Chính trị gia đối lập Aung San Suu Kyi nhận định rằng đất nước Myanmar của bà đang có những bước đi khởi đầu một tương lai mới.
Bà Suu Kyi, 66 tuổi, nói với Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và các phóng viên: “Nếu chúng ta có thể duy trì những nỗ lực cải cách gần đây thì đó sẽ là bước khởi đầu cho một tương lai mới”. Chính phủ dân sự Myanmar từ khi được thành lập cuối tháng 3 năm nay đã thực hiện một loạt cởi mở chính trị và xã hội, mở đường cho chuyến thăm lịch sử của người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ đến nước này sau hơn nửa thế kỷ.
Bà Suu Kyi và bà Clinton thảo luận chính thức vào sáng 2.12 tại nhà của bà Suu Kyi ở cố đô Yangon trong không khí thân tình. Trước đó một ngày, bà Clinton gặp Tổng thống Myanmar Thein Sein ở thủ đô Naypyidaw rồi bay đến Yangon và dùng bữa tối cùng bà Suu Kyi tại tư gia của đại diện ngoại giao Mỹ ở Myanmar. Được biết, có lúc 2 bà đã tách khỏi các tùy tùng để trao đổi riêng. Ngoại trưởng Mỹ cũng trao một bức thư do Tổng thống Barack Obama gửi bà Suu Kyi. Ngoài ra, ông Obama cũng gửi thư tay cho ông Thein Sein. Về phần mình, bà Suu Kyi khẳng định Liên minh Dân tộc vì dân chủ của bà sẽ tham gia tranh 48 ghế nghị sĩ còn trống trong đợt bầu cử bổ sung sắp tới.
Sau cuộc gặp với bà Suu Kyi, bà Clinton cũng gặp gỡ lãnh đạo các sắc tộc thiểu số. Trước khi rời Myanmar, bà thông báo Mỹ sẽ trao cho Myanmar 1,2 triệu USD để hỗ trợ tài chính cho các hộ kinh tế nhỏ lẻ và chăm sóc sức khỏe người dân, giúp đỡ các nạn nhân bom mìn. Ngoài ra, Mỹ cũng sẽ mở chương trình dạy tiếng Anh cho người Myanmar với sự hỗ trợ của Trung tâm Đông - Tây có trụ sở tại Hawaii.
Ngày 1.12, sau khi gặp Tổng thống Thein Sein, bà Clinton cho biết ngoài việc cân nhắc mở đại sứ quán tại Myanmar, Mỹ sẽ khuyến khích các tổ chức như Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ quốc tế... xem xét nới lỏng hạn chế tài chính đối với nước này. Mỹ chưa bàn tới chuyện tháo bỏ cấm vận nhưng sẽ “hành động tương thích với hành động” nếu Myanmar tiếp tục cải cách, Ngoại trưởng Mỹ tuyên bố.
Thục Minh
(VP Singapore)
Bình luận (0)