Singapore sắp bãi bỏ một điều luật cho phép giả định rằng một người từng có kinh nghiệm chăn gối thì dễ có quan hệ tình dục đồng thuận hơn là bị hiếp dâm.
Điều luật 157(d) của đạo luật Bằng chứng ra đời từ cuối thế kỷ 19 dựa trên đạo luật tương tự của Ấn độ vốn có nguồn gốc từ vương quốc Anh. Theo đó, một người đàn ông bị tố cáo tội hiếp dâm có thể tìm những bằng chứng về “tiền sử” tình dục của nguyên đơn và trưng ra trước tòa để phản tố nguyên đơn là “kẻ thiếu phẩm hạnh”. Và chính vì bị cho là “thiếu phẩm hạnh”, người phụ nữ nguyên đơn có thể bị nghi ngờ rằng chính cô ta đã quyến rũ, hoặc chí ít là đồng thuận quan hệ tình dục với bị cáo, hơn là thật sự bị cưỡng hiếp. Điều luật này cũng gián tiếp giả định người phụ nữ từng trải khi bị hiếp dâm sẽ ít bị sang chấn tinh thần cũng như ít xấu hổ khi ra trước tòa hơn một cô gái trong trắng.
Điều luật được thừa nhận từ hơn một thế kỷ qua đã gây bức xúc nhiều trong giới luật sư Singapore. “Nó thật sự lỗi thời và không nên tồn tại trong hệ thống tư pháp hiện đại của chúng ta nữa”, luật sư Wendell Wong, Giám đốc Công ty luật Drew & Napier nổi tiếng phát biểu.
Chuyên gia luật hình sự số 1 ở Singapore, Subhas Anandan lập luận: “Nếu người phụ nữ không đồng thuận, đó là hiếp dâm. Tòa án không nên định kiến với những hành vi trước đây của cô. Thậm chí nếu cô ta là gái điếm, điều đó cũng không có nghĩa là cô ta không bao giờ nói sự thật”. Ông Anandan nhắc lại câu chuyện cách đây mấy thập niên. Một luật sư bên bị đơn đã dựa vào điều luật này và gọi nạn nhân là “yêu nữ”, chuyên quyến dụ đàn ông vào ban đêm rồi la làng rằng mình bị hiếp dâm. “Những giả định như thế ngày nay không thể áp dụng được nữa”, ông Anandan nói.
Hội Phụ nữ Singapore (Aware) đã đi đầu trong việc kiến nghị bãi bỏ điều luật này. Hôm 30.10, Aware đã trình lên bộ luật Pháp bản kiến nghị, trong đó cũng chỉ ra rằng một số quốc gia áp dụng Thông luật trong khối Thịnh vượng chung như Canada, Malaysia và Anh, đã bổ sung luật Che chắn hiếp dâm (Rape Shield Law). Luật này giới hạn việc bị cáo lôi tiền sử tình dục của nguyên đơn ra trước tòa, cũng như chỉ rõ chứng cứ nào thì có thể được hay không được sử dụng trong các vụ án hiếp dâm.
Bộ trưởng Luật pháp K.Shanmugam hôm 25.11 đã phát biểu: “Quan điểm rõ ràng của tôi là điều luật này không nên tồn tại”. Ông Shanmugam, đồng thời là Bộ trưởng Ngoại giao Singapore, cũng nói thêm: “Tôi không nghĩ rằng những giả định, những tưởng tượng hoang đường, và những cảm xúc ghê tởm có thể có chỗ đứng trong luật pháp của chúng ta”.
Nếu được quốc hội thông qua trong các kỳ họp tới, điều 157(d) có thể vĩnh viễn biến mất trong nửa đầu năm tới cùng với một số thay đổi khác trong đạo luật Bằng chứng.
Thục Minh
(Văn phòng Singapore)
Bình luận (0)