Thủ đoạn mới ăn cắp thông tin thẻ ATM, số PIN bằng thiết bị kỹ thuật cao đã xuất hiện tại TP.HCM và Hà Nội, do tội phạm người nước ngoài thực hiện.
Trong khi cơ quan chức năng đang truy lùng tội phạm, các ngân hàng (NH) lưu ý người sử dụng cảnh giác trước những dấu hiệu bất thường trong quá trình sử dụng thẻ ATM.
Chưa thể dùng thẻ ATM công nghệ chip EMV Một trong những giải pháp hạn chế bị đánh cắp thông tin là sử dụng thẻ ATM công nghệ chip theo chuẩn EMV, do thông tin trên thẻ được mã hóa, tội phạm không thể sao chép ra thẻ ATM trắng để ăn cắp tiền. Tuy vậy, công nghệ này hiện nay chủ yếu dùng cho thẻ tín dụng quốc tế, còn trong nước rất ít bởi chi phí cao gấp 10 lần so với phát hành thẻ băng từ; đầu đọc thẻ ở các máy ATM cũng phải được nâng cấp... |
Tinh vi
Gần đây, một số khách hàng sử dụng thẻ ATM nhận được thông báo từ NH về việc thẻ sẽ tạm thời bị khóa do có nguy cơ bị trộm thông tin khi giao dịch tại ATM. Theo nguồn tin của PV Thanh Niên, các thông báo bất thường này xuất phát từ việc khoảng 2 tháng gần đây, các NH xác định đã xuất hiện tội phạm người nước ngoài đang sử dụng thiết bị công nghệ cao lén lút cài vào một số máy ATM để đánh cắp thông tin của chủ thẻ. Cụ thể là một thiết bị được cài đặt vào khe bỏ thẻ ATM, có hình dạng và màu sắc giống với máy, rất khó phát hiện. Khi chủ thẻ bỏ thẻ vào máy ATM để thực hiện việc rút tiền, xem số dư tài khoản hay chuyển khoản..., thiết bị này sẽ sao chép các dữ liệu của khách hàng trên băng từ của thẻ ATM. Đồng thời, bọn tội phạm cũng bí mật đặt thêm một camera quay thẳng xuống bàn phím máy ATM để lấy mật khẩu của khách hàng.
Theo ghi nhận của các máy camera NH, bọn tội phạm này thực hiện việc cài đặt thiết bị chỉ mất từ 15 - 20 phút. Thường thì tội phạm chọn những máy ATM ở trung tâm thành phố, nơi có nhiều khách hàng giao dịch, thời gian hoạt động của chúng thường từ 17 - 19 giờ, sau giờ làm việc của NH. Sau khi cài đặt các thiết bị ăn trộm dữ liệu tại máy ATM, bọn tội phạm đứng ngoài quan sát. Khi thấy khách hàng giao dịch nhiều, số lượng thông tin đánh cắp đã đủ “sở hụi”, chúng sẽ quay lại máy ATM để tháo các thiết bị cài đặt. Những dữ liệu ăn cắp được sau đó sẽ được sử dụng để tạo ra một thẻ ATM giả và rút trộm tiền.
Đây là một trong những chiêu thức trộm tiền trong tài khoản của khách hàng khá phổ biến trên thế giới, nay bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam. Một chiêu thức khác cũng được bọn tội phạm sử dụng là gắn một bàn phím giả đè lên bàn phím thật của máy ATM. Bàn phím này có kết nối bluetooth hoặc với điện thoại di động để truyền dữ liệu số PIN của chủ thẻ về điện thoại hoặc laptop của chúng.
|
Cách nào để tránh?
Trước tình trạng này, trong khi cơ quan chức năng đang điều tra truy bắt bọn tội phạm, các NH cảnh báo người sử dụng thẻ phải luôn cảnh giác để trước hết là tự bảo vệ mình.
Giám đốc một trung tâm thẻ tại TP.HCM lưu ý: “Khi giao dịch tại các máy ATM, khách hàng cần quan sát kỹ cột máy ATM có gì khác thường so với trước đây hay không, đặc biệt là ở khe đọc thẻ và phía trước bàn phím có camera đặt ở đó hay không (NH không đặt camera trước bàn phím - PV). Trường hợp thấy những bất thường cần ngưng giao dịch và báo ngay về trung tâm thẻ để khóa thẻ”.
Một chuyên gia về an toàn thẻ hướng dẫn: Khi nhập mã mật khẩu, chủ thẻ nên lấy tay hoặc dùng giấy che bàn phím nhằm tránh tình trạng bị lấy cắp mật khẩu. Bọn tội phạm dù có lấy được thông tin thẻ nhưng không lấy được mật khẩu cũng không thể ăn cắp tiền trong tài khoản. Chủ thẻ cũng nên đăng ký sử dụng dịch vụ tin nhắn của NH khi có giao dịch, thay đổi trạng thái tài khoản. Chỉ mất phí khoảng 10.000 đồng/tháng khi sử dụng dịch vụ này nhưng có thể yên tâm là nếu bị rút trộm tiền, tin nhắn sẽ báo số dư tài khoản thay đổi, chủ thẻ sẽ lập tức phát hiện bất thường và báo NH khóa thẻ ngay để làm rõ.
''Khi nhập mã mật khẩu, chủ thẻ nên lấy tay hoặc dùng giấy che bàn phím nhằm tránh tình trạng bị lấy cắp mật khẩu'' - Một chuyên gia về an toàn thẻ hướng dẫn |
NH cũng phải có trách nhiệm
Hiện hệ thống ATM của các NH trong cả nước lên đến trên 10.000 máy với nhiều mẫu mã đa dạng, có NH trang bị nhiều loại máy ATM khác nhau. Đồng thời, các máy ATM của các NH đã liên thông với nhau, chủ thẻ của NH này có thể giao dịch ở máy ATM của NH khác. Do đó, việc quan sát, phát hiện bất thường trên máy đối với nhiều chủ thẻ là không dễ, nhất là khi phải giao dịch trên loại máy không quen thuộc.
Để giải quyết vấn đề này, theo phó tổng giám đốc một công ty cung cấp giải pháp kỹ thuật máy ATM, các NH cần có những lưu ý, hướng dẫn về đặc điểm của máy ATM (đặc biệt là về khe đọc thẻ, bàn phím), dán ở vị trí dễ quan sát nhất tại các máy ATM để giúp chủ thẻ nhận biết và quan sát.
Bản thân các NH hiện cũng cần tăng cường các biện pháp an ninh cho máy ATM, bảo vệ chủ thẻ. Phó tổng giám đốc một NH tại TP.HCM cho biết NH đã nâng cấp phần mềm của các máy ATM, máy sẽ ngưng hoạt động ngay khi có sự can thiệp, đưa thiết bị lạ bên ngoài hoặc thẻ giả vào máy. Các NH cũng đang cài đặt hệ thống an toàn trên khe đọc thẻ. Khe được hoạt động trên cơ sở nhận biết chuyển động đều đặn. Một khi có một vật lạ xâm nhập, khiến khe đọc thẻ chuyển động không đều, máy ATM sẽ lập tức ngưng lại.
Các thủ đoạn khác
Theo các chuyên gia về công nghệ NH, các thủ đoạn khác nhằm đánh cắp thông tin của chủ thẻ bao gồm đột nhập vào hệ thống dịch vụ thanh toán qua mạng của hệ thống NH để lấy thông tin; giả danh NH gửi mail yêu cầu cung cấp thông tin về chủ thẻ; gửi vi rút chiếm quyền điều khiển máy tính, khi khách hàng vào một trang web chính thống sẽ bị chuyển đến một trang web giả mạo mà không hề biết, những thông tin nhập vào trang web giả này sẽ bị sử dụng để đánh cắp tiền trên tài khoản... |
Thanh Xuân
Bình luận (0)