Đảng Nước Nga Thống nhất của Thủ tướng Vladimir Putin đã phải chịu sự tụt giảm mạnh tỷ lệ ủng hộ trong cuộc bầu cử Duma quốc gia.
Ngày 5.12, với 96% phiếu bầu được kiểm, Ủy ban Bầu cử trung ương Nga thông báo đảng cầm quyền Nước Nga Thống nhất giành được 49,54% số phiếu, giảm mạnh so với mức 64% trong cuộc bầu cử năm 2007. AFP dẫn lời chủ tịch ủy ban trên Vladimir Churov cho biết đảng của Thủ tướng Putin sẽ chỉ giành được 238-250 ghế trong tổng số 450 ghế tại Duma quốc gia (tức Hạ viện), giảm so với con số 315 ghế trước đây. Điều này có nghĩa là dù đảng Nước Nga Thống nhất vẫn duy trì thế đa số trong Duma quốc gia nhưng không duy trì được thế đa số tuyệt đối 2/3 số ghế để có thể sửa đổi hiến pháp.
Cũng theo ông Churov, đảng Cộng sản Nga đứng thứ hai với 19,2% phiếu bầu, mang lại cho họ 92 ghế. Đứng thứ ba là đảng Nước Nga công bằng với 13,2% phiếu, tức 64 ghế, sau đó đến đảng Dân chủ Tự do Nga với 11,7%, tức 56 ghế. Khoảng 60% trong số 110 triệu cử tri đã đi bỏ phiếu, giảm so với mức 64% cách đây 4 năm. AFP dẫn lời lãnh đạo đảng Cộng sản Nga Gennady Zyuganov nói kết quả này là “hồi chuông cảnh tỉnh” đối với chính quyền và nước Nga “sẽ có một phác họa chính trị mới tại Duma”.
Những diễn biến nói trên được đánh giá là không thuận lợi đối với Thủ tướng Putin, 3 tháng trước khi ông tham gia tranh cử tổng thống. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, ông Putin nhiều khả năng vẫn chiến thắng dù tỷ lệ ủng hộ sẽ suy giảm. Tháng trước, ông tuyên bố sẽ đề cử tổng thống sắp mãn nhiệm Dmitry Medvedev làm thủ tướng nếu thành công trong nỗ lực trở lại Điện Kremlin.
Cả hai nhà lãnh đạo đã đến thăm trụ sở đảng Nước Nga Thống nhất tại Moscow. Ông Putin tuyên bố kết quả cuộc bầu cử Duma quốc gia là sự phản ánh hiện thực của tình hình đất nước và tạo điều kiện cho phép “đảm bảo tiến trình phát triển ổn định của nước Nga”. Ông Medvedev thì thừa nhận đảng này sẽ phải chia sẻ quyền lực và “thiết lập các thỏa thuận liên minh” nhằm đảm bảo sự hậu thuẫn cho các dự luật sẽ đưa ra.
Đa số quan sát viên quốc tế đánh giá cuộc bầu cử lần này tại Nga diễn ra rất suôn sẻ, công bằng nhưng cũng đã nảy sinh một số tranh cãi. Theo BBC, Thủ tướng Putin cáo buộc các cường quốc bên ngoài can thiệp vào quá trình chuẩn bị bầu cử và có nhiều nghi vấn về việc một tổ chức được nước ngoài tài trợ như Golos được phép quan sát kỳ bỏ phiếu. Về phần mình, Golos và 2 cơ quan truyền thông tố cáo website của họ bị tin tặc tấn công. Các đảng đối lập cũng than phiền về những điều “bất bình thường” tại nhiều khu vực bầu cử.
Trùng Quang
Bình luận (0)