Giữa lúc khu vực xảy ra nhiều bất ổn, Thổ Nhĩ Kỳ nhanh chóng tận dụng cơ hội để tấn công vị trí của Ả Rập Xê Út và Iran.
Trong chuyến thăm vào tuần này đến Ankara, Chủ tịch Nghị viện châu u Jerzy Buzek nhận định Thổ Nhĩ Kỳ có vai trò giữ vững sự ổn định của Trung Đông. Tờ Today’s Zaman dẫn lời ông Buzek cho rằng nước này đang tiên phong đề ra các biện pháp giải quyết bất ổn tại Trung Đông và Bắc Phi, mới đây nhất là ở Syria.
|
Trước đó, Thủ tướng Thổ Recep Tayyip Erdogan được chính quyền mới và người dân Ai Cập chào đón như một người hùng trong chuyến công du đến Cairo. Việc ông Erdogan thời gian qua liên tục chỉ trích Israel về vấn đề các đoàn tàu cứu trợ cho Dải Gaza cũng khiến nhiều nước Ả Rập “đẹp lòng”. Giới quan sát nhận định Thổ Nhĩ Kỳ đang tận dụng rất tốt thời thế để phục vụ mục tiêu trở thành cường quốc khu vực, cạnh tranh ngày càng gay gắt với Ả Rập Xê Út và Iran.
|
Khẳng định vai vế
Thời gian qua, Thổ Nhĩ Kỳ liên tục gây áp lực mạnh lên Syria. Động thái này được cho là nhằm khẳng định tiếng nói tại khu vực và nằm trong chiến lược giành vai trò sắp xếp trật tự chính trị an ninh trong thời hậu chính biến. Ngày 25.11, Thủ tướng Erdogan gửi tối hậu thư cho Tổng thống Syria Bashar al-Assad rằng ông này chỉ có một cơ hội cuối cùng là từ chức ngay, theo Reuters. Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu nói với các phóng viên tại Istanbul: “Đây là cơ hội cuối cùng cho Syria”. Trước đó, Ankara liên tục đưa ra những thông điệp đanh thép yêu cầu Tổng thống al-Assad ra đi. Ngày 22.11, Thủ tướng Erdogan tuyên bố thẳng ông al-Assad phải từ chức “nếu không muốn đối mặt với cái chết”. Ông Erdogan còn chỉ trích tuyên bố của ông al-Assad nói sẽ chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Theo Thủ tướng Erdogan, “chiến đấu đến hơi thở cuối cùng để chống lại nhân dân của mình chẳng phải hành động anh hùng mà chỉ là sự hèn nhát”.
Thực lực quân sự Thổ Nhĩ Kỳ là một thành viên NATO được đánh giá có tiềm lực mạnh cả về lục quân, không quân lẫn hải quân. Hiện tại, Thổ Nhĩ Kỳ có khoảng 612.000 binh sĩ thường trực và 429.000 quân dự bị. Ngân sách quân sự hằng năm vào khoảng 25 tỉ USD. Quân đội nước này có 4.246 xe tăng cùng hàng chục ngàn xe bọc thép và xe hậu cần, 7.574 súng pháo, 559 dàn phóng rocket. Thổ Nhĩ Kỳ được trang bị 1.940 máy bay gồm 874 trực thăng và 798 máy bay chiến đấu với nhiều dòng hiện đại do Mỹ cung cấp, cùng các loại máy bay khác. Hải quân có khoảng 265 tàu chiến gồm 16 tàu ngầm, 19 tàu hộ tống, 108 tàu tuần tra, 20 tàu phá mìn và 55 tàu đổ bộ cùng một số tàu hỗ trợ. (theo Global Fire Power) |
Mặc dù Thổ Nhĩ Kỳ đến nay vẫn bác bỏ khả năng sử dụng vũ lực nhưng có nhiều dấu hiệu cho thấy nước này sẵn sàng đi tiên phong trong việc can thiệp quân sự vào Syria. Ngày 22.11, kênh truyền hình địa phương CNN Turk đưa tin một số lãnh đạo cấp cao của quân đội Thổ đến thành phố phía nam Şanlıurfa, ngay sát biên giới với Syria, để kiểm tra tình hình. Trước đó, báo chí Thổ trích lời giới chức cấp cao nói Ankara có thể thiết lập vùng cấm bay “để bảo vệ thường dân”. Kịch bản này vốn đã được phương Tây sử dụng để hạ bệ chế độ của ông Muammar Gaddafi tại Libya. Ngày 22.11, tờ al-Rai của Kuwait đưa tin các nước Ả Rập và Thổ Nhĩ Kỳ, với sự hậu thuẫn của Mỹ, đã hoàn tất lập kế hoạch đặt vùng cấm bay đối với Syria. Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ còn cho phép khoảng 7.000 người đối lập Syria trú ẩn. Những người này được nhận định là thành phần nòng cốt để hình thành lực lượng nổi dậy đánh đổ Tổng thống al-Assad. Đến ngày 24.11, chỉ huy lực lượng đối lập Syria Riyadh al-Asaad, đang ở Thổ Nhĩ Kỳ, lên tiếng kêu gọi nước ngoài tiến hành không kích. Vì thế, giới quan sát tin rằng khả năng Ankara ra tay không phải không có.
Cầu nối chiến lược
Lâu nay, Thổ Nhĩ Kỳ luôn được đánh giá là một đồng minh chiến lược của Mỹ ở Trung Đông và Bắc Phi. Thời gian qua, Mỹ nhiều lần ngó lơ để Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành các chiến dịch tấn công nhằm vào lực lượng người Kurd ở phía bắc Iraq, theo Reuters.
Washington còn thường xuyên hỗ trợ Ankara trong các hợp đồng bán vũ khí. Giữa tháng này, quốc hội Mỹ đã thông qua quyết định cho phép bán 3 máy bay trực thăng chiến đấu AH-1 Super Cobra cho Thổ Nhĩ Kỳ. Loại trực thăng này rất hiệu quả trong các chiến dịch tấn công du kích người Kurd đang đấu tranh đòi ly khai. Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ cũng nằm trong danh sách hợp tác cùng Mỹ phát triển máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm F-35. Nước này còn là một phần cốt yếu của vành đai an ninh mà Mỹ đang muốn thiết lập ở Trung Đông để kiềm chân và bao vây Iran sau khi hoàn toàn rút khỏi Iraq.
Bên cạnh đó, Thổ Nhĩ Kỳ cũng là thành viên duy nhất của NATO nằm ngay giữa trục tiếp giáp các vùng nóng của thế giới: Trung Đông, Bắc Phi và Nam Á. Vì thế, nước này có vai trò quan trọng trong kế hoạch gia tăng ảnh hưởng của NATO. Vị thế cầu nối chiến lược của Thổ Nhĩ Kỳ khiến một số đối thủ của phương Tây cũng muốn tranh thủ. Hồi tuần trước, Iran lên tiếng sẵn sàng giúp Thổ Nhĩ Kỳ phát triển công nghệ hạt nhân, nhưng sau đó Ankara đã từ chối. Nga cũng nhiều lần tỏ ý muốn đẩy mạnh quan hệ. Vì thế, việc Thổ Nhĩ Kỳ lĩnh ấn tiên phong tại Syria được xem là giải pháp an toàn nhất của phương Tây vì có thể hạn chế những lời chỉ trích.
Phát triển không cần EU
Không chỉ tăng cường sức mạnh quân sự và vị thế chính trị, Thổ Nhĩ Kỳ cũng gây ấn tượng mạnh mẽ trong việc phát triển kinh tế. Theo tờ The Journal of Turkish Weekly, kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ tăng trưởng 9% trong năm 2010 và đạt 10% nửa đầu năm 2011. Ankara còn đang nổi lên như nhà sản xuất thép hàng đầu và được dự báo sẽ chiếm vị trí số 1 của ngành này tại châu u vào năm 2015. Phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Pháp hồi đầu tháng, Thủ tướng Erdogan tự hào rằng thâm hụt ngân sách của nước ông chỉ ở mức 1,7% so với GDP và nợ công chưa đến 40% GDP. Những con số này hiện đang là niềm ao ước của nhiều thành viên EU khi khu vực sử dụng đồng euro đang ngụp lặn trong khủng hoảng nợ công và thâm hụt ngân sách nghiêm trọng. Đây quả là điều trớ trêu cho EU vì bao lâu nay liên minh này luôn cao ngạo gây “khó dễ” trong việc kết nạp Thổ Nhĩ Kỳ. Đến mãi gần đây, EU vẫn cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ chưa đủ điều kiện kinh tế xã hội để gia nhập khối. Bây giờ thì thời thế đã đổi thay. Việc chưa gia nhập EU giúp Thổ Nhĩ Kỳ miễn nhiễm với tác động của khủng hoảng và còn thẳng tiến trên đường phát triển kinh tế. Chính vì thế, Ankara cũng không còn ưu tiên cho việc gia nhập EU mà chính liên minh phải tìm cách tranh thủ nước này.
Hành khúc Thổ Nhĩ Kỳ Thổ Nhĩ Kỳ từng có quốc hiệu là đế quốc Ottoman trong khoảng từ cuối thế kỷ 14 đến đầu thế kỷ 20. Năm 1299, Nhà nước Ottoman chính thức ra đời và bắt đầu mở rộng lãnh thổ. Đầu tiên, đế quốc này bành trướng gần như khắp khu vực Địa Trung Hải và Balkan sau khi xâm lược nhiều vùng đất lân cận. Đế quốc Ottoman đạt đỉnh cao hùng mạnh trong khoảng thế kỷ 15 - 16 với lãnh thổ gồm hầu hết khu vực đông nam châu u, một phần châu Á và Bắc Phi. Vùng đất rộng lớn này giờ đây là lãnh thổ của khoảng 30 nước như: Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, Bulgaria, Romania, Hungary, Slovenia, Croatia, Serbia, Syria... và một phần Nga. Kể từ giữa thế kỷ 16, đế quốc Ottoman dần rơi vào thời kỳ nhiều thăng trầm, suy yếu rồi phục hồi phần nào và sức mạnh từng bước giảm dần. Đến Thế chiến 1, đế quốc Ottoman đứng về phe Liên minh rồi sau đó bại trận và suy tàn dẫn đến tan rã vào năm 1923, mở đường cho CH Thổ Nhĩ Kỳ ra đời. Hiện nay, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn còn vướng mắc ngoại giao với Armenia liên quan đến việc đế chế Ottoman bị cáo buộc đã sát hại 1,5 triệu người Armenia hồi Thế chiến 1. Sau một thời gian dài phải đứng dưới cái bóng của Ả Rập Xê Út và Iran do trải qua nhiều bất ổn và đảo chính, đến nay Thổ Nhĩ Kỳ lại tiến bước mạnh mẽ. Sự lớn mạnh này một phần nhờ Thủ tướng Erdogan đã củng cố được vị thế quyền lực và chế ngự được giới quân sự trong nước. |
Ngô Minh Trí
Bình luận (0)