Hai tập đoàn viễn thông lớn của Trung Quốc bị cáo buộc chế tạo thiết bị công nghệ nhằm phá hoại hoặc do thám tình báo tại Mỹ.
Bloomberg dẫn thông báo từ Ủy ban Thường trực Hạ viện Mỹ đặc trách về tình báo (HPSCI) cho biết họ đã mở cuộc tổng điều tra nhằm làm rõ “mối đe dọa đến từ các công ty viễn thông có chủ sở hữu là người Trung Quốc đang làm việc tại Mỹ và phản ứng của chính phủ trước mối đe dọa đó”. Đối tượng chính trong cuộc điều tra kéo dài 10 tháng là Huawei, tập đoàn đa quốc gia chuyên về thiết bị mạng và viễn thông số 1 Trung Quốc, và ZTE, nhà cung cấp thiết bị di động lớn thứ hai nước này.
Chủ tịch HPSCI Mike Rogers khẳng định cuộc điều tra nhằm giải tỏa mối nghi ngờ lâu nay rằng liệu Bắc Kinh có thể thông qua những tập đoàn như Huawei để gây nguy hại cho Mỹ hay không. “Chúng tôi đang tìm hiểu các nguy cơ đối với cơ sở hạ tầng viễn thông và Huawei là một đối tượng chủ chốt trong cuộc điều tra”, tờ Washington Post dẫn lời ông Rogers nói. Nghị sĩ này tuyên bố thẳng Huawei và ZTE đang gây ra những “lo ngại an ninh quốc gia nghiêm trọng” cho Mỹ. HPSCI đã lên kế hoạch phỏng vấn các nhân viên tình báo Mỹ nhằm làm rõ sự việc.
Đây không phải lần đầu tiên các hãng công nghệ viễn thông của Trung Quốc gặp phải những lời cáo buộc từ các nước như Mỹ, Úc, Ấn Độ. Lầu Năm Góc vài tháng trước từng ra báo cáo đề cập những cáo buộc kiểu này. “Các công ty công nghệ thông tin, cụ thể là Huawei, Datang và Zhongxing (tức ZTE - NV), luôn duy trì quan hệ khắng khít với Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc”, báo cáo viết. Người ta lo ngại các gián điệp của Trung Quốc có thể cài thêm những tính năng ẩn trong các thiết bị, cơ sở hạ tầng từ các công ty nói trên để điều khiển hoạt động thông tin, như nghe lén các cuộc gọi qua điện thoại, theo dõi thư điện tử…
Cuộc điều tra mới có thể đe dọa nỗ lực cải thiện hình ảnh tại phương Tây của Huawei. Vào đầu năm nay, Ủy ban Đầu tư nước ngoài của Quốc hội Mỹ đã buộc Huawei từ bỏ kế hoạch mua lại một số công ty Mỹ, theo Reuters. Đáp lại, Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định các công ty nước này luôn tuân thủ quy tắc kinh doanh và yêu cầu Mỹ không chính trị hóa các quan hệ về kinh tế.
Thụy Miên
Bình luận (0)