Phát hiện trung tâm tôn giáo của người Chăm thế kỷ 12

22/11/2011 12:40 GMT+7

(TNO) Sau nửa năm khai quật, các nhà khảo cổ di tích Phong Lệ, TP.Đà Nẵng đã công bố những kết quả đầu tiên.

* Bảo tàng Điêu khắc Chăm TP.Đà Nẵng được xếp hạng I

(TNO) Sáng 22.11, tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm TP.Đà Nẵng đã diễn ra hội thảo khai quật khảo cổ và phương án bảo tồn di tích Phong Lệ.

Giảng viên Nguyễn Chiều, bộ môn Khảo cổ học, ĐH KHXH-NV Hà Nội cho biết, hơn 100 năm trước, ông Camille Paris - chủ đồn điền Phong Lệ (nay cách sông Cầu Đỏ đoạn qua QL1A vài trăm mét) đã thu gom được một số tác phẩm điêu khắc đá tại đây và đưa về trưng bày trong bảo tàng H.Parmentier (nay là Bảo tàng Điêu khắc Chăm), nhưng sau đó, quá trình cư trú của người dân đã khiến di tích bị xâm hại nặng nề.

Tháng 3 vừa qua, di tích lại phát lộ khi người dân làm nhà và đã được khai quật khẩn từ cuối tháng 4. Đến nay, 5 hố khai quật được mở ra với 206m2, là một quần thể kiến trúc Chăm rất lớn với nhiều công trình rộng đến hàng ngàn mét vuông.


Một số hiện vật được phát hiện tại khu vực khảo cổ - Ảnh: Nguyễn Tú

TS Lê Đình Phụng, Viện Khảo cổ học Việt Nam nhận định di tích Phong Lệ là công trình tôn giáo trong văn hóa Chăm pa, thuộc loại hình kiến trúc tháp, được xây dựng trên nền đồi gò cao, ven biển, hệ móng có lớp cát sỏi đầm lèn chặt bên dưới cho thấy quy mô kiến trúc rất lớn của công trình.

“Vết tích khai quật cho thấy đây là Tháp Cổng và Tháp thờ chính (Kalan) có mặt bằng kiến trúc vuông, lợp ngói, có thể là kiến trúc Nhà Dài, nơi chờ chuẩn bị hành lễ”, TS Phụng nói.

Với những hiện vật thu được, đoàn khảo cổ nhận định di tích Phong Lệ trước đây là một trung tâm tôn giáo lớn của người Chăm, được xây dựng nằm chung trong nhóm tháp từ thế kỷ 12 - 14.

Nếu được khai quật mở rộng, nhóm khảo cổ có khả năng phát hiện các kiến trúc khác như tháp kho, tháp bia…

 
Theo ông Võ Văn Thắng, Giám đốc Bảo tàng Chăm, cần khai quật mở rộng di tích để phục vụ nghiên cứu, tham quan - Ảnh: Nguyễn Tú

Ông Võ Văn Thắng - Giám đốc Bảo tàng Điêu khắc Chăm cho hay quá trình tìm kiếm còn phát hiện cả di tích khác của văn hóa Việt, cho thấy sự giao lưu tiếp diễn của vùng đất nằm giữa hai nền văn hóa Ấn Độ và Trung Quốc.

Vì vậy, ông Thắng đề nghị nên xin kinh phí bảo vệ di tích cấp thành phố hoặc đăng ký xếp hạng cấp quốc gia, khai quật mở rộng để phát huy giá trị lịch sử, phục vụ tham quan, nghiên cứu khoa học…

* Sáng cùng ngày, tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm TP.Đà Nẵng diễn ra Lễ công bố quyết định xếp hạng bảo tàng hạng I cho Bảo tàng Điêu khắc Chăm.

Như vậy, Bảo tàng Điêu khắc Chăm được xây dựng vào năm 1915 từ nay đã nằm trong danh sách 12 bảo tàng được xếp hạng I trong số 119 bảo tàng toàn quốc.


Bảo tàng Chăm hiện đón khoảng 500 du khách mỗi ngày - Ảnh: Nguyễn Tú

Bên cạnh bảo quản và trưng bày các bộ sưu tập quý hiếm bậc nhất về nghệ thuật điêu khắc Chăm pa, Bảo tàng Điêu khắc Chăm còn thu hút sự quan tâm của giới nghiên cứu khảo cổ học trong và ngoài nước, đặc biệt là Trường Viễn Đông Bác cổ (Pháp) đang thực hiện nhiều dự án phiên dịch, xuất bản bộ sưu tập văn bia…

Dịp này, bảo tàng còn giới thiệu triển lãm gần 130 bức ảnh Lễ hội Văn hóa Chăm Ninh Thuận của tác giả Trương Văn Ẩn.

Hiện nay, trung bình mỗi ngày bảo tàng đón 500 lượt khách.

Nguyễn Tú
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.