Thầy của những “nhà khoa học nhí”

20/11/2011 18:32 GMT+7

Nhiều người gọi Trường THPT An Lạc Thôn (xã An Lạc Thôn, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng) là “ngôi trường của những nhà khoa học nhí”.

Nhiều người gọi Trường THPT An Lạc Thôn (xã An Lạc Thôn, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng) là “ngôi trường của những nhà khoa học nhí”.

Vì trong 7 năm, học sinh nơi đây đã giành được 17 giải thưởng cấp quốc gia, trong đó có 2 lần đoạt giải nhất và được đại diện Việt Nam tham dự cuộc thi thế giới về “Cải thiện việc sử dụng và bảo vệ nguồn nước”. Đằng sau sự thành công đó có công sức đóng góp của thầy giáo Nguyễn Ngọc Hải.

Để học sinh “tự thân vận động”

Trong suốt 7 năm hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học, thầy Hải toàn lấy tiền túi ra cho các em làm kinh phí thực hiện và dứt khoát không nhận một đồng nào từ học sinh hay phụ huynh. Đề tài nào may mắn trúng giải thì các em có tiền để trả lại phần chi phí mà thầy Hải đã bỏ ra, còn không thì xem như thầy chịu “lỗ”. Có những lúc, lương giáo viên ít ỏi không đủ, thầy lại đi vay mượn thêm của đồng nghiệp. 

 
Thầy Hải luôn sát cánh bên học sinh trong học tập, nghiên cứu và sinh hoạt - Ảnh: Nhân vật cung cấp

Nhiều “nhà khoa học nhí” nói rằng thầy Hải đã hướng dẫn học sinh nghiên cứu một cách rất bài bản: phải nắm vững lý thuyết rồi mới nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, sau đó đến thực nghiệm. Trong suốt quá trình ấy, thầy luôn theo sát và tận tình chỉ bảo, hướng dẫn nhưng không bao giờ làm thay cho học sinh. “Trong công việc, thầy là người rất nghiêm túc và khó tính”, nhiều học sinh nhận xét.

Từ khi mới ra trường, thầy Hải đã chọn cho mình một phương pháp sư phạm riêng, là hạn chế đọc - chép và phát huy tính tự thân vận động của học sinh. Đối với những học sinh khối lớp 10 và 11, thầy Hải chia các em thành những nhóm nhỏ và cho các em chuẩn bị bài trước khi lên lớp. Trong giờ học, 30 phút đầu, các nhóm sẽ đứng lên trình bày trước lớp về vấn đề được phân công tìm hiểu. Rồi cả lớp sẽ cùng trao đổi với nhau về những nội dung xoay quanh bài học. Còn 15 phút cuối, thầy Hải giải đáp các câu hỏi, làm rõ những vấn đề mà học sinh chưa hiểu được và mở rộng nội dung bài học. Học sinh chỉ cần ghi những nội dung cơ bản nhất của bài học.

Còn những học sinh lớp 12, để chuẩn bị cho các em thi tốt nghiệp, dựa trên sách giáo khoa thầy Hải soạn thành một bộ tài liệu theo dạng trắc nghiệm phát cho học sinh. Khi đến lớp, các em có nhiệm vụ tìm hiểu bài trước, trả lời câu hỏi và đánh dấu những nội dung mà theo các em là quan trọng. Trong giờ học, thầy sẽ giảng bài để nhấn mạnh phần trọng tâm, mở rộng nội dung bài học và cho học sinh giải bài tập. Đối với những học sinh yếu, hằng tuần thầy đều dành thời gian phụ đạo thêm để các em theo kịp bạn bè. Thầy cũng không nhận một đồng tiền học phí nào từ các em. Không chỉ thế, thầy còn vận động giáo viên các bộ môn dạy kèm thêm cho học sinh yếu.

Những bản “giao kèo” của thầy Hải

Nghề dạy học đến với thầy Hải như là duyên số hay nói đúng hơn là cái nghiệp. Năm 1991, chàng thanh niên Nguyễn Ngọc Hải, quê ở thị xã Sa Đéc (Đồng Tháp), là sinh viên khoa Nông nghiệp Trường ĐH Cần Thơ. Nhưng mới học được 2 năm thì Hải đành bỏ dở vì hoàn cảnh gia đình khó khăn. Hải thi lại vào khoa Sư phạm sinh học để khỏi phải đóng học phí giảm gánh nặng cho gia đình.

Sau một năm ra trường, duyên số đưa đẩy Hải về trường An Lạc Thôn công tác cho đến ngày nay. “Tôi thấy học sinh ở đây rất ngoan, điều kiện học tập thì thiếu thốn nhiều thứ và đặc biệt là các em rất tôn trọng và quý mến thầy cô”, thầy Hải đúc kết.

Sau khi về trường được 3 năm, thầy Hải đã được nhà trường tin tưởng giao cho chủ nhiệm lớp 12. Thầy Hải tự nhận mình là người khó tính. Trong giờ thầy Hải lên lớp, không em nào dám lơ là, nói hay làm việc riêng vì nếu thầy hỏi mà trả lời không được sẽ bị nhắc nhở hoặc mời ra khỏi lớp. Để làm được điều này, vào đầu năm học, thầy Hải đã sinh hoạt rất kỹ về phương pháp dạy của mình với học sinh; thầy cũng mời phụ huynh học sinh lại để thống nhất phương pháp giảng dạy với họ.

Học sinh của thầy Hải trước khi lên lớp đều phải chuẩn bị bài. Khi phát bài kiểm tra, các em phải mang về cho cha mẹ ký tên vào rồi nộp lại. “Nhưng nếu học sinh bị điểm thấp, giả chữ ký của cha mẹ thì sao?”, chúng tôi đặt câu hỏi. Thầy Hải tự tin trả lời: “Các em không dám làm việc đó vì từ đầu năm học tôi đã mời họp phụ huynh lấy chữ ký mẫu, số điện thoại của họ và cũng thường xuyên liên lạc. Tôi cũng tranh thủ đến nhà, tìm hiểu hoàn cảnh từng gia đình để từ đó tìm cách hướng nghiệp thích hợp cho các em sau này”.

“Không chỉ dạy chữ mà tôi còn dạy cho các em những kỹ năng sống, tinh thần đoàn kết, hòa đồng, yêu thương giúp đỡ lẫn nhau… thông qua các câu chuyện để các em tự rút ra bài học cho bản thân”, thầy Hải nói về nghiệp “trồng người” của mình.

Chí Nhân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.