Ma túy qua đường sân bay - Kỳ 2: Những chiếc "máy soi" lang thang

22/11/2011 00:44 GMT+7

Để đối phó với sự kiểm tra nghiêm ngặt tại sân bay, bọn tội phạm đã ngụy trang để giấu ma túy rất tinh vi, khiến đôi khi những phương tiện kỹ thuật hiện đại không phát hiện được. Nhưng bằng kinh nghiệm, nghiệp vụ và tinh thần cảnh giác cao, các chiến sĩ hải quan đã không để lọt người vi phạm.

Để đối phó với sự kiểm tra nghiêm ngặt tại sân bay, bọn tội phạm đã ngụy trang để giấu ma túy rất tinh vi, khiến đôi khi những phương tiện kỹ thuật hiện đại không phát hiện được. Nhưng bằng kinh nghiệm, nghiệp vụ và tinh thần cảnh giác cao, các chiến sĩ hải quan đã không để lọt người vi phạm.

Ma túy qua đường sân bay - Kỳ 1
 

Phạm Quang Hưng và tang vật - ảnh: C.T.V

Phù phép qua cửa lên máy bay

Chuyến bay đêm 21.4.2010 có một “nhân vật đặc biệt”. Đó là Phạm Quang Hưng, một mắt xích quan trọng trong đường dây mua bán, sản xuất, vận chuyển ma túy xuyên quốc gia do Nguyễn Bá Thủy cầm đầu. Cục CSĐT tội phạm về ma túy (Cơ quan thường trực phía Nam - C47B) và lực lượng Hải quan sân bay Tân Sơn Nhất đã đón lõng để hành động.

Thế nhưng, khi thùng hàng đựng măng cụt của hành khách này đã vào băng chuyền, không thấy chủ nhân xuất hiện. Tới giờ bay, qua trinh sát, rõ ràng đối tượng đã lọt vào trong nhưng khi kiểm tra danh sách thì không có khách hàng nào mang tên Phạm Quang Hưng. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, tổ công tác phát hiện Hưng “đội lốt” một nữ Việt kiều tên Nguyễn Thị Mén để lên máy bay. Người “phù phép” để Hưng lọt qua hàng loạt biện pháp kiểm tra ngặt nghèo là Thạch Quốc Mạnh, nhân viên Xí nghiệp thương mại mặt đất Tân Sơn Nhất và là người quen của Nguyễn Bá Thủy.

Mạnh dùng vé máy bay của Nguyễn Thị Mén (không rõ địa chỉ) để làm thủ tục gửi hành lý cho Hưng. Dù biết rõ là có ma túy bên trong, nhưng mỗi lần giúp Hưng, Mạnh được Thủy chi từ 500 ngàn đồng đến 100 USD nên vẫn nhận lời. Còn thẻ lên máy bay của Hưng, Mạnh tìm trong số hành khách đi trên chuyến đó có người mang họ Phạm, đã qua kiểm tra an ninh, rồi xóa tên khách đó, điền tên Quang Hưng vào trong máy tính và in thẻ giao cho Hưng. Sau đó Mạnh xóa tên Phạm Quang Hưng trong máy tính để tránh bị phát hiện. Từ phòng chờ lên máy bay, Mạnh bảo Hưng dùng vé mang tên Nguyễn Thị Mén.

Sau khi nắm rõ thủ đoạn, tổ công tác báo cho lực lượng đang đón lõng tại sân bay Nội Bài, Hà Nội. Gần 1 giờ sáng, chuyến bay hạ cánh, Hưng bình tĩnh cho hành lý chạy qua trước mặt nhiều lần rồi mới nhấc xuống. Khi vừa ra khỏi nhà chờ, Hưng bị tổ công tác chặn lại kiểm tra. Bên trong thùng chứa măng cụt, cơ quan chức năng phát hiện 10 “quả tròn” gói ma túy đá, thuốc lắc với trọng lượng 619,534g thể rắn và 20 ml ma túy thể lỏng. Đây là điểm “mở nút” để cơ quan công an triệt phá đường dây mua bán, vận chuyển ma túy qua đường hàng không lớn nhất từ trước đến nay.

 

Erimin 5 được phát hiện trong loa

Đổi đường bay cũng không thoát

Từ năm 2009, Cục Điều tra chống buôn lậu nhận được thông tin về một phụ nữ là mắt xích quan trọng trong đường dây vận chuyển ma túy xuyên quốc gia, do người gốc Phi điều khiển. Đường dây này thường vận chuyển ma túy từ Thái Lan, Malaysia, Campuchia về Việt Nam. Đầu tháng 1.2011, nghi can này lộ mặt. Đó là Nguyễn Thị Kim Nên (SN 1964), thường trú TP.HCM. Nên đi từ TP.HCM đến Malaysia để nhận hàng và sẽ nhập cảnh cửa khẩu quốc tế Tân Sơn nhất lúc rạng sáng 22.1.2011.

Từ tối 21.1.2011, C47B và Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất triển khai kế hoạch phá án. Thế nhưng, chờ mãi đến rạng sáng hôm sau, nhiều chuyến bay trọng điểm đã hạ cánh vẫn không thấy bóng dáng Kim Nên đâu. Lúc này, thông tin báo về, để đánh lạc hướng lực lượng kiểm tra tại sân bay Tân Sơn Nhất, Nên đã chuyển địa điểm hạ cánh về sân bay Nội Bài. Tuy vậy, ban chuyên án phía Bắc cũng đã bố trí lực lượng chốt ở cửa khẩu quốc tế Nội Bài.

8 giờ 20 phút ngày 22.1.2011, Nên xuất hiện. Khi Nên đang làm thủ tục nhập cảnh, tổ công tác kiểm tra thì phát hiện dưới đáy va li có 4 gói ma túy, trọng lượng 4,3 kg. Tại cơ quan công an, Nên khai xuất thân từ gái mại dâm, kinh qua 3 đời chồng và khi sinh con cô đều đem cho hết. Sau đó, Nên cặp với Maika, một người đàn ông gốc Phi. Người này rủ rê Nên vào đường dây vận chuyển ma túy của bọn chúng. Tính đến thời điểm bị bắt, Nên 2 lần vận chuyển ma túy trót lọt.

Ông Đinh Ngọc Thắng, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, chia sẻ để phát hiện được những bất thường trong các loại hàng hóa nhập khẩu hoặc hành lý xách tay của khách hàng, không chỉ cần phương tiện kỹ thuật hiện đại mà sự nhạy bén của lực lượng hải quan vô cùng quan trọng. Người làm nhiệm vụ tại những chỗ nhạy cảm như thế được ví như những chiếc "máy soi" lang thang. Họ không chỉ biết nhìn thấy những bất thường bề nổi của hành lý, hàng hóa mà còn phải “đọc” được thái độ, biểu hiện nét mặt của các chủ nhân. Có như thế mới không để lọt tội phạm.

Chẳng hạn như vụ nhập 48 loa thùng của một công ty ở Q.4, TP.HCM. Hàng hóa có nhãn mác, xuất xứ rõ ràng, không có gì đáng nghi. Nếu không có kinh nghiệm, người làm nhiệm vụ rất dễ bỏ qua. Thế nhưng, Đội thủ tục hàng hóa nhập khẩu, Tổ kiểm soát phòng chống ma túy, Tổ kiểm soát hải quan đã quyết tâm khui lô hàng để kiểm tra. Thật bất ngờ, bên trong 46 loa chứa 759.500 viên Erimin 5. Kết quả giám định của Phân viện Khoa học hình sự - Bộ Công an thì thuốc đó chứa thành phần Nimetazepem, là một loại thuốc hướng thần. Tổng giá trị 759.500 viên Erimin 5 là trên 300 tỉ đồng.

Tháng 3.2009, một lô hàng do Hãng hàng không Thai Airways vận chuyển từ Ấn Độ về TP.HCM cũng bị đặt vào tầm nghi vấn. Gói hàng được chia thành 6 lô, trọng lượng 193 kg. Theo tờ khai, lô hàng này được nhập khẩu từ Công ty Ameen Health Care (có trụ sở tại Ấn Độ) gửi đến một công ty TNHH đóng tại Q.Tân Phú, TP.HCM. Tổng trị giá lô hàng này ước tính khoảng 1 tỉ đồng. Khi về đến sân bay Tân Sơn Nhất, lô được ký gửi tại kho hàng TCS thuộc Tổng công ty hàng không Việt Nam. Dù có hóa đơn, chứng từ và nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, nhưng C47B và Hải quan cửa khẩu Tân Sơn Nhất nhất quyết kiểm tra. Không quá bất ngờ, bên trong các lô hàng này có 420.000 viên tân dược Triprolidine and Pseudoephedrine Hyderochlorides Tablet USP (một loại tiền chất ma túy).

Bảo Thiên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.