Trung Quốc phải tham gia tiến trình COC

16/11/2011 00:23 GMT+7

Ngoại trưởng Indonesia hôm qua nói rằng ASEAN “đã có một kịch bản” cho vấn đề biển Đông, và sớm muộn gì Trung Quốc cũng phải tham gia vào Bộ quy tắc ứng xử biển Đông.

Ngoại trưởng Indonesia hôm qua nói rằng ASEAN “đã có một kịch bản” cho vấn đề biển Đông, và sớm muộn gì Trung Quốc cũng phải tham gia vào Bộ quy tắc ứng xử biển Đông.

Phát biểu với báo chí về vấn đề biển Đông ngay sau khi kết thúc cuộc họp Bộ trưởng Ngoại giao 10 quốc gia Đông Nam Á, Ngoại trưởng nước chủ nhà Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 19, ông Marty Natalegawa, nói: “Chúng ta đã có một kịch bản ASEAN, không phải là những quy chế lỏng lẻo nữa. Một sự việc nào vượt ra khỏi kịch bản đó sẽ là trở thành vấn đề căng thẳng”. Ông Natalegawa đề cập tới bản hướng dẫn thực thi Tuyên bố các bên về quy tắc ứng xử biển Đông (DOC) mà ASEAN và Trung Quốc thông qua hồi tháng 7 năm nay. “Việc đồng thuận về bản hướng dẫn đã loại bỏ một trở lực lớn. Và bây giờ chúng ta tập trung vào việc thực thi DOC bằng các dự án cụ thể”, ông nói.

 
Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa nói rằng ASEAN đã đạt được nhiều đồng thuận - Ảnh: Thục Minh

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự Hội nghị

Ngày 16.11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ VN rời Hà Nội, lên đường tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 19 và các cấp cao liên quan bao gồm cấp cao ASEAN + 3, cấp cao Đông Á (EAS) và các cấp cao ASEAN + 1 với các đối tác (gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Mỹ và Liên Hiệp Quốc) được tổ chức từ ngày 17-19.11 tại Indonesia, theo TTXVN.

Hôm qua, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cũng gặp song phương với Ngoại trưởng Malaysia Anifah Aman và Myanmar Wanna Maung Lwin. Bên cạnh nội dung đẩy mạnh hợp tác kinh tế, thương mại và tiểu vùng Mê Kông, vấn đề biển Đông và an ninh khu vực cũng được đề cập.

Song song với việc thực thi DOC, ASEAN cũng đã khởi động tiến trình đi đến một Bộ quy tắc ứng xử biển Đông (COC) có giá trị ràng buộc pháp lý. Nhóm công tác bao gồm các quan chức cấp cao ASEAN hôm 12-13.11 đã khởi đầu thảo luận về “những thành tố” phải có trong COC. Ông Natalegawa cũng nhấn mạnh đây chưa phải là việc soạn thảo COC, bởi “Trung Quốc đã sử dụng những cụm từ như “điều kiện thích hợp” và “thời gian thích hợp” để thảo luận về việc soạn thảo văn kiện này”. Vì thế, “cái mà chúng ta đang làm có thể xem là tiền bản của bản thảo, và được tạm gọi là nhận diện các thành tố”.

Đặt vấn đề Trung Quốc tham gia đối thoại với ASEAN về COC, ông Natalegawa nói: “Cuối cùng thì ASEAN và Trung Quốc sẽ phải đối thoại và thương lượng với nhau. Ở thời điểm này tiến trình đi đến COC mới ở giai đoạn tham vấn trong nội bộ ASEAN, và chỉ bắt đầu cách đây 2 ngày. Nhưng tôi dự liệu rằng, sớm hơn là muộn, Trung Quốc sẽ phải tham gia tiến trình này”.

Về phía Việt Nam, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nói với Thanh Niên: “ASEAN nhất trí kiên trì thực thi DOC và tích cực tiến tới COC”. Còn Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh, trưởng đoàn quan chức cấp cao VN tại ASEAN, nói với các phóng viên rằng VN cùng ASEAN sẽ tiếp tục đưa ra nhiều sáng kiến mới để tập hợp sự tham gia của nhiều quốc gia khác, nhằm đảm bảo sự phát triển kinh tế và an ninh khu vực. Sáng kiến mời Mỹ và Nga tham gia Thượng đỉnh Đông Á (EAS) của VN hồi năm 2010 rất được hoan nghênh. Tổng thống Mỹ Barack Obama và Bộ trưởng Ngoại giao thay mặt Tổng thống Nga sẽ tham dự EAS vào ngày 19.11 cùng với lãnh đạo các nước Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, New Zealand, Úc và Trung Quốc.

Cũng trong ngày hôm qua, các ngoại trưởng ASEAN đã thảo luận nhiều vấn đề khác, như việc thành lập một Viện ASEAN vì hòa bình và hòa giải; việc Brazil ngỏ ý tham gia vào Hiệp ước hòa bình và hữu nghị ASEAN mà Mỹ đã tham gia năm 2009; Đông Timor muốn tham gia ASEAN; hệ thống Visa chung ASEAN; và Myanmar đề nghị nhận ghế Chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2014.

Thục Minh
(từ Bali, Indonesia)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.