Khổ như ông già Noel

09/12/2011 08:46 GMT+7

(TNTS) Giáng sinh là mùa của an lành, của bình yên. Nhưng an lành quá, bình yên quá thì lấy gì mà làm phim? Thế nên năm nào giới điện ảnh cũng phải "vắt óc" tìm đề tài cho mùa phim Giáng sinh, phải mới lạ, hấp dẫn nhưng vẫn vui vẻ, nhẹ nhàng, phù hợp với mọi lứa tuổi.

(TNTS) Giáng sinh là mùa của an lành, của bình yên. Nhưng an lành quá, bình yên quá thì lấy gì mà làm phim? Thế nên năm nào giới điện ảnh cũng phải "vắt óc" tìm đề tài cho mùa phim Giáng sinh, phải mới lạ, hấp dẫn nhưng vẫn vui vẻ, nhẹ nhàng, phù hợp với mọi lứa tuổi.

Dĩ nhiên, đối tượng được khai thác nhiều nhất chính là ông già Noel, người bạn của tất cả trẻ em trên thế giới. Chưa thấy ai khổ như ông, trong một đêm mà phải vác cái bụng béo tròn và hàm râu dài thượt đến mọi hang cùng ngõ hẻm của trái đất để phát quà. Vậy mà bọn làm phim không chịu để ông yên. Năm nào cũng có sự cố: nhẹ thì bỗng dưng có ông anh "trời đánh" đến phá (phim Fred Claus - 2007), nặng thì bị bắt cóc, thậm chí té lầu... chết luôn (The Santa Clause - 1994). Còn phát nhầm, phát sót quà hay tuần lộc "bỗng dưng dở chứng" thì kể không hết.

 
Phim Arthur Christmas - Ảnh: filmofilia.com 

Năm nay, Santa Claus chỉ gặp một trục trặc nhỏ, do thằng con Arthur hậu đậu mà ông để sót một món quà tại "tổng hành dinh" ở Bắc cực. Thế nhưng sau nhiều năm phát quà theo quy trình công nghệ cao, cộng thêm tâm trạng hoang mang, mất phương hướng khi ngày về hưu đang đến gần, nên khi có sự cố, ông già Noel rối tung lên, không biết giải quyết thế nào. Cuối cùng vẫn là anh chàng Arthur "dở ẹc" nhưng chân thành và đầy tình cảm vượt qua nhiều khó khăn để mang lại kết cuộc tốt đẹp cho tất cả. Nội dung đậm chất Giáng sinh thêm một chút nghiêm túc về khủng hoảng tuổi già và truyền thống đối đầu với hiện đại, phim hoạt hình 3D Arthur Christmas khiến khán giả người lớn lẫn trẻ em rất thích thú.

Phim được sản xuất bởi hãng Aardman Animations, từng đoạt Oscar phim hoạt hình hay nhất năm 2005 với Wallace & Gromit: The Curse of the Were-Rabbit. Đây cũng là hãng làm nên loạt Shaun the Sheep xuất sắc trên kênh Disney Channel. Vì thế, hình ảnh trong Arthur Christmas rất mượt và rực rỡ còn những pha hài thì rất duyên, đúng kiểu Aardman Animations. Các nhà phê bình cũng đánh giá rất cao dàn diễn viên lồng tiếng, đặc biệt là Bill Nighy trong vai cha của ông già Noel. Nổi tiếng từ lâu tại Anh, Nighy tạo dựng tên tuổi với khán giả thế giới nhờ vai ca sĩ già hết thời và kỳ quặc Billy Mack trong Love Actually, một phim Giáng sinh rất hay khác vào năm 2003. Vì thế, ông dễ dàng hóa thân vào nhân vật "ông nội" Noel khó chịu với cái tôi to đùng của Arthur Christmas.

Santa Claus đã nhiều lần bị các "thế lực thù địch" bắt cóc. Hãi nhất là khi ông bị đưa tới xứ sở Halloween trong The Nightmare Before Christmas (1993). Đây chính là một trong những phim làm nên tên tuổi của bậc thầy Tim Burton. Rất hiếm khi làm phim hoạt hình nên Burton tung hết công lực tạo ra một thế giới hình ảnh huyền ảo, huyễn tưởng với các nhân vật vừa quái dị vừa dễ thương. Phim còn hút hồn khán giả với phần âm nhạc không thể chê vào đâu, đặc biệt là bài This is Halloween, được rất nhiều ban nhạc và ca sĩ chơi lại sau này. "Nước sơn đẹp", nội dung độc đáo, vừa đậm tính giải trí nhưng cũng rất nhân văn nên The Nightmare Before Christmas luôn nằm trong danh sách các phim kinh điển cho mùa Giáng sinh và cả mùa Halloween.

Năm nào cũng gặp nạn nhưng chưa lần nào ông già Noel phải chuyển từ điệu cười "ho ho ho" quen thuộc thành "hu hu hu" cả. Dù khó khăn đến đâu thì mọi chuyện vẫn kết thúc trong an lành, hạnh phúc. Giá điện có tăng, giá xăng có không giảm thì trong đêm 24.12, tiếng chuông nhà thờ vẫn vang vọng, tình nhân vẫn tay trong tay dạo phố và trẻ em vẫn đi ngủ với nụ cười chờ đợi trên môi.

Trọng Kha

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.