Quản lý văn hóa kiểu “ngăn sông cấm chợ”

21/11/2011 06:49 GMT+7

Live show ca sĩ Chế Linh không được phép biểu diễn tại TP.HCM đêm 19.11 một lần nữa cho thấy những bất cập trong quản lý văn hóa hiện nay ở TP.HCM.

Live show ca sĩ Chế Linh không được phép biểu diễn tại TP.HCM đêm 19.11 một lần nữa cho thấy những bất cập trong quản lý văn hóa hiện nay ở TP.HCM.

Trục trặc phút chót

Tháng 5.2011, đêm diễn của nhóm nhạc Hàn Super Junior tại TP.HCM bất ngờ thay đổi địa điểm vào giờ chót, dù trước đó ban tổ chức (BTC) đã có thông báo đêm diễn sẽ diễn ra tại Sân vận động Quân khu 7. Chương trình sau đó được thực hiện tại Sân vận động Bình Dương (tỉnh Bình Dương). Đây chỉ là động thái mang tính “chữa cháy” vì BTC gặp trục trặc về giấy phép công diễn tại TP.HCM. Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch (VH-TT-DL) Bình Dương đã nhanh chóng cấp phép cho đêm diễn Super Junior. Khán giả - phần lớn là thanh thiếu niên ở TP.HCM - phải lũ lượt vượt mấy chục cây số để được nhìn thấy thần tượng.

 
Thông báo trả vé trước Nhà hát Hòa Bình - Ảnh: Hoàng Lan

Trước đó vào tháng 3.2011, đêm diễn This is us của ban nhạc Mỹ lừng danh Backstreet Boys dù Bộ VH-TT-DL đã cấp phép biểu diễn tại Hà Nội và TP.HCM, nhưng khi vào TP.HCM lại có thông tin rằng không được phép diễn, rất may cuối cùng chương trình cũng diễn ra đúng kế hoạch. 

Chưa phù hợp ở điểm nào?

Chưa phù hợp trong tình hình thành phố hiện nay là chưa phù hợp ở điểm nào? Khi ra quyết định phải làm sao cho công chúng và nghệ sĩ “tâm phục khẩu phục”. Từ đây, nghệ sĩ trong nước ra nước ngoài biểu diễn chắc chắn sẽ chịu nhiều áp lực hơn nữa từ những người chống đối.

Các nhà quản lý văn hóa không nên tạo sự hoang mang trong dư luận, với cả nghệ sĩ trong nước chứ không chỉ riêng nghệ sĩ từ hải ngoại về nước biểu diễn. Rồi đây nhiều nghệ sĩ Việt kiều hiểu sai thông tin dẫn đến suy nghĩ lệch lạc phải đút lót tiền bạc để xin được giấy phép biểu diễn dù nhà quản lý không làm thế. Cần lật ngược lại vấn đề nếu Chế Linh vi phạm pháp luật không được phép diễn tại TP.HCM thì hóa ra những nhà quản lý văn hóa ở Hà Nội và Đà Nẵng cấp phép cho ông đều làm sai sao?

Nguyễn Thái Huân
(Giám đốc Công ty Sao Nhạc Việt)

Rút kinh nghiệm, nhiều nhà tổ chức ca nhạc, game show vốn dự định làm chương trình ở TP.HCM đã chuyển sang thực hiện chương trình tại Hà Nội hay các tỉnh thành khác, những nơi mà họ cảm thấy thông thoáng hơn trong việc xin giấy phép tổ chức biểu diễn, đặc biệt với các chương trình có yếu tố nước ngoài. Chẳng hạn, chương trình của nhóm nhạc Ireland Westlife chọn điểm đến là Hà Nội (tháng 10.2011) trong tour diễn Gravity vòng quanh thế giới mà không phải là TP.HCM.

Trong đêm 19.11, khi khán giả Hà Nội cuồng nhiệt thưởng thức đêm nhạc của nhóm nhạc nữ Hàn Quốc 2NE1 tại Trung tâm Hội nghị quốc gia (Hà Nội), thì không ít khán giả TP.HCM ngậm ngùi đi nhận lại tiền vé từ show diễn Chế Linh bị hủy, trong lúc Chế Linh phải nằm viện sau những cú “thót tim” vì liên tục có những thông tin phập phồng “cho diễn” rồi lại “không cho diễn” với live show của ông.

Vì...  “không phù hợp trong tình hình thành phố hiện nay”

Công văn của Sở VH-TT-DL TP.HCM gửi ông Nông Xuân Ái - Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc, đơn vị tổ chức đêm diễn Live show ca sĩ Chế Linh tại Nhà hát Hòa Bình (TP.HCM) đêm 19.11 ghi rõ: “Sau khi xem xét hồ sơ, Sở VH-TT-DL TP.HCM có ý kiến như sau: Việc tổ chức biểu diễn chương trình ca múa nhạc Live show ca sĩ Chế Linh chưa phù hợp trong tình hình thành phố hiện nay. Do đó, Sở VH-TT-DL TP.HCM không thể cấp giấy Tiếp nhận biểu diễn cho đơn vị”.

Một lý do hoàn toàn mơ hồ, chung chung và vô thưởng vô phạt dành cho một chương trình ca nhạc. BTC, ca sĩ Chế Linh và khán giả hâm mộ đã bỏ tiền mua vé có quyền được biết rõ nguyên nhân vì sao các cấp thẩm quyền tại TP.HCM, cụ thể là Sở VH-TT-DL từ chối cấp phép dù chương trình đã được Cục NTBD thuộc Bộ VH-TT-DL cấp phép tổ chức 2 đêm tại TP.HCM.

Điều 20, chương V của Quyết định 47/2004/QĐ-BVHTT về Trách nhiệm và quyền hạn của Cục NTBD ghi rõ ở mục 5.2: Đơn vị tổ chức biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp Việt Nam mời diễn viên là người Việt Nam định cư ở nước ngoài về nước biểu diễn nghệ thuật trên phạm vi toàn quốc phải gửi hồ sơ xin phép đến Cục NTBD (khoản 5: Tiếp nhận hồ sơ và xin ý kiến cơ quan chức năng trước khi trình lên Bộ).

Theo Quy chế về hoạt động tổ chức biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp, Cục NTBD cấp phép biểu diễn cho đơn vị tổ chức thuộc Bộ VH-TT-DL, còn Sở VH-TT-DL cấp phép cho đơn vị tổ chức biểu diễn thuộc sở quản lý. Giá trị giấy phép ngang nhau, đơn vị cấp phép chịu trách nhiệm về nội dung chương trình, còn các sở địa phương nơi chương trình diễn ra chỉ xem xét cấp giấy tiếp nhận chương trình. Quy định này nhằm đơn giản hóa thủ tục cấp phép công diễn và giảm chi phí tổ chức.

 
Hàng ngàn khán giả trẻ đã phải từ TP.HCM đến Bình Dương để xem nhóm Super Junior biểu diễn - Ảnh: Nguyên Trương

Đêm diễn Chế Linh tại TP.HCM không là đầu tiên và duy nhất trong chuyến về lại quê hương của ca sĩ này. Trước đó, ông đã biểu diễn tại Đà Nẵng (29.10), Hà Nội (21.10 và 12.11). Dù gặp một số trục trặc do đơn vị tổ chức sai phạm về quảng cáo tại Hà Nội nhưng các đêm diễn nhìn chung vẫn suôn sẻ.

Việc không cấp phép cho show diễn Chế Linh đi ngược chủ trương giao lưu văn hóa quốc tế, giao lưu với kiều bào Việt ở hải ngoại. Việc Cục NTBD đã cấp phép nhưng Sở VH-TT-DL TP.HCM lại nói không với lý do hết sức mơ hồ thể hiện rõ sự quản lý văn hóa dù đa chiều, đa tầng nhưng lại mang tính cục bộ, địa phương, “phép vua thua lệ làng”.

Đừng để đối tác văn hóa nước ngoài “né” TP.HCM

Song song với những chương trình ca nhạc mang tính truyền thống, cách mạng, khán giả, đặc biệt là khán giả ngày nay rất cần nhiều cơ hội giao lưu văn hóa, âm nhạc với thế giới, đặc biệt là các nghệ sĩ kiều bào. Thiết nghĩ, chỉ cần BTC, nghệ sĩ có nhân thân rõ ràng, được Nhà nước cấp phép biểu diễn tại Việt Nam, thì cần tạo điều kiện để họ được trình diễn nghệ thuật, tạo cầu nối văn hóa.

TP.HCM là thành phố lớn nhất nước, là trung tâm văn hóa, đầu mối giao lưu quốc tế quan trọng của cả nước. Thế nên, các show diễn của những nghệ sĩ nước ngoài hay nghệ sĩ Việt kiều muốn trở về phục vụ bà con bị ngăn chặn vì các lý do “tế nhị”, “nhạy cảm” hoặc “chưa phù hợp trong tình hình hiện nay”… chắc chắn sẽ không thuyết phục và gây dư luận không hay. Và cứ đà này, trong tương lai, nếu các nghệ sĩ Việt kiều và quốc tế đến VN biểu diễn đều “né” TP.HCM, thì nơi đây có còn là trung tâm văn hóa sôi động nhất nước như đã từng?

Đỗ Tuấn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.