Lúa đông xuân bị lũ “cầm chân”

08/12/2011 09:13 GMT+7

Mùa lũ năm nay không chỉ gây thiệt hại đến lúa thu đông mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến vụ đông xuân - vụ lúa chiếm trên 50% tổng sản lượng trong năm.

Mùa lũ năm nay không chỉ gây thiệt hại đến lúa thu đông mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến vụ đông xuân - vụ lúa chiếm trên 50% tổng sản lượng trong năm. Hiện tại, tiến độ xuống giống ở các địa phương trong vùng ĐBSCL đang chậm hơn so với lịch thời vụ, do bị nước lũ “cầm chân” ở vùng đầu nguồn và triều cường uy hiếp ở các tỉnh ven biển.

Đến thời điểm này, toàn vùng mới xuống giống được gần 400.000 ha trên tổng số 1,55 triệu ha lúa đông xuân, chỉ đạt trên 40% so với lịch thời vụ. Cụ thể, tỉnh đầu nguồn An Giang mới xuống giống gần 10 ngàn ha trên tổng diện tích là 235 ngàn hecta; tỉnh Đồng Tháp chỉ gần 40 ha/200.000 ha. Ở hai địa phương này, thời điểm xuống giống dứt điểm lúa đông xuân phải kéo dài đến trung tuần tháng giêng năm sau. Còn các địa phương vùng hạ lưu và ven biển như Cần Thơ, Vĩnh Long, Hậu Giang, Sóc Trăng… tình hình tương đối khả quan với diện tích đã xuống giống chiếm từ 30% - 60% tổng diện tích, phần còn lại sẽ xuống giống dứt điểm trong tháng 12 này.

Việc lúa đông xuân xuống giống chậm như hiện nay có thể sẽ bị tác động bởi khô hạn và xâm nhập mặn vào cuối vụ. Với khoảng 40% diện tích lúa ở các tỉnh ven biển bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn. Bên cạnh đó là việc xuống giống thiếu đồng loạt sẽ khó tránh khỏi bị dịch bệnh và sâu rầy tấn công.

Để hạn chế những rủi ro có thể xảy ra đối với vụ sản xuất lúa lớn nhất trong năm, Chính phủ đã quyết định hỗ trợ cho các tỉnh thành ĐBSCL 340 tỉ đồng để khắc phục hậu quả lũ lụt, bơm thoát nước đảm bảo sản xuất vụ đông xuân. Như vậy có thể thấy lũ lụt không chỉ gây thiệt hại vào lúc đỉnh điểm mà nó còn kéo dài đến tận cuối mùa. Điều này cũng đồng nghĩa với việc để hạn chế những thiệt hại do lũ gây ra, ổn định sản xuất nhất là đối với vụ mùa chính trong năm thì cần có chiến lược quy hoạch phát triển hệ thống thủy lợi một cách khoa học hơn. Để làm được như vậy thì đòi hỏi những người có trách nhiệm cần xây dựng một chiến lược phát triển bền vững cho toàn vùng ĐBSCL cả về tự nhiên và xã hội. Trong chiến lược đó, cần có xác định thứ tự ưu tiên đối với những vụ mùa được coi là chủ lực. Vì chỉ có như vậy mới tránh được việc “chạy đua” xuống giống cho kịp lịch thời vụ như hiện nay.

Chí Nhân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.