Nuôi người điên không công

12/11/2011 16:55 GMT+7

Đằng đẵng hơn mười năm trời, gia đình anh Hà Tư Phước ở thôn Ia Rôk, xã Chư H’drông, TP.Pleiku (Gia Lai) nuôi không công hơn 50 người bệnh tâm thần.

Đằng đẵng hơn mười năm trời, gia đình anh Hà Tư Phước ở thôn Ia Rôk, xã Chư H’drông, TP.Pleiku (Gia Lai) nuôi không công hơn 50 người bệnh tâm thần.

Chứng kiến cảnh cả nhà anh sống trong căn nhà gỗ xiêu vẹo, dành tiền xây cho người bệnh một chỗ khang trang hơn, mới hiểu lòng từ tâm của con người này.

Hẹn trước vài ba lần và phải chờ hơn hai giờ đồng hồ tôi mới gặp được anh Hà Tư Phước. Anh phân bua: “Mình có chiếc xe tải nhưng dạo này mưa nhiều, ít người gọi nên phải đi kiếm hàng chở thuê. Mấy hôm nay hết cả tiền dự trữ, vợ mình phải mua nợ thực phẩm để nuôi gần hai chục người bị bệnh tâm thần mà gia đình đang chăm…”.

 
Căn nhà gỗ tuềnh toàng, chẳng có vật dụng gì đáng giá của vợ chồng anh Phước - Ảnh: Trần Hiếu

“Duyên trời định”

Vợ chồng anh Phước không thể nhớ hết gia đình họ nuôi không công bao nhiêu người bệnh tâm thần, chỉ ước là khoảng hơn 50 người. Hết người này bớt bệnh được người thân đón về, lại có người khác đến thế chỗ. Điều này cũng đồng nghĩa vợ chồng anh càng thêm nặng gánh.

Đời người không được bao nhiêu. Mình giúp được họ bao nhiêu thì hãy gắng giúp

Anh Hà Tư Phước, thôn Ia Rôk, xã Chư H’drông, TP.Pleiku, Gia Lai

Căn nhà gỗ họ ở vốn được dựng lên chắp vá hơn 15 năm nay, giờ càng xuống cấp, xiêu vẹo vì không một lần tu sửa. Chị Huỳnh Thị Hạc, vợ của anh kể: “Mối mọt khiến nhiều tấm vách gỗ mục rồi. Mỗi khi có trời mưa to, cả nhà phải quây bạt lại che giường nằm và một số vật dụng trong nhà. Thôi, từ từ rồi tính…”.

Vợ chồng anh Phước bắt đầu nhận người bị tâm thần về nuôi từ hơn chục năm trước. Hễ có người nào bị tâm thần, lang thang ngoài đường là anh đưa về. Lúc đầu, người đi đường thấy lạ, xúm lại xem, tưởng là đánh lộn hay bắt bớ. Dần dà, hình ảnh anh Phước không còn xa lạ với rất nhiều người khi họ thấy anh chở vài “nhân vật lạ” trên xe công nông, xe tải về nhà. Điều lạ nhất là nhiều người bị tâm thần lên cơn quậy phá, không ít trường hợp gia đình xích lại hơn hai chục năm nhưng gia đình anh Phước chỉ chăm một đến hai năm lại đỡ bệnh, lành tính hẳn.

Mới cách đây vài tháng, anh đã làm “lễ tốt nghiệp” - cách nói vui của anh khi đưa được người tâm thần tái hòa nhập cộng đồng - cho 5 người, hiện còn nuôi 17 người nữa. Tại đây, họ không hề bị xích hay giam giữ mà sống chung với nhau, tỏ ra rất lành, hiếm khi quậy phá. Hầu như tất cả những người bệnh đến đây đều được anh nuôi không công, ngày ăn ba bữa. Riêng vợ anh Phước luôn túc trực chăm sóc cho người bệnh khi anh ra ngoài làm thuê kiếm tiền.         

Anh Phước nói: “Đây giống như là “duyên trời định” khi mình gắn bó thời gian với những người bị bệnh tâm thần. Mình chỉ nuôi họ theo cảm tính, chăm sóc họ bằng thái độ nhẹ nhàng, tình thương thực sự. Mới đầu, gia đình, hàng xóm cũng thấy sợ. Nhiều người phản đối nhưng dần dà họ mới hiểu và thấy mình nuôi người bệnh hiệu quả nên ủng hộ rất nhiều”.

Nhiều gia đình có người bị bệnh ở vùng bắc Tây nguyên nghe tiếng cũng tìm đến gửi người. Buồn là nhiều người gửi xong chẳng bao giờ quay lại...

 
Cơ ngơi khá khang trang mà vợ chồng anh Phước xây cho người bị tâm thần ở

Ăn tết với bắp sú

Chị Hạc, vợ anh Phước năm nay chỉ mới 36 tuổi nhưng sự khổ ải vật chất và nhiều đêm mất ngủ hằn in trên gương mặt. Ngoài những lúc ngắn ngủi đưa đứa con trai 10 tuổi đến trường, thời gian còn lại chị dành chăm sóc cho 17 người bệnh và mẹ chồng 82 tuổi.

“Thời gian đầu tui cũng thấy hơi sợ, nhưng sau này mình nghĩ họ rất đáng thương nên cũng đỡ sợ dần. Mỗi đêm vợ chồng tui thay nhau trông, như kiểu đi gác để đề phòng chuyện bất trắc xảy ra. Nay thì mỗi ngày tui đưa cơm ba bữa, quây quần nói chuyện với họ bình thường. Tui nghĩ chính vì điều đó nên họ được thoải mái, nhanh bớt bệnh. Nhiều người đã được người thân đón về trong vui mừng” - chị Hạc nói.

Suốt nhiều năm nay mải lo kiếm tiền nuôi người bị bệnh tâm thần, vợ chồng anh Phước họa hoằn lắm mới có điều kiện đưa con đi chơi. Đứa con lớn 13 tuổi đang học lớp bảy, từ hơn một năm nay cũng được chị Hạc gửi ăn học tại nhà em ruột ở trung tâm TP.Pleiku. Mỗi đêm, chị nhẩm tính xem cần phải mua gì lo cho cả hai chục con người. Nhiều lần đi chợ nhưng không có đồng nào, chị lại phải khất nợ để có cái ăn cho người bệnh.

Anh Phước kể nhiều cái tết hai vợ chồng không dám đi đâu bởi sợ ở nhà không ai chăm người bệnh và trong túi cũng không có tiền. Tối 29, 30 tết, hai vợ chồng kéo nhau ra chợ. Ở đó, nhiều trái bắp sú loại nhỏ, rau củ xấu không bán được, người ta đổ đi. Anh chị nhặt nhạnh về hết, rửa sạch để phục vụ bữa ăn đạm bạc ngày tết cho cả gia đình lẫn người bệnh.             

Anh Phước vốn có nghề chạy xe công nông chở thuê. Năm 2007, hai vợ chồng anh mua trả góp một chiếc xe tải trị giá gần 300 triệu đồng. Nhưng người thuê cũng không nhiều. 500 cây cà phê của vợ chồng anh mỗi năm cũng chỉ thu được 20-30 triệu đồng. Số tiền kiếm được phải co kéo lắm mới tạm chi dùng, nuôi gần mấy chục người bệnh. Ngay cả căn nhà anh xây cho người bệnh ở cũng khang trang hơn cả ngôi nhà của mình.

n nhân của nhiều gia đình

Mới đầu, anh dành riêng một gian nhà cho người bệnh ở chung với gia đình. Vài ba năm trở lại đây, vợ chồng anh mới xây được một khu nhà khá khang trang để “họ ở cho thoải mái hơn”… Nhiều gia đình xem gia đình anh Phước là ân nhân bởi đã giúp người thân của họ trở lại cuộc sống cộng đồng.

Một gia đình khá giả ở TP.Pleiku sinh được 4 đứa con trai thì không may, 3 đứa bị tâm thần gần như cùng một lượt. Một đứa bỏ nhà đi lang thang sang Đắk Lắk, trong một lần lên cơn đã vác dao chém chết người rồi bị mọi người đánh đến chết. Đứa thì chết vì bệnh nặng. Đứa còn lại, gia đình bất lực vì đã đưa con đến nhiều nơi nhưng bệnh vẫn cứ bệnh. Sau khi xích hơn 10 năm, đứa con này được đưa đến nhờ gia đình anh Phước chăm sóc.

Thời gian mới đến, H. (tên người bị bệnh) cắn xé hết áo quần, tự cắn cả người mình chảy máu. Sau hai năm, H. đã bớt bệnh, được gia đình đón về và đã tự lo cho bản thân trong sinh hoạt, làm một số việc nhẹ. Ngày đón H. về, bà mẹ sụp xuống khóc với anh Phước: “Anh là ân nhân của gia đình tôi, không thể trả ơn hết được!”.

Hay anh P. nay đã 35 tuổi, phát bệnh từ lúc 18 tuổi. Có lần lên cơn đã đánh tả tơi em gái của mình đang mang bầu và nhiều lần quậy phá khiến gia đình hoảng sợ. Gia đình đưa P. đi đủ nơi nhưng bệnh vẫn không thuyên giảm. Sau ba năm điều trị tại nhà anh Phước, P. đã bớt bệnh nhiều, tự tắm rửa, làm một số việc lặt vặt được. Rồi Phạm Chí Nghĩa, năm nay đã 44 tuổi, phát bệnh từ khi học năm thứ hai một trường cao đẳng tại TP.HCM. Nghĩa được anh Phước phát hiện khi đi lang thang ra đến TP.Pleiku, đói lịm đi ở một góc đường. Sau gần 5 năm điều trị, Nghĩa đã nhớ khá rõ về quá khứ của mình. Anh Phước nói để Nghĩa bớt bệnh hơn nữa sẽ tìm giúp gia đình đưa cậu ta về.

Đặc biệt, những người bị bệnh đến với gia đình anh đều sống cùng nhau trong một phòng (điều khó làm được tại các cơ sở chữa bệnh tâm thần - PV). Họ đều không sử dụng một loại thuốc nào, chỉ có sự chăm sóc, sự quan tâm nhiệt tình của vợ chồng anh Phước.

Anh Phước nói: “Đời người không được bao nhiêu. Mình giúp được họ bao nhiêu thì hãy gắng giúp”. Gần đây, sau nhiều lần cấm đoán, các ngành chức năng ở Gia Lai mới mở đường cho gia đình anh Phước nuôi người bệnh tâm thần. Anh khoe là mới được Phòng LĐ-TB-XH TP.Pleiku mời lên, giúp hoàn thành “Đề án thành lập cơ sở nuôi dưỡng, chăm sóc và chữa bệnh cho người tâm thần”.

Chia tay vợ chồng anh Phước lúc trời chạng vạng, nhìn ra thấy một ngôi mộ, chúng tôi tò mò hỏi. Anh kể rằng đó là mộ của một em bé bị người thân bỏ đi, quấn vào giấy báo vứt ở bụi cây ven đường mà anh có duyên gặp cách đây nhiều năm. Anh đem về lập mộ, xem như “em của mình, chăm chút hương khói cho em nó đỡ cô quạnh”. 

Trần Hiếu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.