Dân khốn khổ vì vàng tặc

08/12/2011 08:35 GMT+7

Ruộng nương khô hạn không thể cấy hái, nước sinh hoạt cũng bị ô nhiễm, vật nuôi chết dần… là những gì mà người dân hai xã nằm giữa tỉnh Hòa Bình và TP.Hà Nội phải hứng chịu từ vàng tặc.

Ruộng nương khô hạn không thể cấy hái, nước sinh hoạt cũng bị ô nhiễm, vật nuôi chết dần… là những gì mà người dân hai xã nằm giữa tỉnh Hòa Bình và TP.Hà Nội phải hứng chịu từ vàng tặc.

Đầu tháng 12, có mặt tại xã Liên Sơn, H.Lương Sơn, Hòa Bình, hình ảnh đầu tiên chúng tôi thấy là con suối Đá Bạc đã gần như trơ đáy, dù chưa vào mùa khô. Lẫn trong dòng nước đục ngầu đầy bùn loãng là những lớp váng đen bốc mùi tanh và hắc. Người dân trong xã cho biết, nguyên nhân là do cơ sở làm vàng Kiên Cường đang khai thác vàng cám từ hơn một năm nay gây nên.

Để tận mắt chứng kiến cảnh khai thác vàng ở suối Đá Bạc, chúng tôi nhờ bà Thà, một người dân trong xã dẫn đường. Sau 30 phút vượt đường đồi về hướng thượng nguồn, chúng tôi thấy một công trường với những máy xúc đang lật tung lòng suối Đá Bạc, vục từng gầu đất chuyển qua băng chuyền để sàng, lọc. Cách đó không xa, dòng suối từ dãy núi cao tít bị đắp chặn để lấy nước khai thác vàng.

“Từ ngày có cái máy về đào vàng, dân chúng tôi toàn phải thức đêm, đợi nó không làm vàng thì mới ra suối hứng được nước trong về đun nấu”, bà Thà cho biết. Cũng theo người phụ nữ này, nhiều thửa ruộng trong thôn phải bỏ không, đợi khi nào có nước trong chảy về thì mới có thể cấy cày được.

 
Một góc công trường khai thác vàng ở suối Đá Bạc - Ảnh: Minh Sang

Cách không xa suối Đá Bạc, suối Cái, ranh giới phân chia địa bàn hai xã Nam Phương Tiến (H.Chương Mỹ, Hà Nội) và xã Liên Sơn (H.Lương Sơn, Hòa Bình) cũng trong tình cảnh tương tự.

Theo phản ảnh của người dân, từ khoảng năm 1995, khu vực này có khoảng 5-6 đầu nậu đào đãi vàng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản xuất nông nghiệp.

Ông H, một người dân xã Nam Phương Tiến cho biết, ngoài việc thiếu và mất nước vì bãi vàng làm suối thay đổi dòng chảy, thì khi nước từ băng chuyền mang theo bùn tràn vào đồng ruộng đã khiến rau lúa không thể phát triển và chết dần.

Anh Tuấn, một hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm trong xã cho biết: “Trâu bò thả trong núi, gần suối Cái đang khỏe mạnh đột nhiên lăn ra chết nên hiện nay các hộ đều phải nhốt trong chuồng”. Được biết, mới đây đàn vịt mấy chục con của anh Tuấn cũng chết khi chăn thả ở cánh đồng chứa nước suối Cái.

Theo tìm hiểu của Thanh Niên, trong quá trình khai thác vàng, các cơ sở đã sử dụng thủy ngân để tách và phân kim vàng cám khỏi các tạp chất khác. Đây là chất độc, có thể gây chết người và động vật. Nhiều hộ dân ở Nam Phương Tiến hiện đã không còn dám dùng nước giếng vì lo sợ thủy ngân có trong nước đãi vàng thẩm thấu, ngấm vào mạch nước trong lòng đất.

Trao đổi với Thanh Niên, Chủ tịch xã Liên Sơn, ông Lưu Hữu Toán cho biết, điểm khai thác vàng thuộc Công ty Kiên Cường đã được cấp phép của cơ quan chức năng. Tuy nhiên vấn đề gây ô nhiễm cùng những thiệt hại do khai thác vàng gây ra thì ông Toán chưa được phản ảnh từ người dân và sẽ cho kiểm tra.

Về bãi vàng ở suối Cái, ông Toán thừa nhận có việc khai thác vàng trái phép ở đây và cũng đã nghe nói người dân xã Nam Phương Tiến chịu ảnh hưởng, thiệt hại do các cơ sở làm vàng này gây ra.

Ông Toán cho biết thêm, bãi khai thác vàng này có diện tích rộng trên 400 ha, trên địa bàn hai xã Liên Sơn và Nam Phương Tiến.

“Khó khăn nhất khiến chúng tôi không thể xử lý được là bãi khai thác vàng trái phép suối Cái thuộc khu vực tranh chấp về địa giới giữa hai xã Liên Sơn và Nam Phương Tiến từ nhiều năm qua. Nếu trong thời gian tới, nhà nước giao quyền quản lý khu vực trên cho xã Liên Sơn thì ngay lập tức chúng tôi sẽ dẹp yên nạn khai thác vàng trái phép này”, Chủ tịch xã Liên Sơn nói.

Hà An

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.