Hôm qua, tại TP.HCM, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã tham dự hội nghị tăng cường các biện pháp phòng chống bệnh tay chân miệng (TCM) do Bộ Y tế tổ chức.
Cần truyền thông để người dân nắm rõ nguy cơ mắc TCM ở trẻ dưới 5 tuổi - Ảnh: Diệp Đức Minh
|
Tử vong trong quá trình chuyển viện
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, tỷ lệ tử vong do TCM tại VN hiện là 0,12%. Dịch có xu hướng giảm từ tháng 10 và hai tuần đầu tháng 11 nhưng không bền vững và một số tỉnh vẫn có số mắc cao như: Thanh Hóa, Quảng Ngãi… VN đã mời các chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hỗ trợ về dịch tễ, vi rút, điều trị và truyền thông.
Có đến 50% ca bệnh TCM từ tuyến dưới chuyển lên tuyến trên không an toàn; 33% tự vào viện trong tình trạng nặng. Đáng lưu ý, có 14,6% ca TCM bị chẩn đoán nhầm bệnh khác
TS-BS Lương Ngọc Khuê
|
Bác sĩ Tăng Chí Thượng, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM cũng nói: “Điều trị bệnh TCM nặng đòi hỏi phương tiện hiện đại; với ca TCM nặng độ 3-4 nếu chuyển từ tuyến dưới lên tuyến trên thì nguy cơ tử vong rất cao, vì vậy việc điều trị tại chỗ là rất cần thiết, ngay từ bây giờ các bệnh viện tuyến dưới phải bắt tay vào”.
Mối lo người lành mang trùng
Theo ông Nguyễn Văn Bình, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế, số mắc TCM trong cộng đồng chiếm tỷ lệ cao, đến gần 77%; ở nhà trẻ mẫu giáo là 23%. Tuýp vi-rút gây bệnh TCM do EV 71 trên cả nước là 39,7%, nhưng riêng tại phía Nam mẫu xét nghiệm dương tính với EV 71 lên đến 56,7%. Các ca tử vong phần lớn cũng do EV 71 (chiếm 76%). Hiện cả nước đã ghi nhận 90.189 ca mắc TCM tại 63/63 tỉnh thành, với 153 ca tử vong tại 28 địa phương. Ông Bình lưu ý: “Vi rút gây bệnh TCM lưu hành khá mạnh, điều này thể hiện qua tỷ lệ mẫu xét nghiệm dương tính với vi-rút đường ruột ở mức cao”.
TS-BS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, cho rằng: “Đáng lưu ý về các trường hợp người lành mang trùng. Xét nghiệm tại tỉnh Hòa Bình có tới 48% người sống cùng ca bệnh có mang vi rút gây bệnh. Với những trường hợp học sinh và giáo viên của lớp có ca bệnh thì tỷ lệ này đến 63%. Tính trung bình khoảng 50% người lành (không có biểu hiện bệnh) có mang vi rút gây bệnh TCM, và có mầm bệnh có thể tồn tại đến 120 ngày. Như vậy, nguy cơ lây lan TCM rất dễ dàng. Xét nghiệm lấy tại nhiều địa phương cho thấy, tỷ lệ lớn mẫu có kháng thể với bệnh TCM, chứng tỏ bệnh đã lưu hành. Nhưng lo ngại là tỷ lệ trẻ dưới 12 tháng tuổi tỷ lệ có kháng thể rất thấp, đó chính là nguyên nhân khiến trẻ khó khăn chống đỡ với bệnh, nguy cơ mắc cao, tỷ lệ tử vong cao”.
Sau khi nghe báo cáo, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chỉ đạo: Ngành y tế cần tăng cường truyền thông phòng chống bệnh cho các gia đình có trẻ dưới 5 tuổi, nói rõ là không có thuốc đặc trị nên phải lo phòng bệnh cho tốt; phát xà bông cho các hộ gia đình để có thói quen thực hành phòng bệnh tốt. Cần hết sức nỗ lực để khống chế dịch làm sao cho người dân khỏi lo lắng.
10 tỉnh thành có tỷ lệ mắc TCM/100.000 dân cao nhất: đứng đầu là tỉnh Quảng Ngãi (với 524,8 ca/100.000 dân); tiếp đến là Đồng Tháp, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Bến Tre, Hòa Bình, Tây Ninh, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Kon Tum. 10 tỉnh có tỷ lệ chết/100.000 dân cao nhất (từ 0,39 - 1 tử vong/100.000 ca mắc) gồm: Đồng Nai, Bạc Liêu, Ninh Thuận, Bình Dương, Hậu Giang, Long An, Bà Rịa-Vũng Tàu, Cà Mau, Quảng Ngãi, TP.HCM. 10 tỉnh thành có tỷ lệ chết/mắc cao nhất: Ninh Thuận, Bạc Liêu, Thừa Thiên-Huế; Hậu Giang, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Bình Định, Lâm Đồng, Cà Mau. |
Cấp ngay xe cứu thương cho Ninh thuận Trong buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận cuối tuần qua, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng: “Việc Sở Y tế tỉnh Ninh Thuận tham mưu cho UBND tỉnh ra quyết định công bố dịch là đúng quy trình và phản ánh đúng thực tế diễn biến của dịch tại địa phương. Tuy nhiên, qua thực tế kiểm tra tình hình và nghe báo cáo của Sở Y tế, việc kiểm soát và đi tới dập dịch tại tỉnh Ninh Thuận chưa đạt yêu cầu”. Cụ thể, công tác tuyên truyền chưa thật sự đến với người dân, họ chưa thật sự hiểu bệnh TCM; đội ngũ cán bộ y tế còn ít và chưa được tập huấn đầy đủ để đáp ứng nhu cầu của công việc. Điều này dẫn đến việc người dân tỏ ra “lơ mơ” về dịch TCM, thậm chí khi có con em bị sốt siêu vi, cảm cúm... họ cũng tưởng là bệnh TCM nên đưa tới bệnh viện, dẫn đến tình trạng quá tải. Trước mắt Bộ sẽ cấp ngay cho tỉnh một xe cứu thương, đồng thời chỉ đạo Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) cử ngay cán bộ ra Ninh Thuận mở các lớp tập huấn cho cán bộ y tế ngay từ cấp xã. Lê Xuân
|
Liên Châu - Thanh Tùng
Bình luận (0)