Các di tích văn hóa và lịch sử hiện vẫn còn tồn tại khá nhiều trên đảo Lý Sơn, trong đó có một giếng nước mang đậm dấu ấn truyền kỳ.
“Giếng Gia Long” được xây bằng loại đá lấy từ các miệng núi lửa trên đảo Lý Sơn - Ảnh: Trần Đăng |
Lý Sơn là hòn đảo xinh đẹp thuộc tỉnh Quảng Ngãi, cách đất liền khoảng 30 km về phía đông bắc. Vào mùa hè, hầu hết giếng nước trên đảo đều cạn hoặc bị nhiễm mặn. Thế nhưng, có một giếng nước chưa bao giờ cạn, cũng không bị nhiễm mặn, kể cả những năm đỉnh hạn, dù giếng chỉ cách mép nước biển chưa đến 10 mét. Dân Lý Sơn gọi đây là “giếng Gia Long”, cũng có người gọi là “giếng vua”.
Tương truyền, khi bị quân Tây Sơn truy đuổi, Nguyễn Ánh chạy dạt ra Lý Sơn. Bấy giờ, quân lương cạn kiệt, nước ngọt cũng hết nhẵn, ông sai quân sĩ đào giếng khắp đảo nhưng không nơi nào có nước ngọt. Trong lúc sinh mệnh vua tôi như ngàn cân treo sợi tóc thì đêm đó ông nằm mộng, thấy có người mách cho nơi đào giếng. Đúng như điềm báo, quân sĩ mới đào sâu hơn một mét đã gặp nước ngọt.
Theo các nhà nghiên cứu lịch sử thì giả thuyết trên không đúng, vì rằng những năm Nguyễn Ánh bị quân Tây Sơn truy đuổi, ông chưa bao giờ có mặt tại mảnh đất miền Trung. Có lẽ vì sự nhiệm màu của giếng nước này mà người dân đã gán cho vua chăng? Thế nhưng có điều này thì chắc chắn: đây là giếng nước của người Chăm - cư dân cổ xưa từng có mặt trên đảo Lý Sơn hàng ngàn năm trước. Những hiện vật thu được từ cuộc khai quật khảo cổ học tại suối Chình cách đây ít năm đã nói lên điều đó.
Dọc miền Trung hiện nay, nhiều vùng quê sát biển vẫn thường xuất hiện những “giếng vua” như thế. Đặc điểm của các giếng nước này là nằm gần biển, được xây bằng đá ong hoặc gạch Chăm cổ. Riêng “giếng Gia Long” được xây bằng một loại đá khá đặc biệt, lấy từ các miệng núi lửa trên đảo Lý Sơn. Người Chăm rất giỏi phong thủy nên việc chọn nơi đào giếng để tìm nguồn nước ngọt giữa tứ bề nước biển là có thể hiểu được.
Hè năm 2003, khi chính quyền huyện Lý Sơn chuẩn bị phát tín hiệu cấp cứu, nhờ đất liền chuyển nước ra đảo thì “giếng vua” vẫn cứ dồi dào nguồn nước ngọt. Trong xu hướng ngày càng sa mạc hóa ở hòn đảo này thì sự tồn tại của “giếng vua” như chiếc phao cứu sinh cho hàng ngàn người dân mỗi mùa khô hạn.
Trần Đăng
Bình luận (0)