Lạnh lẽo du lịch Cổ Loa

02/12/2011 07:27 GMT+7

Năm 2002, dự án bảo tồn, tôn tạo và xây dựng Khu di tích Cổ Loa thành khu du lịch chuyên đề quốc gia với vốn dự kiến 300 tỉ đồng được triển khai trên diện tích 830 ha, nhưng đến nay địa chỉ này vẫn vắng khách.

Năm 2002, dự án bảo tồn, tôn tạo và xây dựng Khu di tích Cổ Loa thành khu du lịch chuyên đề quốc gia với vốn dự kiến 300 tỉ đồng được triển khai trên diện tích 830 ha, nhưng đến nay địa chỉ này vẫn vắng khách.

Thuộc huyện Đông Anh và cách trung tâm TP.Hà Nội khoảng 20 km về phía đông bắc, Khu di tích Cổ Loa là kinh đô cổ nhất của Việt Nam có từ thế kỷ thứ 3 trước công nguyên và đã được xếp loại A1 là di tích cấp quốc gia từ năm 1962.

Việc bảo tồn, tôn tạo Khu di tích Cổ Loa trở thành khu du lịch chuyên đề là cần thiết, tuy nhiên việc thực hiện dự án sau gần 10 năm vẫn chưa trọn vẹn với những công trình hoặc không dùng đến hoặc phải chuyển đổi mục đích sử dụng.

Theo dự án được quy hoạch năm 2002, Khu di tích Cổ Loa sẽ có 10 điểm đỗ xe du lịch cùng công viên truyền thuyết, khu vực Loa Thành thu nhỏ theo tỷ lệ 1/25 đáp ứng lượng khách du lịch dự tính đến năm 2010 sẽ là 2,3 triệu lượt, trong đó du khách quốc tế chiếm 21%.

Nhưng sau gần 10 năm, khách du lịch đến với Cổ Loa chỉ bằng 1/14 lượng khách đã được dự tính. Cụ thể, thống kê của tổ quản lý, bảo vệ Khu di tích Cổ Loa cho thấy năm 2008 có 133.800 lượt khách, năm 2009 có 155.000 lượt và 2010 thì nhích lên 156.000 lượt.

 
Sau mùa lễ hội, hầu như không có khách du lịch đến Cổ Loa - Ảnh: L.Q.P

Ngoài chợ du lịch Cổ Loa khánh thành từ năm 2005 nay vẫn bỏ hoang trong khi chợ Sa truyền thống phải di dời ra bờ sông Hoàng gây nên những bất cập không đáng có, bến xe du lịch với diện tích hơn 8.000m2 cũng rơi vào tình trạng ế ẩm. Tuy nhiên, khu vực này không đến nỗi bỏ hoang như chợ văn hóa du lịch vì UBND xã Cổ Loa đã cho một công ty xe buýt thuê từ nhiều năm nay.

Theo cán bộ văn hóa xã Cổ Loa, ông Nguyễn Văn Tùng thì “không cho thuê lại phải cử người ra đấy trông nom, người ta đến ở, đến trông cho là tốt rồi nên giá cho thuê cũng rẻ như cho không”.

Qua tìm hiểu, bến xe này nằm trong dự án đầu tư xây dựng hai tuyến đường từ quốc lộ 3 vào cửa Tây và cửa Nam thành Cổ Loa do UBND TP.Hà Nội phê duyệt năm 2002 với tổng số vốn 63 tỉ đồng, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội làm chủ đầu tư.

Theo quan sát của Thanh Niên, cách chợ văn hóa du lịch chưa đầy 200m còn có một bãi xe với diện tích bằng nửa bến xe du lịch kể trên và cũng ế khách.

Tổ trưởng của tổ quản lý, bảo vệ Khu di tích Cổ Loa, ông Hoàng Công Huy cho biết, khách chỉ đến Cổ Loa vào dịp lễ hội, ngày mùng 6 tháng giêng âm lịch sau đó giảm dần, các tháng còn lại trong năm thì bến xe trở thành vô duyên.

Về Cổ Loa, chúng tôi còn được nghe người dân trong khu vực bày tỏ sự lo lắng về quy hoạch khu du lịch. Ông Nguyễn Khải Hòa, nhà ở xóm Chùa, trong vòng thành Nội cho biết: “UBND xã và trường THCS Cổ Loa cũng bị di dời thì nhà tôi đây chắc cũng không yên, nhưng vấn đề là không biết khi nào sẽ phải rời đi”.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, trụ sở UBND xã Cổ Loa được bàn giao năm 2009 nay vẫn là nhà trưng bày tạm thời. Mặt bằng trường THCS Cổ Loa từ lâu chưa được sử dụng.

Trả lời câu hỏi về việc tiếp tục triển khai các công trình trong dự án du lịch có từ năm 2002, ông Phan Duy Thắng, Phó giám đốc Trung tâm Bảo tồn Khu di tích Cổ Loa - Thành cổ Hà Nội cho biết: “Công trình gì thì bây giờ cũng còn phải chờ quy hoạch”.

Một cán bộ quản lý văn hóa của huyện Đông Anh giấu tên nhận định: “Quy hoạch Cổ Loa chưa có nên khổ là khổ chung. Người dân không được xây nhà cao hơn thành, mà không cơi nới thì con cháu người ta ở đâu. Chung quy là trách nhiệm thuộc về “ông quy hoạch”.

Tiết lộ với Thanh Niên về dự án khôi phục Loa Khẩu (Miệng Ốc) đang triển khai, cán bộ này ngao ngán: “Vẽ thì đẹp lắm, nhưng cũng phải chờ quy hoạch chi tiết tổng thể”.

Hương Huyền

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.