn đờn ca tài tử rượu vào lời ra. Muốn con gái tránh xa cái đám này thì bà Chín phải cho tụi nó đi làm khu công nghiệp.
***
Khu công nghiệp là đất lành cho vô số những cánh chim muốn thoát cảnh nghèo. Đó là ý kiến của Tám Lập, chủ của hai mươi phòng trọ, mỗi phòng mười sáu mét vuông, thêm một gác lửng. Bầu đoàn thê tử của Chín Hội ngự trị trong một phòng như vậy.
Kiều Hạnh, Kiều Nhi làm ở công ty thuộc da Weitai. Vợ chồng Chín Hội luân chuyển theo cai thầu khắp các công trình xây dựng, chồng cầm bay chính, vợ phụ hồ. Thằng con trai út mười tuổi, trước khi đi làm Chín Hội khóa cửa nhốt trong phòng. Có người hỏi sao ác vậy, Chín trả lời: “Cho nó khỏi đi chơi". Hỏi tiếp: “Lỡ cháy nhà sao cha nội?". "Chủ phòng trọ lo chuyện đó trước mình”. Hỏi nữa: "Sao không cho thằng nhỏ đi học, ở đây cũng có lớp tình thương". “Thương cái bao tử của mình trước đã”.
Chỉ năm tháng sau khi đến đất lành, sự khởi sắc nhìn thấy rõ ở sợi dây chuyền vàng lấp lánh trên cổ bà Chín. Thêm hai đứa con gái cực kỳ nhan sắc đã kéo lô lốc anh hùng hào kiệt đến nhà, mong lọt vào mắt hai Kiều.
Tính tình phóng khoáng nghệ sĩ, Chín Hội chào đón tất cả. Chủ nhật nào tiếng đàn cũng vang lên, rượu bày ra. Chín Hội mượn rượu tung hô bà Chín lên tận mây xanh. Nhưng Bạch Cốt Tinh vẫn nhìn thấu tim đen bọn này.
Cũng có những gã không rượu, ngọt nhạt gọi bà Chín bằng má. Bà Chín tỉ tê với hai Kiều: “Thằng Bảo quê Tiền Giang, bây mà xuống đó là trôi ra biển luôn à", với Duy, bà phán: "Thằng đó cả một bầy em. Tao đây chỉ một mẹ chồng còn chịu không thấu".
Cuộc đời đã dạy bà Chín quá nhiều những bài học, nay bà lôi ra áp dụng cho hai con gái: “Cái thằng đó, trên răng dưới một rổ củ từ, bây lấy nó để đi ăn mày à?".
Theo đuổi hai Kiều từ phụ hồ cho tới cai thầu, từ Wave Tàu cho tới Dream Thái... Nhưng tất cả đều phải nhường đường cho xế hộp.
Họ rất đàng hoàng, đĩnh đạc và lịch sự. Hai Kiều giới thiệu: "Đây là anh A Huy, đây là A Pẩu". Bà Chín mời: "Ngồi chơi". Hai gã Đài Loan xí xa xí xồ. Chín Hội nói với vợ: "Tao bó tay với hai thằng nầy. Nó có chửi mình cũng không biết". Bà Chín chợt nhớ ra: "Thì ông kêu ông Minh coi". À lên mừng rỡ, Chín thò tay vào túi móc điện thoại di động.
***
Trong những người yêu thích tiếng đàn của Chín Hội, bà Chín kính trọng Năm Minh. Ông không thuốc lá, không rượu, lại trí thức, nói tiếng Anh như gió. Nếu con trai ông Minh không sa đọa, chắc chắn bà đã gả Kiều Hạnh cho nó rồi. Bà Chín vẫn nói với chồng: "Tội nghiệp! Cha vậy mà con lại hư”.
Năm Minh tới, thông dịch: "A Huy là quản lý, A Pẩu là thu mua của công ty”. Hai gã Đài móc từ trong cái xách tay to đùng, nào rượu hộp, khô mực, nào thuốc lá ngoại, bánh kẹo, sôcôla... Nhìn cái đống tặng phẩm mà Năm Minh dịch là "chút quà nhỏ", Chín Hội hết hồn.
Rồi hai gã bắt tay chào tạm biệt. Các người đẹp thân ái vẫy tay. Xế hộp lao đi, cán nát cả chục trái tim si tình.
Chín Hội hỏi:
- Ông nghĩ sao?
Năm Minh trả lời:
- Thời buổi này vàng thau lẫn lộn, vợ chồng ông cẩn thận là hơn. Với lại… - Năm Minh ngâm nga - Con gái mà lấy chồng gần, có tô canh cần nó cũng mang cho.
Chín Hội ngúc ngắc cổ:
- Đây chẳng cần canh cần canh khổ qua nhồi thịt gì ráo. Nó lấy chồng ngoại, lâu lâu gửi cho vài trăm đô xài được rồi.
Bà Chín nạt:
- Ông dẹp đi! Chỉ biết cái thân mình.
Nói vậy chớ lòng bà Chín cũng bâng khuâng. Bà khổ quá rồi, nào đàn ca tài tử, rượu, cái nghèo, cùng với sự vô tâm đã đày đọa cả đời bà. Bà nhất quyết chọn đúng mặt để gửi vàng. Dù gì thì đám này cũng hơn mấy thằng sáng say chiều xỉn tối chửi vợ khuya mắng con, tới khi nhà có công việc thì biến đâu mất.
***
Bà Chín chán ghét sự bê tha, thích sự mẫu mực. Thì đó, mẫu mực.
Người ta theo đuổi con gái bà và cố gắng học tiếng Việt. Chỉ ba tháng, hai gã Đài đã chào bà đúng kiểu Việt Nam. Đã thế chúng còn nói với Kiều Hạnh: “Phòng trọ hẹp quá, để anh mướn một căn nhà cho gia đình sinh hoạt thoải mái hơn”.
Dọn tới nhà mới, hai Đài đã thanh toán trước một năm tiền nhà. Rồi tủ lạnh, máy giặt, dàn karaoke. Hai Kiều thì đến trung tâm học tiếng Anh, tiếng Hoa để mưu cầu cho một tương lai xán lạn. Hai chiếc Wave Alpha được tậu về đủ nói lên chân tình của Huy và Pẩu.
Chín Hội khoe với Năm Minh: "Tụi nó mua cho hai đứa nhỏ hai cái di động đời mới. Hai cái thằng này được ghê!”. Năm Minh ngày nào cũng đọc báo An ninh, cảnh giác: "Ba cái quà biếu đó với tụi nó là đồ bỏ. Ông liệu hồn, dặn con ông cho kỹ, đừng dại dột có ngày ôm hận. Ông về kiểm tra kỹ hai cái di động, xem thử tụi nó có cài sẵn ba cái phim đồi trụy vô không”.
Chín Hội nghe lời kiểm tra liền. Thì y như rằng. Chín Hội chửi: "Tụi mầy coi ba thứ này, tao giết hết! Đồ gái hư!”. Bà Chín Hội nhìn mấy cái hình hiện ra trên điện thoại, cỡ Bạch Cốt Tinh mà cũng phải cấm khẩu.
Đến khi Bạch Cốt Tinh tỉnh trí, lồng lộn chửi, thì chuyện đã xong rồi.
***
Nếu nói hai Kiều tự bước qua lễ giáo là buộc tội khe khắt quá. Thử hỏi tất cả người đẹp trên thế gian này ai có thể từ chối trước sự chân thành, hào hoa. Đã thế họ còn được sự biểu đồng tình của cả gia đình. Mỗi lần họ đến là niềm tin sáng lên trong mắt mọi thành viên trong nhà. Bà Chín kỹ tính lắm, không cho đi chơi đâu hết: “Tụi mầy có muốn thì cưới hỏi đàng hoàng rồi dẫn đi Phi châu cũng được”.
Vậy thì hai gã Đài xử tại nhà.
Kiều Hạnh vừa ụa mửa vừa khóc kể: "Bữa đó hai ổng tới chơi… Cái bữa mà ba mượn xe tay ga chở má đi Vũng Tàu đó...”.
Đưa rắn vào nhà mà bảo giữ là giữ làm sao?! Bà Chín Hội đấm ngực. Ông Chín đứng ngoài cửa buồng nghe đầu đuôi câu chuyện, đầu óc quay cuồng, ra phòng khách xách chai rượu lên tu cho quên sầu nhân thế.
Bà con dòng tộc ở Bạc Liêu nói "Đời cha ăn mặn, đời con khát nước”. Họ kể lại vô số những cuộc tình của Chín Hội thời trai trẻ.
Bà Chín than thở với Năm Minh: “Cái số em sao nó khổ quá anh Năm ơi. Cha mẹ đã không học hành, con cái cũng thất học thất hành...”. Chín Hội nổi cáu: “Năm Minh học hành, tiếng Anh nói như gió mà con của ổng cũng ma túy chớ hơn gì ai?”.
***
Rồi chuyện cũng qua.
Bà Chín mua một cái áo tràng, rằm mùng một nào bà cũng lên chùa lễ Phật, sám hối cái tội chủ mưu sát hại cái thai.
Chín Hội càng rượu nhiều hơn.
Duy hai Kiều thì vẫn còn đẹp lắm.
Nguyễn Trí
Bình luận (0)