Đó là một trong những nội dung được nhiều học giả đề cập tại Hội thảo sửa đổi Hiến pháp do Văn phòng Quốc hội phối hợp với T.Ư Hội Luật gia Việt Nam tổ chức ngày 7.12 tại Hà Nội.
PGS-TS Lê Văn Hòe - nguyên Phó viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật (Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh) đề nghị trong nội dung Hiến pháp sửa đổi tới đây cần sửa đổi quy định “quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội” của công dân thành “quyền quản lý nhà nước và xã hội”, và thay quy định công dân có quyền “tham gia thảo luận các vấn đề chung của cả nước và địa phương, kiến nghị với cơ quan nhà nước, biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân” bằng việc quy định rõ quyền quản lý nhà nước của nhân dân.
TS Ngô Huy Đức và TS Lưu Văn Quảng (Viện Chính trị học, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng, Hiến pháp cần phải được người dân tự mình phê chuẩn thông qua một cuộc trưng cầu dân ý.
Hai ông cũng đề xuất cơ chế đảm bảo kiểm soát lẫn nhau giữa các nhánh quyền lực nhà nước (lập pháp - hành pháp - tư pháp) một cách hữu hiệu. Theo đó, cần thiết lập một cơ chế bảo hiến và cơ chế cho phép nhánh tư pháp có một vị thế độc lập. Đối với nước ta, có thể tính đến phương án thành lập một Tòa bảo hiến độc lập.
Đồng quan điểm, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Vũ Đức Khiển đề nghị bổ sung vào Điều 2 Hiến pháp năm 1992 một nội dung về thành lập cơ quan bảo hiến để làm căn cứ cho việc ban hành luật sau này.
Bảo Cầm
Bình luận (0)