Trở lại vùng đất hủ tục - chôn con... theo mẹ

24/11/2011 12:38 GMT+7

Một đứa trẻ mới sinh ra, nếu chẳng may mẹ chết đi thì nó cũng bị buộc... chôn sống theo mẹ vì sợ “ma” mẹ đi theo đòi con nếu ai đó nhận về. Chôn con theo mẹ - hủ tục của một vài dân tộc sống ở miền tây tỉnh Quảng Bình.

Một đứa trẻ mới sinh ra, nếu chẳng may mẹ chết đi thì nó cũng bị buộc... chôn sống theo mẹ vì sợ “ma” mẹ đi theo đòi con nếu ai đó nhận về. Chôn con theo mẹ - hủ tục của một vài dân tộc sống ở miền tây tỉnh Quảng Bình.

Giờ đây, với sự giúp đỡ của lực lượng bộ đội biên phòng, cán bộ chính quyền, hủ tục đó dần được xoá bỏ, nhưng cũng không ai dám chắc có chấm dứt không, vì đời sống của đồng bào một số bản làng vùng sâu vẫn còn tối tăm cơ cực.

Nỗi kinh hoàng của người chị

Chúng tôi tìm đến cháu Hồ Dưỡng (ảnh nhỏ) - nạn nhân của hủ tục nói trên - khi cháu vừa tròn 10 tháng tuổi. Sau cuộc giải cứu ngày 4.12.2010 của Bộ đội Biên phòng (BĐBP) cửa khẩu Cha Lo, giờ đây Dưỡng đang lớn lên nhờ bầu sữa của chị gái cùng 2 đứa cháu cũng đang nheo nhóc tuổi mình. “Mẹ chết, em bị chôn, sợ lắm, thương lắm, nhưng không biết làm sao” - chị Hồ Thị Lê - chị gái Dưỡng, người không nhớ nổi tuổi mình - kể về hủ tục man rợ mà em trai mình suýt chút nữa là nạn nhân.

Năm trước, bà Hồ Thị Lon (SN 1973) - mẹ hai chị em Lê - trở dạ. Bà được đỡ đẻ theo phong tục của người Mày ở bản K’ai. Tuy nhiên, do bị băng huyết, bà bị tử vong vào ngày hôm sau. Theo đúng phong tục của tộc người này, người ta tiến hành chôn cả mẹ và con, dù đứa con đang sống. Đứa bé được buộc vào người mẹ trong tiếng khóc ré, cho về đất trong sự thản nhiên của mọi người vì đó là chuyện... hiển nhiên thường ngày đã mặc định qua nhiều thế hệ.

Người trong làng giải thích: Một khi đứa trẻ sinh ra nhưng mẹ mất đi thì nó cũng phải được chôn theo mẹ, vì để lại cũng chẳng biết bú sữa ai. Hơn nữa, dù có ai đó nhận về nhà chăm sóc thì “hồn ma” người mẹ sẽ đeo bám mà đòi lại đứa con. Vì vậy, cách tốt nhất là chôn! Nhưng may là khi cháu Dưỡng chuẩn bị bị chôn sống cùng mẹ thì có cán bộ trong xã biết được và báo ngay cho BĐBP Cha Lo. Lập tức, trung uý Trương Vĩnh Lê - Đội trưởng đội vận động quần chúng - cùng thiếu tá Võ Duy Diễn - Tổ trưởng tổ công tác tuần tra K’vàng - đã vào bản nhờ các mệ già cùng vận động mọi người và đã cứu được cháu bé.

Chị Lê kể: “Nhà có 5 anh em, Dưỡng là con cuối. Bố đã già, chồng em đi rẫy suốt. Khi đưa em Dưỡng về em cũng thấy sợ sợ. Nó khóc ré suốt, nhưng rồi chồng em bảo thương và cố gắng nuôi”. Nhớ về những ngày đầu đưa em về nhà nuôi dưỡng, chị Lê vẫn chưa hết buồn: “Trước thì mọi người đến chơi nhà nhiều, nhưng từ khi đưa em trai về thì nhiều người sợ “ma” mẹ em nên ít ai đến. Thậm chí bồng em trai đến chơi nhà người khác trong thôn bản cũng là một điều kỵ mà tự em phải hiểu được”. Khi chúng tôi đến thăm nhà chị Lê, chỉ thấy mấy đứa trẻ nheo nhóc trong căn nhà nhỏ. Bố Lê - ông Hồ Hoang - nghe nói đau yếu và ít khi gặp đứa con trai tội nghiệp.

Trung uý Trương Vĩnh Lê - một trong hai chiến sĩ biên phòng “giải cứu” cháu Dưỡng - nhớ lại: “Lúc chúng tôi vào để xin dân bản không chôn cháu Dưỡng, nhiều người đã phản đối. Tộc trưởng dứt khoát nói chôn vì mẹ nó chết rồi, dân ở đây rất sợ ma, không ai dám cho con đã chết mẹ bú đâu. Chúng tôi đã tìm đủ mọi cách, sử dụng mọi thủ thuật cuối cùng họ mới chịu để chúng tôi mang Dưỡng đi. Trước tôi cũng đã nghe có hai - ba vụ chôn con theo mẹ như thế này, nhưng khi trực tiếp cứu cháu Dưỡng thì mới thấy được sự dã man của tập tục này”. Hiện, cháu Dưỡng được Đồn biên phòng Cha Lo hỗ trợ một tháng 300.000đ tiền trợ cấp. Chính quyền xã Dân Hoá (huyện Minh Hoá) cũng đang tiến hành làm thủ tục cho cháu được hưởng trợ cấp xã hội.


Hồ Dưỡng (được bế) cùng chị gái và các cháu của mình. Ảnh: L.Đ.Dũng

Những chiến công “mềm” của lính

Ngay tại bản Bãi Dinh của xã Dân Hoá, một nhân chứng khác của hủ tục dã man này là chị Hồ Thị Phúc - hiện đang sống cùng với chồng và 3 đứa con. “Bây giờ vẫn còn chuyện dã man đó à? Tui tưởng tui là người cuối cùng rồi” - chị ngạc nhiên khi nghe chúng tôi kể về chuyện cháu Dưỡng. Chuyện xảy ra với chị Phúc đã cách đây 35 năm và cũng như cháu Dưỡng, chị may mắn không bị chôn sống cùng mẹ là nhờ các chiến sĩ biên phòng hay tin đã băng rừng về vận động dân bản.

Sau 35 năm, chị Phúc vẫn không thể hình dung được hết những gì đã từng xảy ra với mình trước đó. Chị chỉ biết cái tên Phúc của mình như là một phúc lớn khi may mắn được các chú bộ đội băng rừng cứu thoát mình khỏi hủ tục đau lòng này. Cũng như tên Dưỡng của cháu Hồ Dưỡng được đặt theo nghĩa trong chữ “nuôi dưỡng” để sau này khi cháu lớn lên sẽ nhớ đến sự cứu giúp của các chú bộ đội khỏi một hủ tục, nhớ đến ơn nuôi dưỡng của mọi người.

Ông Đinh Thanh Tâm - Đồn trưởng Đồn biên phòng Cha Lo - gọi hành động giải cứu cháu Dưỡng khỏi hủ tục chôn sống vừa kể là những chiến công “mềm”, vì “nói làm sao, thực hiện như thế nào để đồng bào hiểu và tin nghe là điều khó khăn vô cùng”. Ông thở dài: “Thực ra công tác vận động bà con dân tộc ở vùng cao từ bỏ những hủ tục lạc hậu, đặc biệt là việc chôn sống con theo mẹ, đồn đã thực hiện từ 50 năm nay. Điều đáng buồn là rải rác trong một số tộc người vẫn chưa bỏ được hết”. Thiếu tá Đinh Quang Cánh - cán bộ tăng cường về xã Dân Hoá của đồn biên phòng - cho hay: “Ở những xã vùng cao này, nhiều tộc người thiểu số vẫn giữ những hủ tục lạc hậu. Cuộc chiến chống hủ tục của chúng tôi và chính quyền các địa phương vẫn còn phải lâu dài nữa”.

Nhờ công tác bám dân và kiên trì vận động của các chiến sĩ BĐBP, của các cán bộ xã, đến nay, ở trên rẻo cao của vùng núi huyện Minh Hoá đã phai dần những tập tục lạc hậu. Ông Hồ Pheo (59 tuổi) - Bí thư Chi bộ Đảng bản K’ai - cho biết: “Trong bản chỉ có tộc người Mày sinh sống, còn quanh các bản khác, xen lẫn có thêm nhiều tộc người. Trước đây, người ta chỉ tin ma quỷ mà không tin bác sĩ. Nay thì đỡ rồi”. Theo già Pheo, hủ tục chôn con theo mẹ trước đây vẫn có.

Hiện nay, do công tác vận động và tuyên truyền mạnh, nên bà con dần nghe theo. Tuy nhiên, cũng theo già Pheo, những hủ tục như thế này, tuỳ vào các họ tộc ở trên các vùng đất, có họ tộc họ nghe theo, có họ tộc, người quyết định vẫn chưa chịu chấp nhận từ bỏ. “Chúng tôi vẫn phải tiếp tục vận động qua bất kỳ cuộc họp chi bộ nào, đến tận nhà từng người tộc trưởng để thăm hỏi, nói chuyện” - già Pheo phân tích.

Theo già Pheo, ngoài hủ tục chôn sống con theo mẹ, còn có  rất nhiều hủ tục khác đến nay vẫn tồn tại, tuy có hạn chế hơn thuở nguyên thuỷ, ví dụ như tục  cưới vợ 3 lần. Nghĩa là một cặp vợ chồng sẽ có 3 lần đám cưới trong đời và đám cưới nào cũng linh đình, thậm chí đám sau còn hơn đám trước. Đáng nói ở chỗ, nếu cha mẹ chết đi mà chưa kịp làm đám cưới lần ba thì vợ chồng người con trai phải thế chỗ, nhập vai cưới thay cho cha mẹ mình thì mới mong họ nhắm mắt nơi suối vàng.

Hoặc trong nhà có người chết thì dân bản rất ít đến thăm hỏi. Theo họ, việc đến thăm nhà người chết sẽ bị “ma” ám. Nếu ai có vì tình thân thương mà đến thì phải chờ người chết chôn xong rồi mới được về nhà. Trước khi về họ phải đun nóng 4 hòn đá dưới khe, dùng lá rừng kết lại thành cái “bót” (bồn) rồi thả chỗ đá ấy vào. Vừa thả vừa khấn: “Ma quỷ đừng sinh nữa, theo mây theo gió đi”. Mang theo lá rừng đã dùng vào lễ đó về nhà tắm rửa, người ta mới yên tâm là không còn ma quỷ ám nữa. Những hủ tục như vậy hiện vẫn còn tồn tại rải rác trong các tộc người Mày, Khùa, Sách...

Nghe già Pheo kể một hồi, tôi mới thấm thía câu nói của thiếu tá Đinh Quang Cánh, rằng “cuộc chiến chống hủ tục của chúng tôi và chính quyền các địa phương vẫn còn phải lâu dài nữa”. Bởi hủ tục man rợ nhất là chôn sống một sinh linh, sau 35 năm ở vùng đất này vẫn còn lặp lại và không ai hứa chắc rằng cháu Dưỡng đã là trường hợp cuối cùng, huống gì những hủ tục ít... dã man hơn như già Pheo mới kể.

Theo Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.