Tây Tạng ngày nay

21/11/2011 07:00 GMT+7

Vùng đất này được người đời gọi là “nóc nhà của thế giới” vì nó nằm quá cao so với mực nước biển. Người khác thì cho nó hai chữ “huyền bí” vì không hiểu hết được sự thâm sâu trong hành vi và suy nghĩ của người dân bản địa.

Vùng đất này được người đời gọi là “nóc nhà của thế giới” vì nó nằm quá cao so với mực nước biển. Người khác thì cho nó hai chữ “huyền bí” vì không hiểu hết được sự thâm sâu trong hành vi và suy nghĩ của người dân bản địa.

Hồi cuối thế kỷ 19, các nhà thám hiểm phương Tây đã thực hiện những chuyến khám phá vùng đất huyền bí Tây Tạng bằng đường bộ khá gian nan. Ngày nay, du khách đến Tây Tạng - một khu tự trị thuộc Trung Quốc - dễ hơn nhiều vì hệ thống giao thông thuận lợi với xa lộ, tàu cao tốc và đường hàng không. Tuy nhiên, sau khi đã có visa vào Trung Quốc, muốn lên Tây Tạng, bạn buộc phải có giấy phép đặc biệt do chính quyền sở tại cấp.  Không có giấy phép đặc biệt, bạn sẽ bị từ chối bước vào vùng tự trị này. 

 
Lhasa - Ảnh: Đ.X.H

Từ tháng 11 đến hết tháng 4 năm sau là khoảng thời gian người ta khuyến cáo bạn không nên đến Tây Tạng vì sự khắc nghiệt của thời tiết. Trong thời gian này, một số hoạt động văn nghệ, vui chơi giải trí ở Lhasa cũng ngừng hoạt động vì lượng du khách vắng vẻ, và cũng vì trời lạnh tê tái. Tốt nhất hãy đến đây vào mùa hè, thời tiết ấm áp hơn.

Theo lời mời của Công ty điện tử Samsung Vina, đoàn nhà báo chúng tôi đã làm một chuyến lữ hành đến Tây Tạng bằng đường hàng không. Tưởng di chuyển bằng máy bay (từ sân bay Tân Sơn Nhất) thì nhanh nhưng vất vả không kém vì phải transit ở Bắc Kinh, Thành Đô (thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên) rồi mới đến được Lhasa (thủ phủ của Tây Tạng). Khởi hành lúc 1 giờ sáng, ăn ngủ vật vờ trên máy bay mãi đến chiều tối mới đến được Lhasa. Từ Việt Nam đi qua Mỹ xem ra còn dễ chịu hơn.

Lúc hạ cánh xuống phi trường quốc tế Lhasa, qua ô cửa sổ máy bay, tôi thấy khoảng chục chiếc chiến đấu cơ phản lực “trùm mền” nằm dọc theo phi đạo. Có vẻ như đây là phi trường bán quân sự thì phải. Mang tiếng là phi trường quốc tế nhưng thực ra chỉ có duy nhất đường bay từ thủ đô Kathmandu của nước Nepal láng giềng đến Lhasa mà thôi. Ngày trước, từ phi trường vào đến trung tâm thủ phủ Lhasa mất cả tiếng đồng hồ vì phải đi vòng qua núi. Nay thì sự di chuyển bằng ô tô nhanh hơn nửa tiếng vì người ta đã xây đường hầm băng qua núi. Kể từ khi thực hiện chính sách “hướng về phía tây” của chính quyền trung ương, hệ thống hạ tầng cơ sở của Tây Tạng được cải thiện đáng kể.

Lhasa là một thung lũng nằm ở độ cao 3.650m, tứ bề được các dãy núi cao hơn 5.000m bao bọc. Không chỉ Lhasa, hầu hết Tây Tạng đều có địa hình núi non trùng điệp, tuyết phủ trắng xóa. Ngay cả đỉnh Fansipan của Việt Nam với độ cao 3.143m, được mệnh danh là “nóc nhà của Đông Dương”, vẫn thấp hơn mặt bằng của Tây Tạng. Với độ cao bình quân hơn 4.000m, có lẽ cả Tây Tạng nằm lọt thỏm giữa những tầng mây.

 
Nơi đất - trời giao thoa - Ảnh: Đoàn Xuân Hải

Lhasa rộng khoảng 550 km2, lớn hơn thành phố Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) một chút, dân số khoảng nửa triệu người chiếm đa số là người Tạng, còn lại là người Hán và Hồi.

Tây Tạng nói chung và Lhasa nói riêng đều có thời tiết khắc nghiệt vì không khí loãng. Đầu tháng 11, ngay đêm đầu tiên lưu trú, chúng tôi đã chứng kiến bông tuyết rơi là đà trên phố. Thế nhưng đoàn nhà báo chẳng có ai dám tản bộ dưới bầu trời lãng mạn ấy vì lạnh thấu xương. Tôi đã từng trải qua cái lạnh 0 độ ở châu u và Mỹ, thậm chí -5 độ ở Bắc Kinh, nhưng cái lạnh 0 độ ở Tây Tạng hoàn toàn khác, nó có thể quật ngã bạn bất cứ lúc nào. Trong 3 ngày ở đây, mặc dù được trang bị bình oxy để thở, đoàn chúng tôi đã có người ói mửa, chảy máu mũi, môi khô nứt, mặt mày tái mét, ăn không được, ngủ chập chờn nửa tỉnh nửa mê, thậm chí có người chỉ muốn vào bệnh viện vì nghĩ mình… sắp chết đến nơi!

Ở Lhasa có một công trình kiến trúc nổi tiếng khắp thế giới: cung điện Potala. Người ta nói rằng nếu chưa viếng Potala thì coi như bạn chưa đến Tây Tạng, tựa như “bất đáo Trường Thành phi hảo hán” nói về chuyện du khách đến Bắc Kinh mà chưa leo lên Vạn Lý Trường Thành thì chưa biết gì về Trung Quốc vậy. 

Đoàn Xuân Hải

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.