Điện thoại của mẹ

28/11/2011 04:54 GMT+7

Mẹ có điện thoại thì con cái cảm giác lúc nào cũng có thể hỏi thăm, quan tâm đến mẹ. Nhưng kỳ thực nhiều khi lại còn ít gần gũi nhau hơn.

Mẹ có điện thoại thì con cái cảm giác lúc nào cũng có thể hỏi thăm, quan tâm đến mẹ. Nhưng kỳ thực nhiều khi lại còn ít gần gũi nhau hơn.

Lúc trước, ở nhà có lắp máy điện thoại bàn, nhưng nhiều khi mẹ đi vắng, chúng tôi không gọi điện được. Nghe đám con than phiền khó liên lạc, mẹ buộc phải ở nhà, sợ nhỡ đi đâu có điện thoại thì khổ. Tội nghiệp thân mẹ, muốn bước chân qua hàng xóm tí việc lại thắc thỏm sợ điện thoại reo. Có lần mẹ sang nhà bên phụ giỗ, đứa cháu ngoại ở cùng chạy sang báo có điện thoại. Mẹ vội vội vàng vàng chạy về, luýnh quýnh vấp ngã, một phen làm chị em chúng tôi lo sốt vó. Thế là, tôi sắm cho mẹ một cái điện thoại di động. Mẹ đi đâu cứ cầm theo, có việc cần mẹ gọi điện luôn, tiện đủ đường.

Mẹ xài di động

Cái điện thoại bé xíu với những con số nhỏ, khó xem quả là thách thức với đôi mắt người già. Cả một buổi hướng dẫn cách sử dụng, mẹ tôi vẫn lẫn lộn các phím chức năng. Tôi quyết định đổi cho mẹ điện thoại bật nắp, khi cần bắt máy, mẹ mở nắp; kết thúc cuộc gọi, mẹ gập nắp, rất dễ sử dụng.

Tuy nhiên, phiền toái chưa hết. Mẹ đặt câu hỏi với “cô giáo”: “Vậy khi cần gọi cho ai, mẹ làm sao?”. Bấm vào danh bạ phải qua nhiều thao tác, qua nhiều nút. Đó còn chưa kể mẹ không thấy được chữ. Muốn gọi cho ai, mẹ phải lấy kính. Ngộ nhỡ, mẹ đi đâu quên đem kính, muốn gọi cho con cháu đến đón cũng khó. Tôi cài cho mẹ danh sách gọi nhanh (cài sẵn số nên chỉ cần bấm 1 nút). Thứ tự các số là thứ tự anh chị em trong nhà. Mẹ cần gọi cho đứa nào chỉ việc bấm số đứa đó, rồi bấm nút màu xanh. “Được rồi, dễ ợt. Xài điện thoại đâu khó”. Nghe mẹ tự tin như vậy, tôi thấy yên tâm.

Một hôm, thấy số mẹ gọi, tôi liền bắt máy. “Thằng Ba phải không con?”. Nghe mẹ hỏi là tôi biết mẹ quay lộn số. Mẹ phân trần, bấm nút số 3 không biết tại sao lại gọi lộn cho tôi (số 4). Chị em chúng tôi dần quen với cảnh gọi nhầm của mẹ. Mẹ cũng có kinh nghiệm hơn, nếu gọi nhầm, nghe tiếng a lô là mẹ tắt máy liền (sợ tốn tiền điện thoại!), nhiều khi chị em tôi muốn nói dăm ba câu hỏi thăm cũng không kịp.

Nhiều lần, điện thoại tôi hiện lên số của mẹ rồi tắt ngay. Lúc đầu tôi cười thầm, mẹ cũng biết nhá máy nữa đấy. Sau nghĩ kỹ hơn, mới biết là mẹ gọi nhầm.

Càng xịn càng xa 

Chiếc điện thoại tôi mua nhanh hết pin, lại hay hỏng vặt. Em trai tôi đi du học nghỉ hè về mua cho mẹ chiếc điện thoại khác. Nó khoe mẹ điện thoại xịn, có cài GPRS, kết nối được wifi, quay phim, chụp hình khỏi chê. Xem chừng mẹ cảm động lắm. Nhưng đến khi hướng dẫn mẹ sử dụng, sự việc mới rối lên. Muốn gọi điện phải mở khóa, ngưng cuộc thoại phải khóa máy. Mà cái điện thoại chi chít phím, mẹ sử dụng hoa cả mắt. Chỉ việc gọi và nhận điện thoại thôi đã phức tạp, sử dụng các tính năng khác như quay phim, chụp hình, nghe nhạc, lên mạng gì đó, mẹ “bó tay”. Từ khi có điện thoại mới, mẹ bảo tốn tiền cước nhiều hơn. Mà tốn một cách vô lý mới ấm ức. Học hoài nhưng mẹ chỉ biết mở khóa, còn khóa máy thì để tự động. Thế nên mới có chuyện, mẹ vừa ngưng một cuộc thoại, bỏ máy vào túi áo, không biết làm sao đụng vào nút gọi. Người nhận không hiểu vì sao người gọi không lên tiếng, còn người gọi thì cứ gọi vô tư. Có lần, tôi đang họp, thấy số của mẹ vội vàng ra ngoài nghe. A lô hoài chẳng thấy mẹ trả lời, tôi thêm lo lắng.  Gọi lại cho mẹ, mẹ hỏi: “Điện cho mẹ có gì không?”. Khi biết nguyên nhân tốn tiền cước, mẹ dặn chị em chúng tôi, hễ thấy số của mẹ mà mẹ không nói chuyện thì tắt máy liền.

Trình độ sử dụng điện thoại của mẹ ngày càng được nâng cao. Một ngày, chị em tôi được mẹ cho coi hình mẹ chụp cây địa lan ra bông. “Mẹ giỏi quá vậy, có ai chỉ mẹ không?”. Mẹ cười nhưng sao trong lời nói nghe như có trách móc: “Mẹ vọc máy tự làm lấy. Ở nhà một mình, có cái máy cũng vui”.

Trước đây, khi chưa có điện thoại, chị em tôi thường xuyên về với mẹ, quây quần bên mẹ. Có phương tiện liên lạc rồi, nhấc điện thoại lên biết tình hình mẹ ở nhà là đã thấy xong phần trách nhiệm mà có khi không thấy được mẹ cố giấu sự mệt mỏi qua giọng nói để con cái không phải lo lắng.

Một đêm, thao thức với ý nghĩ chị em tôi quá vô tâm với mẹ, cứ tưởng là mua cho mẹ cái điện thoại rồi cho phép mình thưa thớt về thăm mẹ, tôi gọi cho mẹ. Bất ngờ, vào lúc đã khuya, mẹ vẫn chưa ngủ. “Người già khó ngủ, con à”. Tôi nghẹn lời: “Tuần này, chị em con về thăm mẹ, về xem cây địa lan trổ bông mẹ ơi!”. Bên đầu dây này, tôi cảm nhận được mẹ cười, hạnh phúc!

Gia Cát Tường

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.