Từ cuối năm 2010 đến nay, trong lòng đất H.Bắc Trà My (Quảng Nam) liên tục phát ra những tiếng nổ trong lòng đất khiến người dân hoang mang.
Mới nhất, vào khoảng 21 giờ ngày 27.11, người dân ở các xã Trà Đốc, Trà Tân, thị trấn Trà My cực kỳ hoảng loạn khi nghe những tiếng nổ phát ra từ lòng đất. Kèm theo đó là những rung lắc mạnh. Anh Thơm, nhà ở ngay sát khu di tích Nước Oa, xã Trà Tân (H.Bắc Trà My) kể: "Cả nhà đang nằm ngủ thì nghe những tiếng nổ ùng ùng, tưởng như nổ mìn phá đá. Sau đó, giường, tủ, bàn ghế rung lắc dữ dội. Mấy cái kệ để chén bát cũng chao đảo làm chén bát rơi xuống đất, vỡ toang. Sợ quá, cả nhà tung cửa chạy ào ra đường".
|
Ở thị trấn Trà My nhà cửa san sát, được xây dựng trên những quả đồi cao thì mức độ rung chuyển càng kinh dữ hơn. Theo ông Đặng Phong, Chủ tịch UBND H.Bắc Trà My, lòng đất rung chuyển rất mạnh, ai cũng cảm nhận được. "Cái gường kê gần sát tường mà nó cứ va đập vào tường liên hồi. Không những vậy, những vật dụng khác như bàn ghế, tủ... cũng dịch chuyển theo từng đợt dư chấn", ông Phong kể.
Trước đó, đêm 16 rạng sáng ngày 17.11, nhiều xã ở H.Bắc Trà My như Trà Tân, Trà Bui, Trà Sơn, Trà Dương, thị trấn Trà My... cũng liên tục bị rung chuyển trong nhiều tiếng đồng hồ. Không những vậy, những người láng giềng ở H.Nam Trà My cũng bị ảnh hưởng. Ông Phong xác nhận, người dân trong huyện hết sức hoang mang, lo lắng không hiểu vì lý do gì mà chỉ trong tháng 11 đã có hai vụ nổ trong lòng đất kèm theo rung động dữ dội như vậy.
''Cả nhà đang nằm ngủ thì nghe những tiếng nổ ùng ùng, tưởng như nổ mìn phá đá. Sau đó, giường, tủ, bàn ghế rung lắc dữ dội. Mấy cái kệ để chén bát cũng chao đảo làm chén bát rơi xuống đất, vỡ toang. Sợ quá, cả nhà tung cửa chạy ào ra đường'' - Anh Thơm, nhà ở ngay sát khu di tích Nước Oa, xã Trà Tân (H.Bắc Trà My) |
Dân sợ, chính quyền tỉnh kêu gọi hỗ trợ
Theo báo cáo của UBND H.Bắc Trà My và ghi nhận thực tế của Sở KH-CN tỉnh Quảng Nam, từ cuối năm 2010 đến nay, tại các xã Trà Đốc, Trà Tân, thị trấn Trà My, Trà Sơn, Trà Dương, Trà Bui và các vùng lân cận trên địa bàn H.Bắc Trà My liên tiếp xảy ra tiếng nổ lạ vào đêm khuya làm rung chuyển một số điểm ở các khu vực nêu trên.
Trong công văn ngày 28.11 gửi Bộ KH-CN, Viện KH-CN Việt Nam, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Trần Minh Cả nhấn mạnh: "Từ tháng 1.2011, tại H.Bắc Trà My đã có những rung chấn nhẹ. Đến tháng 6.2011 rung chấn bắt đầu mạnh dần, đặc biệt tối 16.11 đến rạng sáng 17.11, liên tiếp phát ra nhiều tiếng nổ lạ từ trong lòng đất. Mức độ tiếng nổ nhiều hơn, lớn hơn, độ rung chuyển mạnh hơn và diễn ra nhiều lần hơn, theo đó làm vật dụng trong gia đình một số hộ dân bị rung chuyển, đổ ngã. Theo phản ánh của người dân tại xã Trà Đốc, một số nhà bị rạn nứt sau khi có hiện tượng trên. Vấn đề này đã gây hoang mang, lo lắng, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân trên địa bàn".
UBND tỉnh Quảng Nam cũng đề nghị Bộ KH-CN, Viện KH-CN Việt Nam phối hợp thành lập đoàn khảo sát, kiểm tra hiện tượng trên để tìm hiểu nguyên nhân, có kết luận giúp UBND tỉnh có hướng xử lý và giúp người dân địa phương an tâm, ổn định cuộc sống.
|
“Nghi can”: đập thủy điện!
TS Lê Huy Minh, Giám đốc Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần xác nhận, liên tiếp từ đầu tháng 11 đến nay, ở khu vực H.Bắc Trà My (tỉnh Quảng Nam) đã xảy ra 4 trận động đất mạnh từ 1,9 đến 3,3 độ Richter. Các trận động đất này đã gây ra rung động nền đất kèm theo tiếng nổ ở khu vực gần tâm chấn. Dao động như vậy ứng với cường độ chấn động cấp 5/12 (cấp 5: làm người ngủ thức giấc, các vật thể treo bị đung đưa mạnh).
TS Minh và các cộng sự ở Viện Vật lý địa cầu cho rằng, các trận động đất này đều tập trung gần đứt gãy kiến tạo Trà Bồng, giữa đứt gãy Hưng Nhượng - Tà Vi và đứt gãy Tam Kỳ - Phước Sơn, đồng thời cũng nằm trong phạm vi vùng hồ của thủy điện Sông Tranh 2. Độ sâu chấn tiêu của các trận động đất đã nêu đều nằm ở độ sâu 3 - 5 km, khá nông so với phần lớn các trận động đất kiến tạo đã quan sát được trên lãnh thổ nước ta. “Nhận định sơ bộ ban đầu cho thấy, có thể cho rằng các trận động đất vừa xảy ra ở khu vực Bắc Trà My là những trận động đất kích thích, xảy ra sau khi hồ thủy điện tích nước đi vào hoạt động”, ông Minh và các cộng sự nhận định. Tuy nhiên, theo các nhà khoa học này, để khẳng định chính xác vấn đề này cần xem xét một cách chi tiết hoạt động động đất ở khu vực này trong thời gian trước khi tích nước hồ chứa, cũng như cần có thêm những khảo sát chi tiết và quan trắc bổ sung về hoạt động động đất trong khu vực từ một mạng lưới trạm ghi động đất đủ dày.
Người dân không nên quá lo lắng “Mối quan ngại nhất hiện nay là xu thế hoạt động của đới đứt gãy tại đây và cường độ động đất mạnh nhất sẽ là bao nhiêu. Tuy nhiên, động đất kích thích thường không mạnh hơn kháng chấn của công trình đã được thiết kế trước khi xây dựng đập thủy điện. Người dân không nên quá lo lắng. Các nhà khoa học đang vào cuộc nghiên cứu. Chúng tôi cũng đã đề nghị lắp đặt ít nhất 3 trạm quan trắc địa chấn ở khu vực thủy điện Sông Tranh 2 để theo dõi diễn tiến của các trận động đất”, GS-TS Cao Đình Triều trấn an. |
Nhận diện “động đất kích thích”
GS-TS Cao Đình Triều, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Địa vật lý Việt Nam cũng nhận định, những rung chấn kèm với tiếng nổ lớn phát ra từ lòng đất tại khu vực thủy điện Sông Tranh 2 là do các trận động đất kích thích. Những trận động đất này xảy ra do chịu sự tác động của việc tích nước vào đập và đưa đập Nhà máy thủy điện Sông Tranh 2 đi vào hoạt động gây ra. Theo GS Triều, đập thủy điện Sông Tranh 2 đi vào hoạt động từ tháng 12.2010 và chỉ 1 tháng sau đó, tại đây đã xuất hiện các trận động đất nhẹ gây ra những tiếng nổ nhỏ trong lòng đất.
“Các trận động đất kích thích do xây dựng đập thủy điện chỉ xảy ra khi hội đủ 3 điều kiện: độ cao của đập (thường từ 80m trở lên), đập nằm trong khu vực có đới đứt gãy hoạt động và dung lượng của hồ (cỡ khoảng 1 tỉ m3 trở lên). Những trận động đất này thường xảy ra khi hồ chứa tích nước được một thời gian, làm biến đổi ứng suất lộ rỗng của đất đá trong đới đứt gãy đó. Tiếng nổ phát ra trong lòng đất là do độ sâu chấn tiêu của trận động đất quá nông”, GS Triều giải thích.
Theo nhà khoa học này, trên thế giới đã từng ghi nhận nhiều trận động đất kích thích do đập thủy điện tích nước gây ra. Mức độ ảnh hưởng của động đất dạng này phụ thuộc vào cường độ của nó và trên thế giới đã từng xảy ra những trận động đất kích thích gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Ở Việt Nam, GS Triều cho biết, cũng đã quan sát thấy động đất kích thích sau khi thủy điện Hòa Bình tích nước. Đó là trận động đất mạnh 4,7 độ Richter, xảy ra vào năm 1989.
TS Minh và các cộng sự cũng nhấn mạnh, trong các nghiên cứu, khảo sát đã tiến hành phục vụ xây dựng đập thủy điện Sông Tranh 2, các đứt gãy đã nêu trên được Viện Vật lý địa cầu đánh giá có khả năng phát sinh động đất cực đại với độ lớn là 5,5 độ Richter. Gia tốc nền ứng với động đất thiết kế được Viện kiến nghị sử dụng cho đập thủy điện này là 150 cm/s2, hoặc động đất cấp VII theo thang MSK - 64. Với thiết kế như vậy, đập thủy điện Sông Tranh 2 hoàn toàn an toàn dưới tác động của các trận động đất vừa qua.
TR.Điện Thắng - Hữu Trà - Q.Duẩn
Bình luận (0)