Hành trình tâm linh siêu việt - tuyển chọn các bài pháp của Đức pháp vương Gyalwang Drukpa thực sự là pho tri thức quý giá hé mở và luận giải những vấn đề căn bản cội rễ của đời sống thực tại.
Dành nhiều chương đoạn để lột tả, định nghĩa một cách chân xác về hạnh phúc, tác giả khẳng định: “Từ những hành giả tâm linh, thương gia, phụ nữ đến kẻ lang thang..., hết thảy nhân loại đều mong muốn, cầu tìm hạnh phúc”. Và, luôn có “chướng ngại” như: nghèo đói, bệnh tật, thành bại trong công việc, học tập, hoặc những phiền muộn, xúc tình... hiện hữu trên con đường kiếm tìm hạnh phúc. Một cách hiểu là, hệ lụy của những “chướng ngại” chính là cội nguồn tạo nên phiền muộn, khổ đau...
Sách cũng đề cập đến stress - căn bệnh thời hiện đại (một dạng thức của chướng ngại), là phiền não lớn nhất mà chúng ta đang phải đối diện. Nền văn minh hiện đại có thể dư dả về vật chất nhưng lại khiến con người trở nên cô độc, yếu đuối và nghèo khó về mặt tinh thần do đã đánh mất sự liên hệ sâu sắc với chính bản thân, môi trường và thế giới thực hữu quanh mình. Càng tiến xa trong quá trình chinh phục thế giới và những tiện nghi bên ngoài, loài người càng mệt mỏi, bất an và đánh mất khả năng chinh phục, giải quyết những vướng mắc, khổ đau nơi chính bản thân. Và như vậy, cuộc sống càng hối hả, bận rộn, con người càng dễ bị stress. Công việc, bạn bè, gia đình, đối tác hay bất cứ điều gì khác cũng có thể trở thành nguyên nhân của những căng thẳng, lo âu.
Đức pháp vương chia sẻ: “Muốn trị liệu stress, trước tiên chúng ta cần cải thiện cuộc sống và những hành động thường nhật bằng việc ý thức rõ ràng những gì mình đang làm”. Từ góc nhìn Phật pháp, stress là kết quả của một vài tà kiến - sự hiểu biết sai lầm về cuộc sống. Do đó, “sự thức tỉnh, chủ động trong mỗi việc làm” cũng là “bài thuốc quý” để chữa stress.
Khi đã biết ứng dụng và thực hành bài thuốc này một cách thuần thục, chúng ta sẽ có thể tự mình hóa giải phiền muộn, lo lắng. Đây cũng chính là một phần của “giác ngộ”, là cách để thực hành tâm linh. Tác giả phân tích: “Muốn cải thiện đời sống, trước hết chúng ta cần cải thiện tâm mình...”. Trong chuỗi các bài giảng của Đức pháp vương, đây chính là luận điểm mang tính khai mở, có giá trị thuyết phục đối với hàng triệu độc giả trên thế giới.
Lẽ thường, mỗi khi gặp trở ngại, chúng ta thường “tra cứu” nguyên nhân và “bắt lỗi” hoặc chủ quan hoặc khách quan. Song theo lời khuyên của Đức pháp vương, ta đừng đổ lỗi cho bất kỳ ai, cũng không nên tự trách mình. Cả hai cách đều rất tệ hại. Vấn đề mấu chốt ở đây là chúng ta cần ghi nhận rõ sự trải nghiệm này để rút kinh nghiệm về sau. Tác giả viết: “Điều bạn nên làm là quên hẳn việc trách móc đi và nhận ra bản chất hành động của mình. Trí tuệ không là gì khác ngoài việc biết sống tỉnh thức trong thực tại và tìm giải pháp chuyển hóa những nghịch cảnh xung quanh mình...”.
Đọc Hành trình tâm linh siêu việt không chỉ để hiểu biết thêm về trí tuệ siêu việt và con đường tu tập của một bậc chân tu đắc đạo - Đức pháp vương Gyalwang Drukpa. Quan trọng hơn, qua tác phẩm mỗi độc giả đều có thể ngẫm ngộ, ứng dụng và tự “gỡ rối” cho bản thân khi gặp phải những trở ngại trong đời sống.
Đỗ Mai
Bình luận (0)