Bảo tồn di sản

24/11/2011 01:36 GMT+7

Chuyện UBND tỉnh Khánh Hòa đồng ý cho Công ty cổ phần đầu tư Lạc Hồng ở Hà Nội mang 2 tỉ đồng vào “làm mới” ngôi mộ của bác sĩ A.Yersin khiến nhiều người sửng sốt.

Chuyện UBND tỉnh Khánh Hòa đồng ý cho Công ty cổ phần đầu tư Lạc Hồng ở Hà Nội mang 2 tỉ đồng vào “làm mới” ngôi mộ của bác sĩ A.Yersin khiến nhiều người sửng sốt.

Như Báo Thanh Niên đưa tin ngày 20.11, ngôi mộ được xây năm 1943 và trải qua hơn 68 năm mà hiện trạng gần như không thay đổi.

Đó là một điều thật đáng mừng. Bởi điều này chứng tỏ nguyên vật liệu và kỹ thuật xây dựng công trình thời đó rất tốt; khả năng trường tồn với thời gian và tác động của thời tiết là rất khả quan.

Vậy thì hà cớ gì phải đi “làm mới” hay trùng tu, nâng cấp?

Đây là công trình di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia thì đến một người bình thường cũng hiểu là nó phải được bảo vệ nguyên trạng, trừ khi bị phá hoại bởi thiên tai. Doanh nghiệp có thể vì mục đích riêng gì đó mà muốn “làm mới” công trình này. Nhưng UBND tỉnh Khánh Hòa và các cơ quan chức năng liên quan thì không thể không biết luật Di sản văn hóa VN nghiêm cấm hành vi làm sai lệch di tích lịch sử - văn hóa (khoản 1, điều 13).

Bản khuyến nghị về việc bảo tồn các di sản văn hóa và thiên nhiên của Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục LHQ (UNESCO) năm 1972 và được nhiều nước đồng thuận cũng đã nói rõ: “Bất kỳ hành động nào đối với di sản văn hóa đều phải nhằm vào mục tiêu bảo tồn bề ngoài nguyên thủy của nó và tránh bất cứ việc xây mới hoặc sửa đổi nào”. UNESCO cũng khuyến cáo các quốc gia bảo vệ di sản của mình khỏi “những tác động gây hại có thể có của các công nghệ mới thời hiện đại”.

Nhân chuyện mộ ông Yersin, chợt nhớ đến di tích Asklepieion ở tận đảo Kos, xứ Hy Lạp. Asklepieion là cụm công trình bệnh viện được xây dựng từ thế kỷ 4 đến thế kỷ 2 trước CN, nơi Hippocrates, người được tôn là cha đẻ của nền y học hiện đại, chữa bệnh và đào tạo học viên theo trường phái y khoa của ông. Một trận động đất giữa thế kỷ 6 sau CN đã vùi kín công trình này cho đến khi nó được tìm thấy vào năm 1902 bởi nhà khảo cổ người Đức Rudolf Herzog.

Năm 2005 tôi đến Kos dự một hội thảo y khoa quốc tế. Người ta đưa hội thảo đến đây bởi đó là quê hương của Hippocrates. Ai đến Kos ắt phải đi thăm Asklepieion. Chỉ còn lại bức tường thành và những bậc tam cấp ở mặt chính, vài cột bao lơn, vết móng nhà, đất và những tảng đá, nhưng Asklepieion vẫn uy nghi, hoành tráng. Đứng trên đống hoang tàn của một bệnh viện cách đây hơn 2.400 năm, du khách tha hồ thả trí tưởng tượng và thầm ngưỡng mộ sức mạnh trí tuệ và sự khéo léo của người Hy Lạp cổ. Tôi tưởng tượng, nếu chính phủ Hy Lạp đặt vào đây một cấu trúc tu tạo theo công nghệ và vật liệu của thế kỷ 21, toàn bộ vẻ uy nghi, nhiệm mầu của nơi này ắt sẽ lập tức biến mất.

Đi nhiều nước châu u và Đông Nam Á, người viết thấy nhiều đền đài, nhà thờ, chùa chiền, lăng tẩm cũ kỹ, lở lói bởi sự ăn mòn của thời gian. Nhưng chỉ thấy nhà thờ Đức bà Paris (Pháp) và đấu trường Colosseum (Ý) có hoạt động tu tạo. Mục đích chính ở đây là để tránh nguy cơ sụp đổ của công trình, hơn là để phục hồi như khi còn mới, chứ đừng nói đến việc khoác cho nó một chiếc áo hiện đại.

Việc “làm mới” ngôi mộ của bác sĩ A.Yersin hoàn toàn trái ngược với tập quán và luật lệ chung của cả nhân loại và cần dừng lại ngay lập tức!

Thục Minh
(Văn phòng Singapore)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.