Theo đại diện quỹ, cuốn sách được biên soạn nhằm giúp dư luận trong và ngoài nước hiểu rõ hơn các vấn đề liên quan đến biển Đông, Hoàng Sa, Trường Sa cũng như lập trường của Việt Nam trong giải quyết tranh chấp ở biển Đông.
Có dung lượng khiêm tốn và cô đọng trong phạm vi 40 trang, nhưng cuốn sách bao gồm khá đầy đủ và toàn diện các vấn đề liên quan đến biển Đông. Sách thể hiện rõ và đầy đủ chủ trương của Việt Nam đối với việc giải quyết các tranh chấp ở biển Đông bằng biện pháp hòa bình; về thúc đẩy và thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC), tiến tới xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC); lập trường của Việt Nam về yêu sách “đường lưỡi bò”, về hoạt động đánh cá của ngư dân Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa, về ý tưởng “gác tranh chấp, cùng khai thác” như đã được nói ở trên.
Sách cũng cập nhật rõ nội dung chính của thỏa thuận về các nguyên tắc chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc được ký kết ngày 11.10.2011. Trong đó khẳng định hai bên cam kết lấy luật pháp quốc tế, bao gồm cả Công ước luật Biển 1982 của LHQ để giải quyết tranh chấp trên biển giữa hai nước, đồng thời tách bạch cách giải quyết loại tranh chấp song phương và tranh chấp đa phương.
Một vấn đề được giải thích rõ ràng, chi tiết nhưng cũng rất dễ hiểu trong sách là lập trường của Việt Nam trước đề nghị của Trung Quốc đưa ra “gác tranh chấp, cùng khai thác”. Với những người chưa hiểu rõ tình hình biển Đông thì nguyên tắc này dường như khá thiện chí, hòa hoãn. Tuy nhiên, trên thực tế đằng sau đó là yêu sách “chủ quyền (các khu vực tranh chấp) cuối cùng vẫn thuộc về Trung Quốc”. Nguy hiểm hơn, nhiều khu vực mà Trung Quốc nói “gác tranh chấp” trên thực tế lại không hề có tranh chấp và không hề thuộc chủ quyền của Trung Quốc, ví dụ như vùng thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của các quốc gia liên quan.
Chính vì vậy mà lập trường của Việt Nam đã được khẳng định rõ ràng rằng Việt Nam không chấp nhận “gác tranh chấp, cùng khai thác” trên thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam, nếu ở khu vực cụ thể đó không có sự chồng lấn với thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của nước khác.
Nguyên Phong
Bình luận (0)