Bệnh tay chân miệng vẫn hoành hành

20/11/2011 22:41 GMT+7

(TNO) Tình hình dịch bệnh tay chân miệng (TCM) trong cả nước đang ở trong tình trạng hết sức cấp bách. Số trường hợp tử vong do bệnh đến thời điểm này cao gấp 25 lần so với cùng kỳ năm 2010.

* 153 ca tử vong do bệnh TCM

(TNO) Tình hình dịch bệnh tay chân miệng (TCM) trong cả nước đang ở trong tình trạng hết sức cấp bách. Đó là nhận định của Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân trong Hội nghị Tăng cường các biện pháp phòng chống bệnh TCM diễn ra hôm nay (20.11).

>> 147 ca tử vong do dịch tay chân miệng
>> Dịch tay chân miệng lây lan ở mức báo động
>> Đề phòng tay chân miệng ít triệu chứng

Theo thống kê của Bộ Y tế, tính đến thời điểm này, cả nước có hơn 90.000 ca mắc TCM (tăng 10 lần so với cùng kỳ 2010), ở khắp 63 tỉnh thành. Đã có 153 trường hợp tử vong do bệnh (gấp 25 lần so với cùng kỳ năm 2010). Trong đó, tháng 9 được coi là đỉnh dịch với 20.000 ca mắc mới.

Bệnh đổ dồn về TP.HCM

Tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), Khoa Nhiễm điều trị bệnh TCM từ tháng 4 đến giờ vẫn đang quá tải. Bên cạnh đó, số ca nặng chiếm tỷ lệ lớn với 5 - 10 trường hợp mỗi ngày.


Các bệnh viện ở TP.HCM quá tải do bệnh TCM từ tháng 4 cho đến nay - Ảnh: Nguyên Mi

“Áp lực bệnh nhi lớn khiến bệnh viện thiếu phương tiện hồi sức và cơ số thuốc. Các trường hợp bệnh được điều trị theo phác đồ mọi năm trở nên kém đáp ứng, tử vong tăng”, bác sĩ Tăng Chí Thượng, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết.

Tính đến hết tháng 10, có 10.677 ca bệnh TCM điều trị nội trú tại Bệnh viện Nhi đồng 1. Trong số đó có 761 ca nặng và 41 bé đã tử vong.

Chiếm tỉ lệ lớn trong số bệnh nhi nhập viện tại đây là từ các tỉnh chuyển về. Đông nhất là từ Long An, Tiền Giang, Tây Ninh, An Giang, Đồng Nai, Bình Dương chiếm 60,7% tổng số ca bệnh. Bệnh nhi tại TP.HCM chiếm khoảng 39,3%.

Từ khi bệnh TCM bùng phát mạnh cho đến nay, tại TP.HCM, có 13 trường học phải đóng cửa từ 1 - 2 lớp và 6 trường phải đóng cửa toàn bộ.

Vi-rút mới gây tử vong cao

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhìn nhận, thể vi-rút TCM mới lưu hành mạnh ở nước ta năm nay là EV71 khá nguy hiểm.


Thể vi-rút EV71 gây các ca bệnh nặng, nhiều trường hợp đang được điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) - Ảnh: Nguyên Mi

Bệnh nhân nhiễm thể vi-rút này thường diễn tiến bệnh nặng và tử vong chỉ trong vòng 24 giờ. Tỉ lệ tử vong chiếm tới 39,7%.

Đặc biệt, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến lo ngại, khu vực phía Nam tỷ lệ bệnh nhân nhiễm vi-rút EV71 cao nhất cả nước, chiếm 56,7%.

“Để ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh TCM ngành y tế không thể một mình giải quyết được. Để phòng bệnh, quan trọng nhất là phụ huynh phải có ý thức vệ sinh trong chăm sóc trẻ”, Bộ trưởng Bộ Y tế kêu gọi người dân.

Bên cạnh đó, trước tình trạng trên thị trường hiện nay một số loại thuốc quảng cáo chữa bệnh TCM, bà Tiến khuyến cáo người dân: “Cho đến thời điểm này, TCM vẫn chưa có vắc-xin phòng ngừa cũng như thuốc điều trị đặc hiệu. Vì thế, khi phát hiện trẻ có dấu hiệu của bệnh tay chân miệng gia đình cần đưa đến bệnh viện để được điều trị kịp thời chứ không nên tự tiện dùng thuốc ở nhà”.

Nguyên Mi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.