Thảo luận về dự luật Bảo hiểm tiền gửi tại nghị trường sáng 11.11, đa số ĐBQH nghiêng về quan điểm bảo hiểm tiền gửi (BHTG) cả với vàng và ngoại tệ.
ĐB Nguyễn Ngọc Bảo (Vĩnh Phúc) cho rằng vàng, ngoại tệ hiện nay đang được tích lũy trong dân và trôi nổi trên thị trường rất lớn, Nhà nước cần có chính sách bảo hiểm đối với loại tiền gửi này. Để tránh giao dịch bằng vàng hoặc ngoại tệ, ông Bảo đề xuất “tính phí bảo hiểm và chi trả bảo hiểm đối với người gửi tiền bằng vàng, ngoại tệ sẽ được quy đổi ra tiền đồng cho phù hợp với chính sách chúng ta”. Theo ĐB Đặng Xuân Huy (Đồng Tháp), nguồn kiều hối gửi từ nước ngoài về là kênh hợp pháp nhận tiền gửi. Cho nên tất cả loại hình tiền gửi tiết kiệm được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho phép phải bình đẳng, tiền đồng hay ngoại tệ được bảo hiểm ngang nhau và được chi trả bằng tiền đồng.
Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (Vietinbank) Phạm Huy Hùng phân tích: “Khi các ngân hàng thương mại còn được phép huy động tiền gửi ngoại tệ thì phải có trách nhiệm với các khoản tiền gửi này. Quan trọng hơn, tình trạng đô la hóa mạnh nhất chính là ở chỗ thanh toán chi trả bằng đô la. Còn khi dân cư có ngoại tệ, các ngân hàng thương mại huy động thì đây là hành vi hạn chế đô la hóa”. Vì vậy, theo ông Hùng, nên quy định phạm vi BHTG là tất cả tiền gửi của cá nhân, hộ gia đình bao gồm cả tiền đồng và ngoại tệ.
Các ĐB cũng tán thành quy định của dự luật về hạn mức chi trả tiền gửi (giao Chính phủ quy định hạn mức chi trả BHTG theo từng thời kỳ thích hợp trên cơ sở đề xuất của NHNN). Riêng về quy định tổ chức BHTG trực thuộc NHNN, nhiều ĐB cho rằng tổ chức này phải có vị thế độc lập tương đối nhằm đảm bảo có đủ thẩm quyền và năng lực tài chính để thực hiện chính sách BHTG hiệu quả minh bạch và khách quan.
Nguyệt Minh
Bình luận (0)