Truyền nhân của làng nghề bốn thế kỷ

20/11/2011 11:00 GMT+7

Lặng nhìn dòng sông đang xuôi chảy ra biển Đông, ông tâm sự tổ tiên mình đã hạ thủy biết bao con thuyền trên cửa biển này. Đối với ông, việc truyền đời nghề đóng thuyền không chỉ mưu sinh, mà còn để giữ lấy “lửa” nghề tinh hoa của tổ tiên và hồn thiêng của dân tộc can trường trên sóng gió đại dương.

Lặng nhìn dòng sông đang xuôi chảy ra biển Đông, ông tâm sự tổ tiên mình đã hạ thủy biết bao con thuyền trên cửa biển này. Đối với ông, việc truyền đời nghề đóng thuyền không chỉ mưu sinh, mà còn để giữ lấy “lửa” nghề tinh hoa của tổ tiên và hồn thiêng của dân tộc can trường trên sóng gió đại dương.
 
Trước khi gối đầu về núi, giã từ chiếc búa, lưỡi cưa, cha ông Đỗ Văn Anh đã dặn dò rằng: “Con phải nhớ mình là hậu duệ của một gia tộc sống hết mình với nghề đóng thuyền. Cái nghề từ ngàn xưa đến nay luôn được tôn vinh hàng đầu trong bách nghệ (100 nghề - PV). Và con phải truyền đời gìn giữ ngọn lửa của tổ tiên này”.

 
Ông Đỗ Văn Anh, truyền nhân đời thứ sáu của dòng họ Đỗ chuyên đóng thuyền - Ảnh: Q.V.

Truyền nhân đời thứ sáu

“Có những thứ mua được bằng tiền, nhưng có những thứ chẳng thể nào mua được. Đó là tấm lòng gìn giữ hồn thiêng của tổ tiên mình"

Nghệ nhân Đỗ Văn Anh

12 năm trước, lần đầu lang thang phố cổ Hội An, tôi đã mải mê với các xưởng đóng tàu. Hình ảnh những người thợ nhễ nhại mồ hôi đốt lửa uốn từng tấm ván cong cong, rồi tỉ mẩn đục đục, khoan khoan, ghép các mảnh ván thành con thuyền có sức cuốn hút kỳ lạ. Lúc ấy, người thợ cả Đỗ Văn Anh đã gần tuổi 70 nhưng vẫn còn tráng kiện lắm. Ông cởi trần, để lộ thân hình màu đồng thau, săn chắc của người dân lao động miền biển.

Ông thoăn thoắt đi lại, vừa trực tiếp làm vừa tận tình hướng dẫn các thợ chính, thợ phụ đóng chiếc tàu cho ngư dân Quảng Nam. Đã hơn mười năm rồi, tôi vẫn không quên câu ông tâm sự với thợ thuyền: “Làm nghề gì cũng phải có cái tâm mới thành tài được. Nhưng riêng nghề đóng thuyền, cái tâm ấy lại càng phải lớn hơn nữa, bởi nó chuyên chở bao sinh mạng con người trên đầu sóng ngọn gió”.

Mùa biển 2011, trở về Hội An, tôi lại bắt gặp hình ảnh người thợ cả Đỗ Văn Anh vẫn không rời xưởng đóng thuyền ở làng mộc Kim Bồng. Ông vẫn cầm búa, cầm cưa dù rằng bây giờ đã bước sang tuổi 80. Có dịp ngồi tâm sự lâu, ông kể mình là truyền nhân làng đóng thuyền Hội An đã tồn tại qua ít nhất bốn thế kỷ. Sử xưa và ký ức truyền đời của tổ tiên ông kể rằng từ khoảng thế kỷ 16, nơi này đã trở thành thương cảng lớn của xứ Đàng Trong. Khách buôn người Hoa, người Nhật đã đến tấp nập, sớm hình thành cả các phố Nhật, phố Hoa. Rồi các thương thuyền của người Bồ Đào Nha, người Hà Lan, Pháp, Anh cũng cập bến Hội An mà lúc ấy đã sớm có những cái tên rất “Tây” như Faifo, Haispo, Cotam, Ketchem...

Có lẽ, chính nhờ Hội An sớm trở thành thương cảng quan trọng trong con đường tơ lụa Đông - Tây trên biển, nên nghề đóng và sửa chữa thuyền ở đây đã có cơ hội phát triển rực rỡ. Tương truyền thời kỳ vàng son của thương cảng Hội An từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 19, các xưởng đóng thuyền nơi này đã từng hạ thủy những thuyền buôn lớn, kể cả sửa chữa các chiến thuyền. Nhiều kẻ phương xa đã đến đây tầm sư học nghề, và làng đóng thuyền Hội An trở thành một trong những “cái nôi” lan tỏa tinh hoa đóng thuyền ra xứ Đàng Trong.

Tổ tiên xa xưa của ông Anh từ miền ngoài vào định cư bên bờ sông Hội An mà đến giờ ông cũng không thể nhớ nổi mình là con cháu đời thứ mấy. Nhưng có một điều ông chắc chắn rằng ít nhất mình cũng là truyền nhân đời thứ sáu của nghề đóng thuyền, và nếu tính luôn cả đời con, đời cháu ông đang tiếp nối gìn giữ cái nghề tinh hoa của tổ tiên này thì đã đến đời thứ tám. “Lửa” nghề vẫn cháy dù dòng chảy thời gian đã trải qua bao thăng trầm với đủ mùi chiến tranh, ly loạn, tủi nhục, đói kém để ông có thể tự hào rằng: “Đi gần trọn một kiếp người, cho dù đến lúc nhắm mắt xuôi tay, tôi vẫn thấy mình không làm gì lỗi đạo với tổ tiên”.

Ông nhớ mãi ông cố đã truyền nghề đóng thuyền cho ông nội, rồi ông nội truyền nghề cho cha và ông là người tiếp nối để truyền lại con cháu. “Thời cha và thời trẻ của tôi, làng đóng thuyền Hội An vàng son lắm. Nghề mộc lúc đó vẫn chủ yếu làm bằng tay chứ đâu có máy móc gì, nhưng chúng tôi đã đóng được cả những con tàu cá, thuyền buôn đường xa trên biển”.

Học nghề và thử thách

Hồi tưởng chuyện xưa, ông Anh tự hào kể lúc mới 15 tuổi, ông đã được cha Đỗ Đoàn cho theo học nghề. Thương con trai, nhưng ông Đoàn cực kỳ khó tính và chẳng nuông chiều gì khác đám thợ bên ngoài. Mới học nghề, ông chỉ được cha cho khuân vác gỗ, quét dọn dăm bào và phì phò nhóm củi uốn ván đóng thuyền. Thử thách con trai không nản chí, lười biếng, ông Đoàn mới tiếp tục cho con cầm tới cái cưa, cái đục, chập chững làm những việc nhỏ nhặt. Thuở ấy, đồ nghề làm việc rất thô sơ. Hoàn toàn không có sự trợ giúp gì của máy móc, tất cả mực thước, tinh xảo, chính xác đều trông vào bàn tay con người.

Ông Anh kể nhiều hôm đi làm về, ngủ không được vì hai tay đều phồng rộp, sưng đau. Không nhớ những đêm ấy mình có dỗi cha hay không, nhưng sau này lớn tuổi đã cứng cáp với nghề, ông Anh hiểu những gì cha mình rèn luyện, thử thách là đúng. Thuyền nào mà không chở sinh mạng con người. Không thể chấp nhận được những người đóng thuyền kém cỏi, cẩu thả...

Theo học nghề cha năm năm, ông Anh bắt đầu thành thạo, được lên làm thợ chính với những việc quan trọng như dựng xỏ mũi thuyền, ghép be ván, đóng bánh lái. Rồi một thời gian sau ông thành thợ cả, chỉ huy nhóm thợ đóng từ đầu đến cuối chiếc thuyền. Đó là những năm 1950, khi ngư dân và phần lớn thuyền buôn đều chưa có động cơ. Như đời ông cha, ông Anh vẫn đóng thủ công những ghe bầu truyền thống của dân biển miền Trung.

“Ghe bầu đi buôn thì dài khoảng 16-18m, ghe đánh cá nhỏ hơn khoảng 10-12m. Chúng được trang bị chèo tay, nhưng chủ yếu là dùng sức gió với 2-3 cột buồm cao khoảng 9-10m...”. Đã nhiều năm không đóng ghe bầu nữa, nhưng ông Anh vẫn nhớ mãi hình ảnh chiếc ghe thân thương này. Ông kể ghe bầu là “bạn tri kỷ” không thể một ngày thiếu vắng của dân biển miền Trung. Nhiều đời tổ tiên ông đã đóng loại ghe này và đến đời ông vẫn tiếp tục đóng.

Ông Anh nhớ chiếc ghe bầu lớn đầu tiên mình đóng chính là ghe buôn muối dài 15m, rộng 3,5m và cao hơn 2m, có ba cột buồm và chở được 10 người cùng hàng hóa. Nhóm thợ bảy người của ông làm miệt mài gần hai tháng mới hoàn thành. Những năm 1950, gỗ quý còn dồi dào, chủ yếu ông chỉ dùng lim và kiền kiền để đóng. Trong đó, bánh lái và cột buồm được dùng gỗ lim, loại gỗ cứng bền không thua gì thép. Biển miền Trung bão dông, thuyền chắc chắn cỡ nào mà gãy cột buồm, bánh lái thì người đi biển cũng đối mặt nguy hiểm.

Sau khi hạ thủy, chiếc ghe bầu này được người chủ dùng để chở muối và nước mắm từ Quảng Ngãi vào buôn trong Sài Gòn, rồi chở gạo, vải vóc ra bán cho ngư dân miền Trung. Thời trước 1975, ông còn làm thợ cả đóng nhiều chiếc thuyền buôn hạng lớn khác cho các ông chủ Đà Nẵng, Huế. Những chiếc như Phi Lan, Tiến Lực của hãng buôn Đà Nẵng đã đi dọc suốt biển miền Trung vào giao thương tận Sài Gòn, Cần Thơ, Hà Tiên...

“Không có gì vui bằng mình là thợ đóng thuyền mà được nghe những con thuyền của mình đi về an toàn. Đồng tiền hết thì còn làm ra được, nhưng cái tiếng, cái tâm mà mất đi thì khó phục hồi lắm!” - ông trầm ngâm tâm sự.

Cái tâm mới bằng ba cái tài 
 
Là thế hệ đầu tiên ở miền Trung chuyển đổi từ đóng thuyền buồm sang tàu gắn động cơ từ những năm 1960, ông Anh học nghề mới rất nhanh. Và cũng từ giai đoạn này, ông ý thức sâu sắc được trách nhiệm mình với tổ tiên là không chỉ giữ “lửa” nghề mà còn phải truyền nối cho con cháu đời sau. Xưởng đóng thuyền ông Anh ở Hội An lúc nào cũng đông thợ học. Ngoài dòng họ, còn có cả những người từ Huế, Đà Nẵng vào và Bình Thuận, Bình Định, Quảng Ngãi ra. Là dân biển quen ăn to nói lớn, không ngại bốp chát phải trái, nhưng tính ông rất thương người học việc và chẳng giấu giếm bất cứ bí quyết nào.

 
80 tuổi, ông vẫn hết lòng truyền nghề cho con cháu - Ảnh: Q.V.

Thường để thành thợ chính đóng thuyền phải qua 3-4 năm, rồi nếu nhanh tay, sáng trí thì cũng phải mất khoảng 3-5 năm nữa mới thành thợ cả. Có cả ngàn kỹ thuật, công đoạn để dạy nghề đóng thuyền, nhưng thứ ông quan trọng nhất là rèn cái tâm, cái đức. Vẫn giữ truyền thống tổ tiên, ông bắt đầu từ những thứ tưởng chừng nhỏ nhặt nhất. Ông dạy lựa gỗ thuyền phải cẩn trọng, không dùng những cây có bọng hốc, chim thú làm tổ, bệnh chết.

Rồi đêm trước ngày dựng cây xỏ mũi đầu tiên và quan trọng nhất của chiếc thuyền, người thợ cả phải thanh tịnh, không được làm những điều ô uế. Rồi một cây đinh, con ốc gỉ sét, cong vênh cũng phải loại ra... Thời nay có thể tin hay không, nhưng ông dạy học trò rằng con thuyền có “hồn” của nó. Người thợ đóng thuyền không được làm bất cứ điều gì đem lại rủi ro, nguy hiểm cho người đi biển. Nếp tổ tiên ngàn đời đã thế thì con cháu phải giữ lấy lề!

80 tuổi đời với 65 năm không rời xưởng đóng thuyền, ông Anh tâm sự hạnh phúc nhất giờ là được nhìn con cháu vẫn say mê nghề tổ tiên. Ba con trai Đỗ Thành Nhân, Đỗ Đăng Độ, Đỗ Đức đang theo nghề cha. Anh Nhân đang là thợ cả chỉ huy xưởng, rồi các con của họ cũng lại đang vào học nghề cha. Mân mê mạn thuyền vừa đẫm mùi sơn mới, ông mỉm cười: “Có những thứ mua được bằng tiền, nhưng có những thứ chẳng thể nào mua được. Đó là tấm lòng gìn giữ hồn thiêng của tổ tiên mình!”.

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.