Xây dựng luật Biểu tình để đảm bảo quyền tự do, dân chủ

26/11/2011 02:14 GMT+7

Liên quan đến những quan điểm khác nhau xung quanh việc có nên xây dựng luật Biểu tình, ĐB Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) đề nghị Thủ tướng “cho cử tri biết rõ thêm về những căn cứ mà Chính phủ đề nghị QH xem xét đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa 13 luật Biểu tình”.

Liên quan đến những quan điểm khác nhau xung quanh việc có nên xây dựng luật Biểu tình, ĐB Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) đề nghị Thủ tướng “cho cử tri biết rõ thêm về những căn cứ mà Chính phủ đề nghị QH xem xét đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa 13 luật Biểu tình”.

Đây cũng là câu hỏi mà trước đó ĐB Lê Bộ Lĩnh đặt ra với Thủ tướng: “Quan điểm, chủ trương của Chính phủ đối với việc người dân biểu thị lòng yêu nước của mình trước những hành động của các thế lực bên ngoài vi phạm chủ quyền biển đảo Việt Nam?”.

''Đảng, Nhà nước luôn luôn trân trọng, biểu dương, khen thưởng xứng đáng đối với tất cả hoạt động, việc làm của tất cả mọi người dân thật sự vì mục tiêu yêu nước, thật sự vì mục tiêu bảo vệ chủ quyền quốc gia'' - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng

Theo Thủ tướng, Chính phủ đề xuất xây dựng luật Biểu tình dựa trên 3 căn cứ. Thứ nhất là thực hiện theo quy định của Hiến pháp. Điều 69 của Hiến pháp quy định công dân được quyền biểu tình theo pháp luật, nhưng chúng ta chưa có luật Biểu tình nên mới bắt tay xây dựng. Thứ hai là căn cứ từ đòi hỏi thực tế của cuộc sống. “Thực tế cuộc sống cho thấy, có nhiều cuộc đồng bào ta tụ tập đông người, rồi biểu tình bày tỏ chính kiến, nguyện vọng với chính quyền nhưng chúng ta chưa có luật để quản lý, điều chỉnh vấn đề này. Do đó cũng khó cho người dân khi thực hiện quyền được Hiến pháp quy định và cũng khó cho quản lý của chính quyền, dẫn tới nảy sinh lúng túng trong quản lý, từ đó xuất hiện biểu hiện mất an ninh trật tự, lợi dụng để kích động, xuyên tạc gây phương hại cho xã hội”, Thủ tướng lý giải.

Căn cứ thứ 3 là mặc dù Chính phủ đã ban hành nghị định số 38 để quản lý hiện tượng nói trên nhưng hiệu lực pháp lý của nghị định còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu tầm mức Hiến pháp quy định cũng như yêu cầu thực tế đang đặt ra, nên Chính phủ kiến nghị QH xem xét đưa vào luật Biểu tình “để vừa phù hợp với Hiến pháp, với đặc điểm lịch sử văn hóa, với điều kiện cụ thể với nước ta cũng vừa để đảm bảo quyền tự do, dân chủ của người dân theo đúng quy định pháp luật. Đồng thời, ngăn chặn những việc làm, hành vi gây xâm hại đến an ninh trật tự, đến lợi ích của xã hội và nhân dân”.


Chính phủ sẽ quản lý chặt việc xuất khẩu và kinh doanh vàng - Ảnh: Đ.N.T

Trước câu hỏi ĐB Lĩnh đặt ra về quan điểm của Chính phủ đối với những người biểu tình biểu thị lòng yêu nước trước hành động xâm phạm chủ quyền biển Đông, Thủ tướng khẳng định: “Chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước là luôn luôn trân trọng, biểu dương, khen thưởng xứng đáng đối với tất cả hoạt động, việc làm của tất cả mọi người dân thật sự vì mục tiêu yêu nước, thật sự vì mục tiêu bảo vệ chủ quyền quốc gia. Những hoạt động, mục tiêu đó đều được hoan nghênh, biểu dương, khen thưởng thích đáng”.

Nhưng ông cũng nói rõ Chính phủ “không hoan nghênh, buộc phải xử lý nghiêm theo pháp luật những hoạt động, hành vi, động cơ lợi dụng danh nghĩa lòng yêu nước, bảo vệ chủ quyền để thực hiện mục đích gây phương hại cho đất nước, cho xã hội”.

Trên 48.700 doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động

Thủ tướng cho biết, theo khảo sát của Bộ Kế hoạch - Đầu tư, trong 9 tháng đầu năm có trên 48.700 doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động, tăng 21,8% so cùng kỳ năm 2010. Việc tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh gắn với nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh của doanh nghiệp được Chính phủ xác định là một nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, trong đó, có giải pháp về cơ chế bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, cơ chế tín dụng đầu tư hỗ trợ xuất khẩu và các chính sách khác.

Chính sách mới đáp ứng yêu cầu tăng trưởng

Ngoài mối quan tâm về biển đảo, về luật Biểu tình, các ĐB cũng chất vấn Thủ tướng về việc chuẩn bị nguồn nhân lực phục vụ tái cấu trúc kinh tế, về các chính sách quan tâm, hỗ trợ DN vượt qua khó khăn trong bối cảnh thắt chặt tài khóa, tiền tệ cũng như chủ trương, điều hành quản lý vàng. ĐB Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) đề nghị Thủ tướng “cho cử tri biết chủ trương chính thức của Chính phủ về quản lý kinh doanh vàng và quyền sở hữu của người dân”. Trước đó, trong báo cáo giải trình, Thủ tướng cũng nói khá rõ ràng quan điểm của Chính phủ về vấn đề này. Theo đó, Chính phủ sẽ quản lý chặt chẽ việc xuất nhập khẩu và thị trường vàng, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, phấn đấu không để giá vàng trong nước chênh lệch quá lớn so với giá thế giới; bảo vệ quyền sở hữu vàng của người dân; không để vàng trở thành phương tiện thanh toán phổ biến. Đồng thời, “có chính sách phù hợp để huy động nguồn lực vàng trong dân phục vụ mục tiêu phát triển”.

Ngoài vàng, Thủ tướng cũng thông tin thêm về các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, điều hành lãi suất, tỷ giá, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng thời gian tới, như về mục tiêu kiềm chế lạm phát, với những giải pháp điều hành quyết liệt, tốc độ tăng giá tiêu dùng có xu hướng giảm liên tục trong 6 tháng qua, tính chung 11 tháng tăng 17,5%. “Với xu thế này, mục tiêu kiềm chế tăng giá tiêu dùng năm 2011 khoảng 18% là có khả năng thực hiện được”, Thủ tướng dự báo.

Ông đồng thời tái khẳng định sẽ thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng, linh hoạt, vừa bảo đảm kiểm soát lạm phát, vừa đáp ứng yêu cầu tăng trưởng kinh tế theo các chỉ tiêu đã được QH thông qua. Giảm dần lãi suất theo mức giảm của lạm phát...; điều hành linh hoạt tỷ giá theo tín hiệu thị trường để khuyến khích xuất khẩu, giảm nhập khẩu và bảo đảm giá trị đồng tiền Việt Nam. Có giải pháp thích hợp để hỗ trợ phục hồi lành mạnh thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản.

Đối với giá điện, xăng dầu, than và các hàng hóa, dịch vụ quan trọng khác, Thủ tướng đề nghị “QH ủng hộ chủ trương kiên định thực hiện cơ chế giá thị trường đồng thời có hỗ trợ phù hợp đối với các đối tượng chính sách”. Ông nhấn mạnh: “Chính phủ sẽ xác định lộ trình hợp lý để thực hiện, vừa từng bước tiếp cận giá thị trường, vừa góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát” và cho biết thêm: Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này phải công khai minh bạch kết quả sản xuất kinh doanh và giá thành sản phẩm để QH và cử tri giám sát.

Nguyệt Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.