Phát kiến nhỏ nhưng ảnh hưởng lớn

20/11/2011 19:31 GMT+7

36 loại đồ dùng hằng ngày, lặng lẽ phục vụ con người như những “người hùng ẩn danh” đang được Bảo tàng Khoa học London lựa chọn để trưng bày.

36 loại đồ dùng hằng ngày, lặng lẽ phục vụ con người như những “người hùng ẩn danh” đang được Bảo tàng Khoa học London lựa chọn để trưng bày.

Dịp này du khách sẽ có dịp tìm hiểu ý tưởng phát kiến những đồ vật tưởng chừng đơn giản nhưng đã có ảnh hưởng rất lớn trong đời sống chúng ta như sợi dây thun, hộp thiếc chứa thức ăn (đồ hộp), kẹp giấy, hộp trứng (chống vỡ)…

Ví dụ cụ thể là loại bao bì cách nhiệt được phát minh bởi Alfred Fielding và Marc Chavannes qua Công ty Sealed Air trong những năm 1950, vài năm sau nó đã trở thành loại bao bì quan trọng cho hãng IBM bảo quản máy tính trong quá trình vận chuyển, giao hàng. Đó là loại giấy gói bằng nhựa dẻo với những túi khí nhỏ được bố trí đều đặn trên cả hai bề mặt mà khi không dùng nữa, chúng ta có thể bóp những túi khí này tạo nên những tiếng lộp bộp vui tai. Có đến hơn 95.000 người hâm mộ loại giấy gói này qua Facebook.

 

Chiếc kẹp giấy hình tam giác hoặc hình oval với nhiều chất liệu khác nhau được cấp bằng sáng chế cho Samuel B Fay vào năm 1867 rồi được quảng bá rộng rãi vào năm 1894.  Đến nay nó vẫn còn chứng minh tính hữu hiệu, và trên Facebook có 13.000 thành viên hâm mộ vật dụng bé nhỏ này.

Sợi dây thun khiêm tốn làm bằng cao su với khả năng đàn hồi tốt là phát minh từ nước Anh, bằng sáng chế đã được cấp cho Stephen Perry vào năm 1845, và chưa ai thấy rằng nó vô dụng từ đó đến nay. Riêng hãng Royal Mail thì luôn chọn loại dây thun màu đỏ vì họ cho rằng màu này làm các vật phẩm, bưu kiện dễ được phát hiện.

Theo báo Daily Mail, Hoàng đế Napoleon của Pháp đã để lại cho đời một ý tưởng khi tuyên bố trao giải 12.000 franc cho bất kỳ ai tìm ra giải pháp bảo quản thực phẩm nhằm bảo vệ sức khỏe binh sĩ. Và đồ hộp với những chiếc lon kim loại kín gió chứa thực phẩm bên trong đã được Nicholas Appert cho ra đời vào năm 1810. Tuy nhiên, thời đó cách khui còn khá bất tiện vì binh lính phải dùng đến cây kiếm của họ. Con số thống kê cho thấy người Anh tiêu thụ hơn 20 triệu lon đồ hộp hằng năm trong thời nay.

 

Chiếc kẹp giúp phơi đồ không bị gió bay là phát minh của David M Smith vào năm 1853. Hầu như hình dáng của nó không thay đổi từ trước đến nay dù làm bằng gỗ hay chất liệu khác.

Đèn pha dành cho xe hơi là ý tưởng của Percy Shaw khi ông quan sát mắt mèo vào năm 1934. Sau đó ông thành lập Công ty Reflecting Roadstuds để sản xuất công nghiệp loại sản phẩm này để giúp các bác tài đỡ vất vả trong đêm tối.

Cái móc phơi quần áo là ý tưởng của một người Mỹ có tên Albert J Parkhouse. Ông quá ngán với đống y phục bỏ lộn xộn trong phòng nên đã dùng một sợi dây kẽm uốn lại để thành hình chiếc móc áo mà chúng ta thường dùng ngày nay.

Lỡ bị đứt tay chảy máu thì ai cũng cần đến một miếng băng keo cá nhân nho nhỏ, đó là sản phẩm được ra đời vào năm 1920 do Earle Dickson nghĩ ra, hãng Johnson & Johnson đã tiếp nhận rồi tung ra thị trường.

Trước năm 1911, người Mỹ thường phàn nàn vì các quả trứng đựng trong thùng giấy khi giao hàng có tỷ lệ vỡ quá cao. Biên tập viên của báo British Columbia đã kêu gọi mọi người tìm biện pháp khắc phục và rồi chiếc hộp xốp đựng 8 quả trứng đã ra đời.

Chiếc container thuận lợi để vận chuyển hàng hóa qua đường biển và qua những chiếc xe đầu kéo là phát minh khá gần đây vào năm 1956, bởi Malcolm McLean.

Trà trong túi lọc nhúng vào nước nóng để uống nhanh ra đời vào năm 1904 bởi Thomas Sullivan, mà ý tưởng ban đầu là để kiểm tra chất lượng của từng lô sản phẩm.

Tạ Xuân Quan

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.