Berlusconi, huy hoàng và bê bối - Nhẵn mặt chốn công đường

17/11/2011 01:07 GMT+7

Thường xuyên phải ra vô tòa án vì các vụ kiện tụng trong thời gian còn nắm quyền, nhưng lần nào ông Silvio Berlusconi cũng bình an vô sự.

Thường xuyên phải ra vô tòa án vì các vụ kiện tụng trong thời gian còn nắm quyền, nhưng lần nào ông Silvio Berlusconi cũng bình an vô sự.

Rời ghế Thủ tướng Ý ngày 12.11, ông Berlusconi mất đi quyền miễn trừ dành cho lãnh đạo quốc gia. Theo Đài phát thanh Europe 1, ông sẽ gặp nhiều phiền phức hơn để tiếp tục vượt qua 3 vụ án hiện đang được Tòa án Milan thụ lý. Đình đám nhất trong số này là vụ Rubygate, ông Berlusconi bị nghi ngờ đã trả tiền để quan hệ với người đẹp gốc Ma Rốc Karima El-Mahroug (còn gọi là Ruby) khi cô còn vị thành niên. Tại Ý, quan hệ với trẻ chưa đủ 18 tuổi có thể bị phạt từ 6 tháng đến 3 năm tù. Cựu thủ tướng còn bị cáo buộc lạm quyền do can thiệp để Ruby được tha bổng trong một lần cô gặp rắc rối với cảnh sát vào tháng 5.2010. Tội danh này có mức phạt tối đa 12 năm tù. Về 2 vụ kiện còn lại, ông Berlusconi sẽ hầu tòa do bị nghi ngờ đã chi 600.000 USD để mua chuộc nhân chứng (vụ Mills) và gian lận thuế trong một số thương vụ tại hãng truyền thông Mediaset thuộc sở hữu của ông.

Tuy không còn những lá chắn pháp lý của ghế thủ tướng nhưng với nhiều điều luật nhìn xa trông rộng được đưa ra khi còn tại vị, có thể ông Berlusconi một lần nữa lại qua ải trót lọt. Như với luật vừa được thông qua hồi tháng 4.2011, 2 vụ kiện Mills và Mediaset đều lần lượt hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự vào mùa xuân năm sau. Nhiều khả năng các trình tự tố tụng phức tạp của vụ án sẽ không theo kịp thời hạn này và đương nhiên, ông Berlusconi lại hạ cánh an toàn. Không chỉ thế, một điều luật khác được thông qua trong nhiệm kỳ 2001-2006 của ông quy định miễn phạt tù cho những người trên 70 tuổi, trừ khi người đó phạm tội giết người, buôn bán ma túy hay liên quan đến các băng mafia. Ông Berlusconi vừa mừng sinh nhật thứ 75 vào cuối tháng 9.2011.

Đo ni đóng giày luật pháp

Những năm trước, có thể nói hiếm ai ra tòa mà vẫn tỏ ra rất “phong độ” như ông Berlusconi. Tháng 10.2008, trong một lần gặp gỡ dân chúng tại Rome, được hỏi về những vụ kiện tụng lùm xùm của mình, ngài thủ tướng tự tin trả lời: “Chẳng liên quan gì đến tôi cả. Tôi từng 18 lần được trắng án”, theo tờ L’Express. Lần nào trở về ghế thủ tướng, ông Berlusconi cũng cẩn thận “cải cách” để cho ra đời các điều luật gần như được đo ni đóng giày để đảm bảo ông vẫn có thể ăn ngon ngủ yên giữa hàng loạt vụ kiện tụng. Luật sư riêng của cựu thủ tướng, ông Niccolo Ghedini, còn được mệnh danh là “Bộ trưởng Tư pháp trong bóng tối” tại đất nước hình chiếc ủng. Tháng 7.2008, không lâu sau chiến thắng trong kỳ tổng tuyển cử, ông đã trình Quốc hội thông qua luật Alfano đảm bảo quyền miễn trừ cho 4 nhà lãnh đạo cấp cao nhất của Ý.

Ông Berlusconi và Tập đoàn truyền thông Fininvest của mình đã trải qua gần 30 vụ kiện, 2.500 lần phải giải trình trước tòa, 600 lần bị lục soát văn phòng, 250 lần ủy thác xét xử, theo L’Express. Ngay cả khi không có sẵn điều luật nào làm lá chắn, ông vẫn vượt qua một cách ngoạn mục do được xử trắng án hoặc do vụ việc đã hết thời hiệu truy cứu. Một cách hết sức “tình cờ”, những chuyến công du hay các buổi hội đàm với nguyên thủ các nước của ông thường trùng ngày tòa án triệu tập. Đây là kế hoãn binh hoàn hảo để xếp hồ sơ nhiều vụ kiện tụng vì quá thời hạn cho phép. Ông Berlusconi từng có lần nửa đùa nửa thật với 2 nhà báo nổi tiếng của Ý là Enzo Biagi và Indro Montanelli rằng: “Tôi đến với chính trường là để tránh vòng lao lý và nguy cơ phá sản (cho Tập đoàn Fininvest - NV)”.

Ngoài những điều luật hết sức có lợi, ông Berlusconi còn mời được nhiều nhân vật tầm cỡ ra tòa làm chứng. Như vụ Rubygate, ông có một lực lượng nhân chứng lên đến 78 người, bao gồm ngôi sao điện ảnh George Clooney, 3 vị bộ trưởng Franco Frattini (Ngoại giao), Mara Carfagna (Bình đẳng) và Mariastella Gelmini (Giáo dục)… Hầu hết những người này đều khẳng định những buổi tiệc tùng thân mật tại tư dinh của ông Berlusconi hết sức lành mạnh, không có gì trái với pháp luật.

Nghịch lý của thẩm phán Ý

Từ chiến dịch “Bàn tay sạch” chống mafia vào đầu thập niên 1990, các thẩm phán Ý đã được đồng nghiệp khắp thế giới ngưỡng mộ. Nhưng tại quê nhà, họ lại không được coi trọng. Tờ L’Express dẫn lời thẩm phán Armando Spataro, người đứng đầu bộ phận chống khủng bố của Tòa án Milan, cho hay tòa án này lớn thứ 3 của Ý nhưng lại thiếu đến 45% nhân sự của bộ phận hành chính, đến độ phải nhờ người của các cơ quan an ninh hỗ trợ.

Trong điều kiện đó, một số vụ án tại Ý có khi phải đợi 10-15 năm mới được xét xử. Còn Chủ tịch Tòa án Civitavecchia Mario Almerighi nhận định: “Quyền lực như một con nhện, cứ mỗi khi các thẩm phán làm thủng được một lỗ trên mạng lưới của nó thì ngay lập tức sẽ bị đan lại, thậm chí còn vững chắc hơn trước. Hiện lưới nhện đã cứng như thép”.

Không chỉ vậy, vốn có “ân oán” lâu năm, khi còn tại vị, ông Berlusconi không ngừng xuất hiện trên những phương tiện truyền thông của mình để chê trách các thẩm phán. Hồi tháng 5, ông còn tuyên bố “ngành tư pháp của Ý là một khối ung thư của nền dân chủ”.

Nguyễn Ngọc Lan Chi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.