Từ 2012, mỗi năm phấn đấu giảm 5-10% tai nạn giao thông

23/11/2011 10:55 GMT+7

(TNO) Đó là quyết tâm của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng trước hội trường Quốc hội trong phiên trả lời chất vấn sáng nay (23.11).

(TNO) Gần 30 câu hỏi của các đại biểu quốc hội (ĐBQH) dành cho Bộ trưởng Giao thông vận tải (GTVT) Đinh La Thăng đều xoay quanh vấn đề trách nhiệm và các giải pháp nhằm kéo giảm tai nạn giao thông (TNGT); ùn tắc giao thông (UTGT), chất lượng các công trình và nguồn vốn cho giao thông trong bối cảnh kiềm chế lạm phát, cắt giảm đầu tư công.

Quyết giảm TNGT và UTGT

Trước những bức xúc của các ĐBQH, Bộ trưởng Đinh La Thăng nhìn nhận: TNGT là vấn đề hết sức nhức nhối và gây nhiều thiệt hại về người và của. Bình quân có khoảng 12.000 người chết/năm do TNGT ở nước ta.

Theo Bộ trưởng, để kéo giảm TNGT, ngành GTVT đề ra giải pháp mấu chốt là đầu tư nâng cao hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ một cách hoàn chỉnh. Theo chỉ đạo của Chính phủ, giao thông đường bộ sẽ tập trung đầu tư vào tuyến đường giao thông Bắc - Nam (quốc lộ 1A), đường bộ cao tốc đông nam, đường bộ Hồ Chí Minh…; về đường sắt, sẽ cải tạo nâng cấp hệ thống đường sắt hiện có, đầu tư đường sắt tốc độ cao và tiến tới xây dựng đường sắt cao tốc khi có điều kiện; tập trung đầu tư cảng hàng không (Nội Bài và Long Thành); đầu tư các cảng đầu mối đường biển.

Bộ trưởng Giao thông vận tải Đinh La Thăng
Bộ trưởng Bộ GTVT không biết khi nào hết UTGT, TNGT - Ảnh: Ngọc Thắng

Tuy nhiên, ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) cho rằng bộ trưởng cần trình bày các giải pháp đột phá trong việc giải quyết vấn đề nhức nhối hiện nay là chất lượng các công trình cầu đường “làm trước hư sau”.

ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) nói thêm, sự xuống cấp của các công trình giao thông (CTGT) là nguyên nhân không nhỏ gây ra TNGT. ĐB này đưa ra dẫn chứng về tình trạng xuống cấp nghiêm trọng của đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương và đề nghị bộ trưởng "truy tố hình sự" chủ đầu tư và “làm cho đến đầu đến đũa sự việc”.

Về chất lượng CTGT, Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định sẽ siết chặt việc chọn nhà thầu, nhà tư vấn để nâng cao chất lượng công trình; kiên quyết loại ra và xử lý nghiêm các đơn vị thi công không đảm bảo chất lượng, chậm tiến độ.

“Khi báo chí đưa thì tôi mới đến kiểm tra, thấy đúng là chất lượng quá kém. Từ tháng 12 sẽ khắc phục lại toàn bộ các hư hỏng và các nhà thầu phải chịu kinh phí vì đường không đảm bảo chất lượng”, Bộ trưởng khẳng định hướng xử lý đối với trường hợp cụ thể của đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương.

ĐB Nguyễn Bá Thuyền (tỉnh Lâm Đồng) 
ĐB Nguyễn Bá Thuyền (tỉnh Lâm Đồng) chất vấn bộ trưởng GTVT về giải pháp đột phá trong việc giải quyết UTGT, TNTG và chất lượng các công trình cầu đường - Ảnh: Ngọc Thắng

ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) băn khoăn: “Hiện tại, chất lượng đường sá, các CTGT kém là do công nghệ hay do thất thoát? Có chuyện bán thầu hay không và sao không dự tính được tuổi thọ của các công trình?”.

Bộ trưởng GTVT nói: Chất lượng công trình bao gồm rất nhiều yếu tố chi phối, có thất thoát, có ảnh hưởng các yếu tố tự nhiên và cũng có do công nghệ. Để khắc phục, Bộ trưởng cho rằng: “Ngành GTVT lấy năm 2011 là năm chất lượng công trình: kiên quyết thay thế các nhà thầu không đảm bảo yêu cầu, thay thế các ban quản lý, thay thế các tư vấn giám sát, góp phần nâng cao chất lượng công trình”.

TNGT và UTGT là vấn đề tất yếu trong sự phát triển xã hội. Với sự giải quyết quyết liệt thì tôi nghĩ sẽ giảm, chứ bây giờ bảo tôi khẳng định khi nào hết thì tôi không thể trả lời được

Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng
Bộ trưởng thừa nhận: “Thực tế hiện nay là có bán thầu. Do vậy, chúng tôi cũng sẽ góp ý, kiến nghị việc sửa đổi Luật đấu thầu để các nhà thầu có năng lực tham gia thi công các CTGT”.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng GTVT đánh giá TNGT ngoài nguyên nhân do cơ sở hạ tầng chưa đạt yêu cầu, còn có nguyên nhân do quản lý nhà nước còn yếu kém dẫn đến ý thức chấp hành các quy định, luật giao thông của người dân khi tham gia giao thông còn thấp.

Trước mong muốn của ĐB Thuyền về con số cụ thể mà ngành sẽ đặt ra để giảm thiểu TNGT và UTGT, Bộ trưởng hứa: "Từ năm 2012, phấn đấu mỗi năm sẽ giảm 5 đến 10% TNGT và UTGT. Với sự giải quyết quyết liệt tôi nghĩ sẽ giảm, chứ bây giờ bảo tôi khẳng định khi nào hết hẳn thì tôi không thể trả lời được”.

"Có những giải pháp trước mắt phải thực hiện ngay chứ không thể chờ cho có tất cả các giải pháp mới thực hiện đồng bộ được. Nhưng tất cả các giải pháp này đều nằm trong hệ thống chứ không hề manh mún”, Bộ trưởng GTVT khẳng định trước ý kiến dư luận cho rằng các giải pháp giảm TNGT và UTGT ở nước ta còn manh mún, thiếu đồng bộ.

ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh)
ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) đề nghị Bộ trưởng xử lý "đến đầu đến đũa" vụ việc đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Ảnh: Ngọc Thắng

Tư duy mới huy động vốn cho CTGT

Trong điều kiện tiết giảm đầu tư công thì mâu thuẫn giữa nguồn vốn đang hạn hẹp và chất lượng CTGT, được ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) nêu ra.

Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng với tình hình hiện tại rõ ràng không thể chỉ trông chờ vào nguồn vốn ngân sách. Theo đề án phát triển và quy hoạch giao thông đến năm 2020, nguồn vốn cần đến khoảng 70 tỉ USD, trong đó ngân sách chiếm khoảng 40%. Do vậy, ngành phải thay đổi tư duy, tìm giải pháp đột phá để huy động nguồn vốn, lấy hạ tầng nuôi hạ tầng mới thu hút được các nhà đầu tư.
 
Ngoài ra, Bộ trưởng cũng cho rằng trong xây dựng quy hoạch ngành sẽ hướng vào từng mục tiêu chứ không đầu tư theo kiểu: số tiền bao nhiêu làm bấy nhiêu, phát huy tối đa mọi nguồn lực: trong và ngoài nước. Nâng cao chất lượng quy hoạch phải gắn chặt vào quy hoạch kinh tế xã hội của đất nước; đột phá tổ chức triển khai thi công; kiến nghị Chính phủ và QH sửa Luật đấu thầu…

Cùng chia sẻ ý kiến trên, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh xác nhận: “Nguồn vốn cho giao thông là bất cập nhất và khó cân đối nhất của Chính phủ, trước đây chủ yếu chỉ dựa vào ngân sách.

Do vậy, trong tình hình hiện tại, Chính phủ và các bộ, ngành đã xác định rõ: khi giảm dần đầu tư công thì cùng lúc phải mở ra được những nguồn lực bên ngoài, gia tăng các nguồn vốn từ các thành phần kinh tế trong và ngoài nước".

Theo ông Vinh: “Vốn ngân sách sẽ được sử dụng khác: làm vốn mồi, vốn đối lưu để giải phóng mặt bằng, các nguồn vốn còn lại sẽ được huy động từ các tập đoàn nước ngoài đang muốn đầu tư vào VN”. Ngoài ra, phải đổi mới tư duy về giá, giá đầu tư thế nào để có thể huy động được nguồn vốn. Xây dựng hàng loạt các hình thức để thu hồi vốn.

Cùng chia sẻ với Bộ trưởng Đinh La Thăng về vấn để giảm thiểu TNGT và UTGT còn có Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng và Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang.

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng nêu những con số thống kế cho thấy quỹ đất dành cho giao thông, đặc biệt là tại các đô thị lớn như Hà Nội hay TP.HCM là quá thấp (chỉ 8%) trong khi theo luật là phải từ 16-26%.

Trong quy hoạch tổng thể còn nhiều bất cập như tổ chức mạng lưới giao thông thiếu các tuyến vành đai, các tuyến đường xuyên tâm còn thiếu đầu tư. Việc phát triển các nhà cao tầng trong nội đô, nơi tập trung đông người làm việc chưa được kiểm soát; các khu dân cư mới chưa được quy hoạch chi tiết các hạ tầng liên quan.

Bộ trưởng Trịnh Đình  Dũng đề nghị cần phải: kiểm soát chặt chẽ quy hoạch các công trình cao tầng có nhiều người làm việc; tập trung hoàn thiện pháp luật trong việc phát triển đô thị; điều chỉnh quy hoạch vùng thủ đô, để tập trung phát triển hệ thống giao thông liên vùng; bố trí hợp lý các công trình như: bệnh viện, trường học để chuyển dịch người ra khỏi nội đô.

Trong khi đó, Bộ trưởng Trần Đại Quang đóng góp thêm: hạ tầng giao thông còn chưa đáp ứng được yêu cầu hiện nay. Các phương tiện giao thông gia tăng rất nhanh, ý thức của người tham gia giao thông còn kém. Theo thống kê, có đến 80% số vụ TNGT là do người tham gia giao thông có ý thức kém.

Bộ trưởng Trần Đại Quang đề nghị cần: tăng cường tuyên truyền phổ biến pháp luật, xây dựng văn hóa giao thông; tăng cường quản lý hoạt động vận tải, nâng cao chất lượng đội ngũ lái xe; tăng cường tổ chức giao thông, xử lý kịp thời và dứt điểm các điểm đen hiện nay. Tăng cường lực lượng tuần tra kiểm soát để hạn chế các tai nạn ở các điểm đen.

Bộ trưởng Trần Đại Quang cũng cho rằng hiện nay mức xử phạt còn thấp chưa thể răn đe. Do vậy kiến nghị Chính phủ và Quốc hội xây dựng sửa đổi bổ sung các điều luật để: nâng mức phạt cao hơn, hoặc các biện pháp xử phạt bổ sung như: tịch thu xe (nếu đua xe)...

Thành Trung - Viên An

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.