“Cứu” sâm Ngọc Linh bằng nhân giống vô tính

02/12/2011 08:49 GMT+7

Sâm Ngọc Linh, “thuốc giấu” đặc biệt của đồng bào vùng giáp ranh Quảng Nam - Kon Tum. Tuy nhiên, hiện nay những người dùng sâm này đang hoang mang về thông tin có một loại sâm “nhái”.

Sâm Ngọc Linh, “thuốc giấu” đặc biệt của đồng bào vùng giáp ranh Quảng Nam - Kon Tum. Tuy nhiên, hiện nay những người dùng sâm này đang hoang mang về thông tin có một loại sâm “nhái”.

Khó mua

Thị trường sâm Ngọc Linh (còn gọi là sâm K5) ở Quảng Nam vừa xuất hiện nhiều sản phẩm mới của Công ty CP Dược vật tư y tế Quảng Nam. Dù chỉ được chế biến từ hình thức chiết xuất đơn giản, nhưng các mặt hàng này thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng, trong đó có lý do giá thành “mềm” hơn so với mặt hàng sâm củ. Đây là bước ngoặt của thị trường sâm ở miền Trung bởi lâu nay “thuốc giấu” chỉ mua bán dưới dạng sâm củ tại vườn chứ không đa dạng như bây giờ…

Thực tế tại nhiều nơi, trong đó ở Kon Tum đang xuất hiện loại sâm có nguồn gốc phía bắc, rất giống sâm Ngọc Linh. Chúng tôi không khẳng định là sâm giả, chỉ chắc chắn đó không phải là sâm Ngọc Linh, đề nghị người mua nên cân nhắc.

(Ông Nguyễn Đình Tân
Giám đốc Công ty CP Dược vật tư y tế Quảng Nam)

Tuy nhiên, các sản phẩm mới của sâm Ngọc Linh đã sớm đứt hàng. Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Đình Tân - Giám đốc Công ty CP Dược vật tư y tế Quảng Nam - nói: “Các sản phẩm này chỉ ở bước thử nghiệm ban đầu, được tung ra thị trường gần 2 năm, nhưng đến khoảng tháng 6.2011 thì đứt hàng. Chúng tôi rất tiếc, nhưng không thể duy trì bởi lệ thuộc vào nguồn nguyên liệu. Sâm Ngọc Linh thường khai thác vào cuối năm (vụ đông) thì mới cho chất lượng tốt nhất, chưa kể yêu cầu không thể khai thác đại trà loại dược liệu này”. Tình trạng sâm Ngọc Linh giống bị thiếu hụt ngay tại vùng sâm gốc (Trà Linh, H.Nam Trà My) từng được Thanh Niên thông tin, do người dân đã lén bán tận gốc các vườn sâm cho thương lái để thu lợi trước mắt, vì mỗi ký sâm tươi có giá lên đến 60 triệu đồng.

Theo đánh giá, sâm Ngọc Linh nằm trong top 20 loài sâm có giá trị cao của thế giới, thậm chí vượt qua sâm Cao Ly (Triều Tiên), nhưng trên thực tế lại ít được biết đến trên phạm vi toàn cầu. Sản phẩm từ sâm Ngọc Linh tại Quảng Nam, Kon Tum và địa bàn cả nước cũng chưa đa dạng.

Cứu sâm!

Sâm Ngọc Linh là dược liệu quý, hàm lượng saponin trong sâm Ngọc Linh cao từ 35 - 50%, cao gấp 42 lần so với sâm Nhật Bản; chứa 17 a xít béo (hàm lượng 0,53%), 18 a xít amin, 20 nguyên tố vi lượng và các chất thuộc nhóm sterol, glucid, tinh dầu và  vitamin C... Tuy nhiên, trong Sách đỏ Việt Nam, sâm Ngọc Linh lại đang đứng đầu  nguy cơ tuyệt chủng.


Một củ sâm Ngọc Linh loại “khủng” - Ảnh: Vũ Phương Thảo

Nhiều năm nay, các nhà khoa học tâm huyết vẫn âm thầm nhân giống sâm Ngọc Linh, bảo tồn nguồn gen quý. Nguồn nguyên liệu khan hiếm cùng với giá trị đặc biệt đã khiến nảy sinh tình trạng trộm sâm, sâm lai tạp… do hình thức nhân giống thủ công, chưa đủ cung cấp giống cho nhân dân địa phương. Trước tình hình đó, lần đầu tiên tại hội chợ khoa học - công nghệ Quảng Nam 2011, một tín hiệu vui phát đi khi sâm Ngọc Linh sẽ được “cứu” bằng công nghệ sinh học.

Quá trình nghiên cứu, trồng thử nghiệm của PGS-TS Dương Tấn Nhựt (Viện Sinh học Tây Nguyên, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam) và đồng sự đã cho kết quả khả quan: hoàn thiện công nghệ mới về quy trình tạo mô sẹo và ra rễ cây sâm Ngọc Linh trong điều kiện nuôi cấy mô tế bào thực vật. Từ đó, các nhà khoa học bước đầu khẳng định có khả năng “cứu” sâm Ngọc Linh bằng nhân giống vô tính trước nguy cơ mất nguồn gen quý. So với hai phương thức nhân giống giâm hom và gieo hạt thì phương thức nuôi cấy mô tiên tiến hơn, có thể giúp tiến hành nhân giống sâm hàng loạt trên diện rộng, đáp ứng được nhu cầu về nguồn giống, nguồn nguyên liệu cho thị trường.

Hứa Xuyên Huỳnh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.