Ghép van tim tự thân

07/12/2011 08:39 GMT+7

Van tim chế từ động mạch phổi có thể tồn tại suốt đời và giảm chi phí đáng kể so với van nhân tạo

Van tim chế từ động mạch phổi có thể tồn tại suốt đời và giảm chi phí đáng kể so với van nhân tạo.

Đến thời điểm này, Viện Tim mạch Quốc gia là đơn vị duy nhất của cả nước thực hiện phẫu thuật ghép van tim tự thân. Năm bệnh nhân đầu tiên sau điều trị đã khỏe mạnh và hòa nhập cuộc sống tốt.

Ghép vào đường ra tâm thất trái

Anh Nguyễn Đình Th. (22 tuổi, ngụ Nghệ An) phát hiện bị bệnh tim bẩm sinh từ năm lên 9 tuổi. 12 năm qua, Th. thường xuyên bị những cơn đau thắt ngực hành hạ. Ở cái tuổi “bẻ gãy sừng trâu” nhưng chỉ gắng sức một chút là Th. đã kiệt sức vì tức ngực, khó thở, nhiều lúc ngất xỉu. Thành công từ phẫu thuật ghép van tim tự thân cách đây một tháng đã thay đổi cuộc đời Th. “Trước đây chỉ chạy vài chục mét là tôi đã thở không ra hơi nhưng bây giờ có thể đạp xe 20-30 km và chạy hàng trăm mét mà không thấy mệt” - Th. chia sẻ.

TS-BS Dương Đức Hùng, Trưởng đơn vị phẫu thuật tim mạch - Viện Tim mạch Quốc gia, cho biết ghép van tim tự thân là lấy van động mạch phổi của chính bệnh nhân ghép vào đường ra của tâm thất trái để sửa chữa dị tật, đồng thời tạo hình van động mạch phổi từ màng tim, bảo đảm cho hoạt động của trái tim hiệu quả, ổn định. Trước Th. cũng đã có 4 trường hợp được viện này phẫu thuật ghép van tim tự thân, trong đó có 2 bệnh nhân dưới 10 tuổi. Bệnh nhân đầu tiên là một bé trai 7 tuổi bị bệnh lý van tim. Đến nay, sau 8 năm khám sức khỏe định kỳ, bệnh nhân này vẫn khỏe mạnh và sinh hoạt, học tập như bạn bè cùng trang lứa.

Không phải phẫu thuật lại

Theo TS Hùng, so với kỹ thuật ghép van tim nhân tạo thì ghép van tự thân có rất nhiều ưu điểm. Thông thường, người bệnh phải tốn từ 20-35 triệu đồng cho một chiếc van nhân tạo, chưa kể chi phí thuốc thải ghép, thuốc chống đông máu... Thêm một nhược điểm khác là van nhân tạo sẽ suy yếu trong vòng 7-15 năm và khi hết hạn sử dụng, bệnh nhân phải phẫu thuật thay van mới để kéo dài sự sống.

Trong khi đó, chiếc van chế từ động mạch phổi được hình thành từ chính cơ thể bệnh nhân nên sau ghép, người bệnh sẽ không phải dùng thuốc chống đông, thuốc chống thải ghép và cũng không phải phẫu thuật lại để thay van khác. Do đó, chi phí rẻ hơn mà người bệnh cũng chỉ định kỳ khám 6 tháng/lần.

Điều đáng mừng nữa là phương pháp mới giúp cho việc điều trị ở cả bệnh nhân nhỏ tuổi trong khi van nhân tạo thường chỉ có kích cỡ của người trưởng thành. Sau khi ghép van tự thân, van này sẽ hòa hợp, lớn lên cùng người bệnh và tồn tại suốt đời.

TS Phạm Quốc Khánh, Phó Viện trưởng Viện Tim mạch Quốc gia, cho biết kỹ thuật ghép van tim tự thân sẽ được triển khai thường quy tại viện, góp phần giảm tải và bớt chi phí cho người bệnh. Đến thời điểm này, đây vẫn là kỹ thuật khó không chỉ đối với giới bác sĩ trong nước mà còn với nhiều nước trên thế giới. 

Chỉ định cho độ tuổi thanh thiếu niên

Theo TS-BS Dương Đức Hùng, dù có nhiều ưu điểm vượt trội so với các phương pháp ghép van tim nhân tạo truyền thống nhưng kỹ thuật ghép van tim tự thân chỉ được khuyến cáo cho bệnh nhân dưới 45 tuổi. Trung bình mỗi ca phẫu thuật kéo dài khoảng 4 giờ, lâu hơn so với kỹ thuật ghép van tim nhân tạo 2-3 lần nên nguy cơ xảy ra rủi ro trong quá trình phẫu thuật cũng cao hơn.

Theo Người Lao Động

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.