(TNTS) “Tôi lớn lên đã thấy dừa trước ngõ
Dừa ru tôi giấc ngủ trẻ thơ
Cứ mỗi chiều nghe dừa reo trước gió
Tôi hỏi nội tôi - dừa có tự bao giờ?”
(Lê Anh Xuân)
Chẳng ai biết đích xác cây dừa Việt Nam có tự bao giờ. Cây dừa có “hộ khẩu” chính thức tại 93 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó hơn 80% diện tích thuộc Đông Nam Á và Nam Á. Indonesia có gần 4 triệu ha dừa, dẫn đầu thế giới. Tiếp đó là Philippines, khoảng 3,3 triệu ha; Ấn Độ gần 2 triệu ha, Sri Lanka 450 ngàn ha, Thái Lan 330 ngàn ha. Việt Nam lúc cao điểm có khoảng 400 ngàn ha dừa, nhưng do khai thác kém hiệu quả so với các cây khác nên bị chặt bỏ, hiện chỉ còn 250 ngàn ha. Gần đây dừa Việt Nam đang dần phục hồi, được trồng nhiều nhất ở Bến Tre - khoảng 40 ngàn ha, Trà Vinh 13 ngàn ha, Bình Định 12,5 ngàn ha…
Dừa có tên khoa học là Cocos Nucifera, cây đơn trực, có thể cao đến hơn 30m. Các mẫu hóa thạch ở New Zealand cho biết cây dừa có niên đại khoảng 15 triệu năm. Nhờ quả nhẹ và nổi trên mặt nước nên dừa theo các dòng hải lưu đi khắp thế giới. Dân đảo Hawaii cho rằng dừa do những người đi biển gốc Polynesia mang từ nam Thái Bình Dương tới. Cây dừa Việt trồng nhiều ở Tây Nam bộ và Nam Trung bộ. Theo tư liệu cổ, dừa Việt khởi nguồn từ vương quốc Chămpa, cách đây hơn 2.000 năm. Lúc đó Chămpa có bộ tộc dừa, gọi là Chăm Dừa ở vùng Bình Định bây giờ. Vào thế kỷ 2, người Chăm Dừa từng lập nên nhà nước Lâm Ấp. Ở Hà Nội hiện có phường Ô Chợ Dừa dù không thấy cây dừa nào. Làng Yên Sở, Hoài Đức, còn gọi là làng Dừa. Những thập niên 1960 - 1970, các phim kể chuyện chiến đấu ở miền Nam như: Nổi gió, Chị Tư Hậu, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm… đều lấy bối cảnh từ những vườn dừa bạt ngàn, bên dòng sông xanh ngắt ở Yên Sở. Làng cổ Yên Sở, quê hương của danh tướng Phạm Tu - Lý Phục Man, bây giờ xơ xác, rừng dừa ngày càng lụi tàn và thu hẹp. Cây dừa Việt được danh tướng Phạm Tu mang về trồng ở đất Bắc sau chiến thắng quân Lâm Ấp vào thế kỷ 6. Ngày nay, Yên Sở không còn nhiều dừa nhưng có hơn nửa làng làm nghề bán dừa trái cho Hà Nội và vùng phụ cận. Cây dừa ở miền Tây Nam bộ chủ yếu được những di dân từ xứ sở Chăm Dừa đem vào trồng khi đến khai phá vùng đất mới này.
|
Dừa được mệnh danh là “cây của 1.001 công dụng”, “cây tạo công ăn việc làm”. Từ thân, lá, gân lá, cành, hoa, trái, xơ, gáo, cơm, nước, rễ… đều tạo ra sản phẩm phục vụ con người. Theo tiếng Phạn, cây dừa là Kalpa Visksha - “cây đem lại mọi thứ cần thiết cho cuộc sống”. Tiếng Malaysia là Pokok Seribu Guna - “cây ngàn công dụng”. Còn người Việt Nam và Philippines gọi dừa là “cây của sự sống”. Dừa Việt có rất nhiều loại. Nếu chia theo công dụng, có 3 nhóm chính. Nhóm dừa uống giải khát gồm dừa xiêm xanh, xiêm lục, xiêm lửa, xiêm xanh ruột hồng, ẻo nâu, ẻo xanh, Tam Quan...
Các giống này thường lùn, cho trái sớm, năng suất cao, nước ngọt có vị thanh. Có loại chưa đầy 2 năm đã cho trái, mỗi cây có thể thu hoạch hơn 150 trái/ năm. Ở Mũi Né có loại dừa “3 nhát”, vì chỉ chặt 3 nhát dao là mở “nắp” ra uống, nước rất ngọt. Nhóm dừa lấy dầu và làm kẹo gồm: dừa ta xanh, ta vàng, dâu xanh, dâu vàng, lửa, bung; các giống mới như PB121, PB141, JVA1, JVA2… Giống dừa này thường có thân cao, trái to, cơm dày. Nhóm dừa đặc sản có giá trị kinh tế cao như: dừa dứa, sáp, sọc…Dừa dứa thuộc giống lùn, chủ yếu dùng để uống nước, vị ngọt thơm đặc trưng. Từ nước đến cơm, vỏ, hoa, lá… đều thơm mùi dứa. Dừa sáp còn gọi là dừa kem, dừa đặc ruột, vì cơm dầy, nước sền sệt như kem. Đây là sản phẩm đột biến gien, cho ra giống dừa mới. Vì trồng chung các loại dừa khác, dừa sáp thụ phấn với dừa thường nên tỷ lệ trái dừa sáp trên mỗi cây chỉ khoảng 20 -25%. Nếu cả vườn trồng toàn dừa sáp thì tỷ lệ có thể từ 80 - 100% tổng số trái. Trước đây, dừa sáp chỉ có ở Cầu Kè, Trà Vinh; nay đã nhân giống ra nhiều nơi. Philippines là nước có nhiều cây dừa sáp nhất thế giới.
Cây dừa có rất nhiều công dụng. Thân làm cột, ván, bàn, ghế, giường, tủ, vật dụng bếp, đồ thủ công mỹ nghệ… Ở Manila, Philippines có Cung Điện Dừa rất độc đáo. Thân dừa còn dùng làm thuyền độc mộc nhỏ, các loại nhạc cụ. Mùn cưa dừa dùng làm ván ép, trồng bonsai. Lá dừa làm chổi, vách, mái, đồ thủ công và chất đốt. Gân lá dùng làm que xiên thịt, các giỏ đựng hoa trang trí và trái cây. Dừa non để uống nước. Dừa già lấy cơm làm nước cốt dừa, kẹo dừa, mứt dừa, ép dầu, làm mỹ phẩm…. Nước dừa non biến thành thạch dừa, rau câu dừa. Sọ dừa làm gáo, các loại nhạc cụ, đồ thủ công mỹ nghệ, than hoạt tính…. Xơ dừa làm ván cách nhiệt, nệm, dây thừng, lưới sinh thái, thảm, bàn chải, chất độn trong phân bón, vật liệu để lèn, xử lý đất sạch, trồng nấm, giữ độ ẩm…
Hoa có thể lấy nước giống như thốt nốt để uống, làm rượu vang dừa, làm đường dừa. Cuống hoa làm đèn trang trí, giỏ hoa. Tim dừa bên trong các lá non, chồi non trên ngọn và củ hũ dừa đều là những món ngon đặc sản. Rễ dừa là vị thuốc nam đa dụng. Tro dừa làm phân rất tốt… Dừa không chỉ phục vụ cuộc sống, làm ra nhiều sản phẩm tiêu dùng nội địa mà còn xuất khẩu và phát triển du lịch. Cây dừa không kén đất, ít tốn công chăm sóc, chẳng cầu kỳ phân - thuốc, lại có thể xen canh với các loại cây ăn quả khác. Hiệu quả cây dừa ngày càng nhân lên khi người trồng biết chọn lọc giống, nhà nước có kế hoạch phát triển.
Dân gian thường bảo “Uống nước dừa xiêm, khỏi tiêm thuốc bổ”. Nước dừa có gần như toàn bộ dưỡng chất cho cơ thể, nhiều vitamin và chất khoáng. Trong chiến tranh, nước dừa non được gọi là “nước khoáng thực vật”, dùng thay dịch truyền vì chứa nhiều vi lượng khoáng cần thiết và đường ở dạng dễ tiêu hóa cùng vitamin C. Theo Đông y, nước dừa ngọt ấm, giúp tăng cường khí lực, giải nhiệt, nhuận sắc... Dừa là vị thuốc chính để chữa suy dinh dưỡng, cảm nắng, thổ huyết, chảy máu cam, khản tiếng, tiêu chảy, kiết lỵ, thương hàn, ói mửa, lợi tiểu, viêm thận, tẩy sán lá, kích thích miễn dịch trong lao phổi… với những bài thuốc cụ thể và công hiệu. Nước dừa làm đẹp da, giữ tóc đen và mượt. Thế nên con gái Bến Tre da đẹp và tóc dài óng ả hơn nhiều vùng khác. Nước dừa còn có tác dụng “bảo quản tinh binh” giúp quý ông “dồi dào sinh lực” để luôn “sẵn sàng chiến đấu”. Cơm dừa non dùng chữa các bệnh viêm loét dạ dày, viêm gan, tiểu đường, trĩ, viêm ruột kết... Vỏ xanh và xơ dừa được dùng để rửa vết thương, bỏng, chàm, lở... Sọ dừa đốt thành than có tác dụng cầm tiêu chảy, chống phóng xạ.
Cơm dừa bổ tâm tì. Bả cơm dừa bó chữa gãy xương, chế mỹ phẩm. Rễ dừa chữa cầm máu, lợi tiểu... Người Peru bỏ thân cây bông vải có tẩm vi khuẩn ăn ấu trùng muỗi Anophen vào trái dừa, đậy kín. Vi khuẩn ăn chất dinh dưỡng của dừa rồi sinh sôi nảy nở. Sau đó, đổ những quả dừa này xuống ao hồ, vi khuẩn sẽ tìm ăn ấu trùng muỗi sốt rét như một cách phòng bệnh hữu hiệu. Ở Philippines, dừa là món ăn trường xuân, còn gọi là Nata. Cựu tổng thống Fidel Ramos từng nói: “Nhờ ăn Nata thường xuyên nên tôi luôn trẻ hơn được 20 tuổi”. Người Nhật còn cho rằng, Nata có tác dụng ngừa ung thư. Đặc biệt dừa nguyên trái hầm với đậu đen là món chữa bệnh thoái hóa khớp rất hiệu quả. Phụ nữ mang thai uống nước dừa sẽ giúp em bé trắng trẻo, mịn màng… Ở Việt Nam còn có nền văn hóa ẩm thực dừa cực kỳ phong phú mà có dịp tôi sẽ bàn riêng.
Dừa chữa được nhiều bệnh nhưng không phải là thuốc mà chỉ là thực phẩm chức năng. Không phải ai uống nước dừa cũng tốt. Những người mới đi nắng về, người đang đói mệt, người dễ bị sốt và ớn lạnh, trước khi thi đấu thể thao… không nên uống nước dừa. Mỗi ngày chỉ nên uống 1 trái, uống nhiều dễ đầy bụng, nhất là khi ăn cả cơm dừa, uống với đá vào buổi tối. Cách uống tốt nhất là để nguyên trái, uống ngay tại gốc, tránh thả dừa xuống đất. Nước dừa ra khỏi trái sẽ giảm khí vị, để lâu càng mất tác dụng. Việt Nam đã có Hiệp hội Dừa. Làm sao để cây dừa Việt Nam trở lại thời hoàng kim là câu hỏi mà giải đáp được sẽ có hiệu quả không nhỏ. Cũng giống như cây chè, cây dừa càng phát triển thì sức khỏe giống nòi càng được cải thiện. Cũng cần lắm một Bảo tàng Dừa để “cây cuộc sống” của Việt Nam ngày càng phát triển.
Nguyễn Văn Mỹ
Bình luận (0)