Trên địa bàn huyện miền núi Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) có 14 cây cầu treo, trong đó nhiều cầu đã hư hỏng, gây nguy hiểm cho người qua lại.
Cầu treo Ngầm Một thuộc thôn Gia Răng, xã Khánh Thành, H.Khánh Vĩnh được xây dựng cách đây gần 10 năm, đến nay cả mặt cầu và thành cầu đã mục, nhiều tấm ván gỗ rơi xuống sông để lại những khoảng trống hoác. Ông Cao Thiện (44 tuổi, thôn Gia Răng) nói: “Ngày nào cũng đi xe máy qua cầu để lên rẫy, khi đi còn đỡ chứ khi về chở nặng, nhiều lần bị sụp xuống, cong cả vành xe. Những người qua lại ban đêm trên cầu này cũng thường bị lọt chân xuống những chỗ mất ván sàn”. Ông Nguyễn Văn Ký, trưởng thôn Gia Răng cho biết, toàn thôn có gần 100 hộ, hằng ngày phải qua bên kia sông để làm rẫy và chỉ có một đường duy nhất là qua cây cầu này.
Cầu treo Cà Thêu ở thôn Ba Cẳng, xã Khánh Hiệp được xếp vào loại “đặc biệt” hơn. Cây cầu này được làm từ năm 1991, nhưng chỉ có dây thép buộc vào hai cây cổ thụ ở hai bên bờ sông Chò, sau đó “đan” các cành cây lồ ô và cây gỗ nhỏ để tạo mặt cầu, vì thế cây cầu chỉ dành cho người đi bộ. Mỗi lần cầu xuống cấp, bà con địa phương lại “đan” thêm lên mặt cầu những cành cây khác. Nhiều người qua cầu đã trượt chân ngã xuống sông, gây thương tích nặng. Ông Cao Minh Tuấn, Bí thư Đảng bộ kiêm Chủ tịch HĐND xã Khánh Hiệp nói: “Hai cây trụ này đã bị nước làm xói 2/3 gốc, có nguy cơ bị cuốn trôi trong mùa mưa tới. Thôn Ba Cẳng có 194 hộ dân, trong đó có đến 98 hộ nghèo, nương rẫy của bà con thì ở bên kia sông, vì thế muốn làm rẫy, không có cách nào khác là cứ bám vịn vào sợi dây thép ấy mà qua cầu”.
Ông Trần Minh Thuận, Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Khánh Vĩnh nói: “Trên địa bàn huyện có 14 cây cầu treo, nhiều cầu hư hỏng từ 30-40%, nhưng do kinh phí của huyện quá eo hẹp nên mỗi năm chỉ đầu tư nâng cấp được 2 cầu, cái nào hư hỏng nặng thì ưu tiên làm trước”. Với tốc độ làm cầu như vậy, người dân vùng cao của huyện Khánh Vĩnh còn phải tiếp tục “bám dây” thêm nhiều năm nữa.
Nguyễn Chung
Bình luận (0)