Tuyết trà - Truyện ngắn của Tuệ An

11/12/2011 01:32 GMT+7

Đèn đỏ. Tiếng còi xe phía sau inh ỏi. “Bấm cái chó gì vậy?”. Tôi lầm bầm, hạ cửa kính, nghiêng mặt ra ngoài định tiếp tục phun ra một tràng tục tĩu. Khựng lại.

Đèn đỏ. Tiếng còi xe phía sau inh ỏi.

“Bấm cái chó gì vậy?”. Tôi lầm bầm, hạ cửa kính, nghiêng mặt ra ngoài định tiếp tục phun ra một tràng tục tĩu. Khựng lại.

Giữa đám đông bẳn gắt có tôi, tiếng còi xe từ chiếc xe máy sát sạt phía sau, bà mẹ cho đứa bé chừng năm tuổi ngồi phía trước, cậu nhóc tay bấm liên hồi, với vẻ ngạo nghễ rất đáng yêu. Những lỗ hổng răng sâu răng sún và hai bầu má căng núng nính sữa. Tôi bật cười.

Về tới chung cư, tôi không cho xe chạy tiếp xuống gara mà lùi lại, quay đầu xe. Giữa đám đông đang lao đầu vào mảnh đất tiền tài danh lợi này, cái cảm giác ngột ngạt trong mình bao giờ mới được gỡ bỏ? Và bước lên cái tòa nhà hình khối kia, rồi vào căn hộ nhỏ - của - chúng tôi để có thể cảm nhận rõ rệt hơn bao giờ hết nỗi cô độc và sự bất lực của mình với thực tại hay sao.

Vợ chồng tôi đã sống như thế bao lâu rồi? Tôi tìm quên bằng cách lao vào những cuộc đua dài trên thương trường còn Trác mải mê với những chuyến đi bất tận. Với anh, cuộc đời là những chuyến đi mà tôi cho rằng chẳng đem lại lợi lộc gì. Tiền tài không, danh vọng không. Vậy đi để làm gì chứ? Anh viết lên facebook: “Đi để mà sống, mà lắng tai nghe, mà mở mắt nhìn cái thế giới lạ lẫm ngoài kia”. Vậy còn tôi? Có phải anh chỉ coi là trạm dừng đôi chặng, thi thoảng trở về.

Tôi không điện báo trước. Nhưng biết chắc là ngoại cũng sẽ có thứ gì đó cho tôi vào bữa tối nay. Quê ngoại tôi ở Bình Châu, ngồi trong vườn nhà cũng nghe được vị gió mang hơi mằn mặn của biển. Mỗi khi muốn trốn chạy khỏi thành phố, tôi lại về để sáng mai ra đi, được mang một cái đầu nhẹ bẫng và sáng suốt hơn.

Dừng xe cạnh gốc ngọc lan già cỗi loang lổ trắng mốc mà tàng lá lại xanh non như mới vừa trổ vào ngày mới trong một sáng ướt đẫm sương, tôi nhặt lấy những cánh hoa ngà ngà thuôn dài như búp tay mà hít hà hương hoa dịu dàng, quyến luyến ma mị.

Ngoại tôi chắc đã ăn tối rồi, ông ngồi trên phản gỗ, bên cạnh ấm trà mạn, bộ ấm chén bằng gốm sứ Bát Tràng mà ngày trước Trác mua về trong một chuyến công tác. Ông tôi ưa cái màu men Trác chọn, cũng như quý đứa cháu rể đến từng góc cạnh. Ngồi thưởng trà, đàm chuyện với ông, cứ cảm giác như trở lại một không gian trầm lắng rất xứ Bắc dù khí trời phương Nam khoáng đạt đang ở ngay trên đầu.

Nghe tiếng giày cao gót gõ trên nền những viên đá lát sân, ngoại tôi không nhìn ra vẫn đoán biết được.

- Quỳnh hả con?

- Dạ.

Ngoại ý chừng hơi thắc mắc vì thường thì tôi không về nhà giữa tuần làm việc bao giờ. Nhưng nhìn vẻ mệt mỏi trên gương mặt tôi, có lẽ ngoại hiểu. Sự im lặng đúng lúc của ngoại là một điều tôi rất cảm kích những khi lời lẽ thành vô dụng và phiền nhiễu với tôi như bây giờ. Còn sự im lặng của Trác, là sự tử tế vờ như để bọc lên những điều anh không hài lòng.

Tại sao chứ? Anh còn đòi hỏi điều gì? Phụ nữ cần nhan sắc và đức hạnh, vợ anh trọn vẹn trước sau, lại có tài năng không chỉ trên thương trường mà còn cả ở chính trường và cũng đảm đang đủ để hễ vào bếp là có ngay bữa ăn tươm tất.

Tôi tắm rửa, thay đồ, bưng cả chén cơm ra ngồi bên cạnh ngoại mà ăn như những ngày còn rất nhỏ. Ngoại vẫn thường chiều chuộng tôi thế, chẳng quở mắng bắt tôi phải gò vào một  khuôn thước khắt khe nào dù gia phong lễ nghi áp đặt lên bà, lên mẹ, lên những người phụ nữ khác trong gia đình tôi hiển hiện trong từng hơi thở của căn nhà. Có lẽ nhờ vậy mà tôi đi được xa hơn họ.

Ngồi bên ngoại, tôi lặng yên mà lắng nghe hơi thở rất khẽ từ cánh mũi phập phồng của chính mình. Ăn xong, tôi tự rót chén trà, màu nước hợp với màu men chén đẹp như giếng ngọc đêm trăng.

Dựa lưng vào tràng kỷ, mắt nhắm nghiền, hương trà nhân nhẩn ngọt đắng len với nỗi niềm dịu dàng của ngọc lan, tôi tự dỗ dành mình. Rồi tất cả mọi thứ sẽ qua thôi, và cả chuyện này cũng sẽ đi qua.

Vướng mắc ở công ty, rồi cũng có cách giải quyết, vào buổi họp ngày mai tôi sẽ nêu ra. Tôi thà chấp nhận thiệt thòi về mình trong hợp đồng này, chấp nhận thua lỗ một trận để có được nguyên vật liệu dù giá đắt đỏ nhưng giữ được chữ tâm, chữ tín cho mặt hàng của mình.

Tháo xổ mớ tóc để xõa trên bờ vai, tôi thả trôi tư tưởng, giờ chỉ còn cách làm sao thuyết phục được tất cả các cổ đông tin tưởng và chấp nhận cách làm đó.

Tôi nhìn gương mặt ngoại, những vết nhăn già nua rạch nhì nhằng trên lớp da điểm đồi mồi mà gương mặt thư thái nhẹ nhàng đến lạ. Chẳng biết năm mươi năm nữa, khi cũng đến độ tuổi ngoại, tôi sẽ như thế nào. Chỉ sợ là tôi chẳng bao giờ đi tới được thời điểm ấy.

Nhớ có lần ngày còn rất trẻ, tôi nói với Trác, em sẽ cố gắng sống thật ý nghĩa, đến chừng sáu mươi tuổi thôi, rồi có thể em sẽ tự chấm dứt cuộc đời mình. Trác lần đó trầm ngâm bảo, nói như em thì chẳng lẽ mẹ anh đã đến độ tuổi phải chấm dứt sao?

- Ngoại, có bao giờ ngoại hối tiếc về điều gì không? - Tôi hỏi, nửa như để phá vỡ khoảng lặng yên tĩnh mịch của hương trà, nửa như để tìm một cái cớ giãi bày lòng mình.

- Hối tiếc? Nhiều chứ. Nhưng hiểu đời hơn, con ạ.

Tôi nhìn ra mảnh vườn u tịch sẫm đen. Những lá ken dày che khuất hết bầu trời sao phía trên. Ánh đèn từ phòng khách loang ra, đủ để thấy bờ ven những cụm thạch thảo, tím đến buốt lòng.

- Cuộc hôn nhân của con có lẽ là một điều sai lầm mà giờ con hối tiếc - Tôi khẽ khàng thả trôi câu nói.

- Sao con lại cho là sai lầm? - Ngoại nói, giọng vẫn rất ấm, nhưng ngai ngái một hơi thở dài rất nhẹ tựa như ông đã chất chứa rất lâu những linh cảm về sự đổ vỡ của chúng tôi - Lấy được người con yêu mà lại coi là sai lầm?

- Sao anh ấy không sống bình thường như những người khác? Con không thể hiểu được anh ấy nữa.

Ngoại im lặng. Tôi im lặng. Ngoại pha ấm trà mới. Người đổ sạch lớp bã cũ, tráng trước ấm bằng nước sôi. Rồi thả từng búp trà khô vào lòng bàn tay mình, khẽ đưa lên mũi hít cái hương trà nhân nhẩn ngọt lành đó một cách rất trìu mến rồi thả vào ấm. Rồi ngoại rót nước sôi vào, một cách cẩn trọng như đặt hết cái tình vào đó, đậy nắp vào, đợi trà nở bung, vị trà thẫm tan trong từng cánh nước.

Ngoại tôi không bao giờ rót nước tráng trà rồi đổ thứ nước đầu tiên đó đi như thường thấy ở hầu hết nơi khác. Người giữ lại tuyết trà.

Ngoại từng nói với tôi rằng, trong kỹ nghệ chế biến trà búp, có công đoạn vò cho dập đều búp trà. Búp trà chảy nhựa và khi sao thì thứ nhựa đó bám vào, khô quyện lên trông tựa như thứ bột màu trắng. Đó chính là tuyết trà. Khi pha trà mà tráng lớp tuyết trà đó đổ đi thì thật là phí, và có thể gọi là người sành uống trà hay không?

Khởi thủy, những thứ trà búp này chỉ dành riêng cho lớp người quý tộc, chế biến với số lượng ít nên người ta vò búp trà bằng tay. Khi pha uống thì không tráng trà. Nhưng sau này xã hội phát triển, trà búp thành thứ thông dụng, phải chế biến số lượng nhiều, vò bằng tay không xuể, người ta dùng chân để vò trà. Như vậy làm cho người uống có cảm giác trà bẩn và từ đó bắt đầu có chuyện tráng trà. Rõ là những thứ đã đại chúng hóa thì chẳng còn gì là độc đáo nữa.

Ngoại tôi trầm ngâm.

- Không thể hiểu được, tức là con định từ bỏ hay sao?

Tôi gay gắt với ngoại, quên mất nhịp điệu rất chậm rãi trôi lưng chừng trong gian trà nhỏ từ trước tới giờ.

- Ngoại bảo muốn yêu phải hiểu, con đã cố gắng, rất cố gắng hiểu anh ấy hơn. Nhưng con không làm được nữa.

- Con đã thực sự kiên nhẫn chưa? - Ngoại tôi nhìn lên, ánh mắt như xoáy vào gương mặt bướng bỉnh của tôi.

Chén trà mạn vẫn đưa hương nhẹ nhàng. Làm sao lá dâu xanh có thể thành lụa khi mà những con tằm không buồn ăn lấy dù có thời gian? Trác có cho tôi cơ hội để hiểu anh đâu  chứ? Tôi không thể kể lại cho ngoại nghe những điều không hay ở Trác. Tôi không trả lời.

Cái đặc quánh của đêm tan ra dần. Những gốc cây già cỗi với lớp vỏ nhám sần sùi lấm lem nỗi niềm và sứt sẹo những vết hoài nghi đứng cô độc trong vườn rộng. Làm sao để tôi gạt bỏ được những lớp lá ken dày để nhìn lên xuyên kiếp xuyên cõi mà thấy được tâm mình chân thực hơn?

Trác chắc giờ vẫn còn đang lang thang chốn rừng nào đó hay đang miệt mài với phòng thí nghiệm trong viện nghiên cứu của anh. Những ngày xưa tại sao cũng với những điều đó, chúng tôi vẫn có thể có những khoảng riêng dành cho nhau còn giờ thì không thể? Hình ảnh tôi chìm trong những cuộc tiệc tùng, những giấy tờ ký kết và những họp hành triền miên như cuốn phim quay chậm đang chạy trước mắt…

Có phải tôi đang phí phạm cái tinh túy của trà để chỉ giữ lại những vị ngọt đắng tham sân si thông thường hay không? Chẳng lẽ trước khi trách người bỏ rơi ta thì ta đã từ bỏ người từ rất lâu rồi mà ta không biết, phải không tuyết trà tinh túy của đời tôi?

Tôi mở máy, viết một email cho anh.

Trác. Em hiểu, không có gì dễ dàng hơn và đồng thời không có gì khó khăn hơn hôn nhân. Phải cần sự hướng đến của hai người mới có tình yêu.

Chỉ cần và phải có hai người.

Giờ em mới thấy, bất cứ điều gì, chỉ cần em tin vào chính mình là em làm được, ngoại trừ tình yêu. Bởi nó còn phụ thuộc ở anh.

Giờ em mới chấp nhận nỗi sợ hãi vì không dám đi hết cả cuộc đời với người mà tận thẳm sâu trong trái tim họ thiếu vắng thương yêu.

Khi em bước đi, có lẽ anh không biết và cũng chẳng mảy may một thoáng lo âu hay xót xa mỗi khi em vấp ngã hay phải bộn bề bon chen giữa chốn đông người. Làm sao em dám? Khi ngay đến sự quan tâm ân cần của em dường như cũng là một thứ gì đó rẻ rúng đáng thương tội nghiệp, và lời hứa anh dành cho em chẳng quan trọng bằng một cuộc tranh luận - thực ra chỉ là chuyện tán phét với bạn bè.

Em đã cố gắng níu kéo mà không thể được.

Nếu như em biết chấp nhận sự từ bỏ của anh sớm hơn. Đáng lẽ em nên biết có những quyết định trong đời không cần lý do chính đáng. Anh cứ tin và làm theo trực giác của anh đi. Đúng. Chúng ta chỉ nên trở thành bạn của nhau, điều đó tốt cho cả hai.

Em hiểu rằng, có một người bạn tuyệt vời thì tốt hơn là có một người chồng dửng dưng bên cạnh.

Nghĩ cho kỹ cho cùng... em cần một bàn tay nắm chặt dù - chỉ - một - đôi - khi.

Nên biết mình phải buông bỏ những - gì - nằm - trong - lòng - bàn - tay - người - khác… 

Truyện ngắn của Tuệ An

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.