Việc một loạt cửa hàng kinh doanh xăng dầu bị phát hiện gian lận chất lượng, công bố bán xăng 92 nhưng thực chất là xăng 83, thậm chí thấp hơn cả xăng 83, khiến người tiêu dùng cực kỳ bức xúc.
Bức xúc bởi người tiêu dùng bị thiệt đủ đường: trả tiền cao hơn cho sản phẩm chất lượng thấp, phương tiện bị hư hỏng, giảm tuổi thọ…; xã hội thì gánh chịu hậu quả môi trường ô nhiễm hơn khi phương tiện sử dụng xăng chất lượng thấp. Trong khi đó, doanh nghiệp (DN) gian lận lại hưởng lợi trên thiệt hại của người tiêu dùng và xã hội. Mức chênh lệch giá giữa xăng 92 và 83 tưởng nhỏ, chỉ vài trăm đồng/lít, nhưng với số lượng lớn xăng bán ra mỗi ngày thì số tiền DN gian lận hưởng lợi bất chính là khổng lồ.
Điều đáng nói, tình trạng gian lận chất lượng xăng dầu không phải bây giờ mới phát hiện mà đã có từ nhiều năm trước. Cơ quan chức năng đã kiểm tra, phát hiện, xử phạt rất nhiều vụ vi phạm chất lượng xăng dầu, nhưng tình trạng gian lận vẫn xảy ra. Có nhiều nguyên nhân: DN tối mắt vì lợi nhuận khổng lồ, quản lý nhà nước còn lỏng lẻo, việc phát hiện gian lận về chất lượng là không dễ dàng… nhưng quan trọng nhất là quy định xử phạt không đủ sức răn đe người vi phạm.
Theo quy định, hành vi bán hàng chất lượng không đúng tiêu chuẩn đã công bố có thể bị phạt tiền 2-3 lần tổng giá trị sản phẩm, hàng hóa vi phạm tại thời điểm kiểm tra. Thế nhưng, Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính lại khống chế mức phạt tối đa cho hành vi vi phạm trong lĩnh vực này chỉ là 30 triệu đồng. Ngay trong Nghị định 104 của Chính phủ về xử phạt vi phạm trong kinh doanh xăng dầu (có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2012), mức phạt đối với vi phạm về chất lượng xăng dầu tối đa cũng chỉ 30 triệu đồng (điều 16), tương đương với lợi nhuận thu bất chính từ vài chục ngàn lít xăng bán ra! Quá nhẹ. Vì thế, DN cứ vi phạm, đóng phạt rồi vi phạm để hưởng lợi.
Có một điều chắc chắn rằng nếu chủ, hoặc những người có trách nhiệm của DN không chủ ý hoặc đồng tình thì không thể có chuyện gian lận trong kinh doanh. Nói cách khác, việc gian lận là cố ý và có tổ chức khi xảy ra trong một DN đầy đủ các ban bệ, bộ phận. Như thế chẳng khác nào móc túi, ăn cắp của người tiêu dùng. Mà theo bộ luật Hình sự, người ăn cắp số tiền, hàng hóa trị giá từ 2 triệu đồng trở lên là có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, trường hợp tái phạm không cần tính số tiền trộm cắp là bao nhiêu vẫn bị xử lý hình sự. Ở đây, DN cố ý lấy của người tiêu dùng hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỉ đồng và hành vi lặp đi lặp lại trong thời gian dài, nhưng chỉ bị phạt hành chính vài chục triệu đồng, quả là nghịch lý.
Dĩ nhiên, muốn xử lý hình sự phải có chứng cứ khoa học, xác thực về việc DN cố ý ăn cắp. Chứng cứ đó có thể tìm thấy qua việc kiểm tra chứng từ, sổ sách, nguồn hàng nhập/xuất… và đó là trách nhiệm của cơ quan chức năng. Chỉ khi cơ quan chức năng quyết liệt và thực tâm muốn xử lý mạnh tay thì tình trạng “thượng đế” bị móc túi mới có thể được triệt tiêu.
Minh Đức
Bình luận (0)