Chuyện xe máy đang tham gia giao thông đột nhiên bốc cháy hoặc phát nổ đang trở thành nỗi ám ảnh của tất cả những ai đang dùng phương tiện này.
Liên tục phát hỏa
Đưa loại xe máy bị nổ sang Nhật kiểm định? Một thông tin cho biết, Công ty Honda Việt Nam vừa gửi một chiếc Super Dream tương tự chiếc xe đã phát nổ tại Bắc Ninh sang Nhật Bản để kiểm định. Tuy nhiên, trao đổi với Thanh Niên tối qua, ông Trịnh Quang Dũng, Phó tổng giám đốc Công ty Honda Việt Nam không xác nhận thông tin này và khẳng định, đến nay Honda Việt Nam vẫn chưa được tiếp cận với chiếc xe bị nổ. |
Trong khi dư luận còn chưa hết bàng hoàng, cơ quan hữu trách chưa tìm ra nguyên nhân khiến chiếc xe máy Honda Dream bị nổ khi vừa lăn bánh khiến một thai phụ tử vong, một cháu bé bị trọng thương tại Bắc Ninh, thì chiều 9.12, chiếc xe máy Honda Air Blade đã tự bốc cháy khi đang lưu thông trên đường Nguyễn Trãi (Q.Thanh Xuân, TP.Hà Nội).
Thấy người dân hai bên đường hô hoán, người ngồi trên xe đã nhảy ra ngoài để thoát thân. Chỉ trong vài phút, chiếc xe bị cháy chỉ còn trơ khung sắt. Đào Hoàng Nhật Linh (SN 1993, ở Phùng Khoang, Q.Hà Đông, Hà Nội), người lái xe cho biết, chiếc xe được người nhà mua mới và đi được hơn một năm và hằng ngày vẫn đi lại bình thường.
Trước đó, ngày 27.10, một chiếc xe Air Blade khác mang BKS 30K-5333 của anh Nguyễn Quốc Minh, công tác tại Đài tiếng nói Việt Nam cũng đã bốc cháy khi anh đang chở con đi học. Theo anh Minh, khi vừa tới phố Bà Triệu, có người từ phía sau vọt lên nói xe anh đang bốc lửa. Anh ôm con, quẳng xe ra đường và khi người dân dập được ngọn lửa thì chiếc xe chỉ còn khung sắt.
Cùng trong tháng, ngày 16.10, trên đường Phạm Hùng, đoạn chạy qua xã Mễ Trì (H.Từ Liêm, Hà Nội) đã liên tiếp xảy ra hai vụ cháy xe máy đang tham gia lưu thông. Cụ thể, lúc 17 giờ 30 phút, chiếc xe máy mang BKS 29X1-2217 đang lưu thông theo hướng từ ngã tư Trần Duy Hưng - Khuất Duy Tiến về hướng cầu vượt Dịch Vọng thì đột nhiên bốc cháy dữ dội. Ngọn lửa bốc lên quá nhanh, do vậy nam thanh niên điều khiển xe chỉ kịp nhảy ra ngoài rồi đứng nhìn chiếc xe cháy rụi.
|
Tiếp đó, 17 giờ 45 phút, khi đám đông hiếu kỳ đến xem chiếc xe cháy kể trên còn chưa kịp bỏ đi thì cách đó chừng 50m, một xe mô tô phân khối lớn mang BKS 60B1 - 0019 lưu thông cùng chiều cũng đột nhiên bốc cháy dữ dội. Hoàng Việt Anh (SN 1980, ở xã Mễ Trì, H.Từ Liêm, Hà Nội), chủ chiếc xe cho hay: “Đang chạy thì bỗng dưng phát hiện khói bốc ra từ phần thân máy, tôi cho xe tấp vào lề đường, vừa dựng chân chống thì xe bốc cháy”. Cùng ngày, tại TP.Vinh, tỉnh Nghệ An, một chiếc xe máy Honda Lead đang chạy trên đường Lê Lợi cũng đột nhiên phát hỏa.
Ông Đặng Quang Trường, Giám đốc Công ty Vạn Phong, đại lý của nhiều cửa hàng xe Honda và Yamaha tại Hải Phòng cho biết, theo thống kê của các trạm bảo hành, tình trạng thay đổi linh kiện, phụ tùng, đặc biệt là phần điện trên các loại máy đến hệ thống cửa hàng của công ty bảo dưỡng là rất phổ biến. Mà nguyên nhân được đặt ra đầu tiên trong các vụ xe máy phát cháy - theo ông Trường - là do việc tự cải tiến, thay đổi, lắp thêm còi, đèn... Theo ý kiến riêng của ông Trường thì xe máy Honda bị cháy nhiều hơn vì lượng xe này chiếm hơn 50% trên thị trường, còn lại mới là các hãng khác.
Một số vụ cháy xe khác trong năm 2011 - Ngày 31.3, tại Hà Nội, một chiếc Attila đã bốc cháy trên đường Trần Quốc Hoàn, Q.Cầu Giấy. - Ngày 1.9, tại TP.Bắc Giang, một chiếc Attila mang biển số 98N8-0828 của chị Nguyễn Thị Dinh cũng được ghi nhận đã bốc cháy trên đường Hùng Vương. - Ngày 5.9, anh Nguyễn Văn Rớt (TP.HCM) cũng bị cháy xe máy trên tỉnh lộ 25B. - Ngày 12.10 tại TP.Bạc Liêu chiếc Atilla BS 94H-29988 của chị Tô Thị Lan bị cháy rụi. - Trong tháng 10 chị N.N.M ở Tây Ninh cũng bị cháy xe máy. |
Theo ông Tuấn Khôi, 46 tuổi, thợ sửa xe máy trên đường Đặng Tiến Đông, Đống Đa, Hà Nội, ngày xưa xe máy cổ, chạy điện ắc quy thì cháy rất nhiều, chỉ cần chập điện, gặp xăng là xe cháy. Tuy nhiên những loại xe đời mới bây giờ thì không có tình trạng này. Hệ thống an toàn trên xe mới thường rất cao với nhiều cầu chì nên nếu chập điện sẽ được ngắt mạch. Nhưng nếu chủ xe “sáng tác” thêm vào thì việc chập cháy lại rất dễ xảy ra.
Sửa chữa xe đang bị thả nổi
Trao đổi với Thanh Niên chiều 10.12, ông Đỗ Hữu Đức, Cục phó Cục Đăng kiểm, Bộ GTVT cho biết, việc quản lý đầu vào quá trình sản xuất, lắp ráp xe máy trong nước rất chặt chẽ, thực hiện đăng kiểm chất lượng như ô tô, nhưng khi lưu hành lại thả nổi, dẫn tới rất khó kiểm soát chất lượng an toàn xe, đặc biệt liên quan đến vấn đề cháy nổ.
Đồng quan điểm này, một chuyên gia lâu năm trong ngành đăng kiểm cho rằng, khâu bảo hành sửa chữa xe máy đang bị buông lỏng. “Ở các nước khâu bảo dưỡng định kỳ hoặc sửa chữa xe máy phải do công nhân được đào tạo lành nghề, có chứng chỉ thực hiện. Nhưng ở VN mới chỉ là đào tạo truyền khẩu, đấu sai dây gây chập điện cũng có thể dẫn tới cháy nổ”, ông này nói.
Dẫn ra trường hợp nổ xe máy tại Bắc Ninh, chuyên gia này cho rằng, xe đã được đại lý chính hãng bảo dưỡng, nhưng chất lượng thợ của đại lý cũng có thể bị thả nổi. Đáng chú ý, ngoài các đại lý chính hãng, các cửa hàng sửa chữa, bảo dưỡng xe máy trôi nổi, tự phát chiếm đa số.
Liên quan đến vấn đề tại sao đầu vào chất lượng xe máy chặt, nhưng đầu ra lưu hành lại bị buông lỏng, ông Đức cho hay, xe máy không phải đăng kiểm định kỳ nên rất khó kiểm soát chất lượng xe lưu hành. Ông Đức chia sẻ và cho biết thêm, các nước ASEAN, Trung Quốc... hiện đều kiểm tra định kỳ với xe máy. Cũng theo ông Đức, tuổi thọ của xe máy ở Việt Nam cũng chưa được quan tâm, ví dụ ở Trung Quốc, một xe máy chỉ được lưu hành 8 năm hoặc 10 vạn km nhưng ở Việt Nam, xe hàng chục năm vẫn chạy.
Ai chịu trách nhiệm? Luật sư Vi Văn Diện, Giám đốc Công ty luật Thiên Minh (Hà Nội), cho biết: Ngay sau khi xảy ra sự việc, người dân cần phải gửi đơn tới cơ quan công an để làm rõ nguyên nhân. Nếu cơ quan công an kết luận lỗi do nguyên nhân kỹ thuật thì nhà sản xuất phải bồi thường tài sản cho người tiêu dùng cùng những thiệt hại khác. Ngoài ra, cơ quan bảo hiểm cũng có trách nhiệm trong việc chi trả, đền bù thiệt hại theo luật. Cũng theo luật sư Diện, nếu phát hiện lỗi kỹ thuật dẫn đến cháy, nổ do nhà sản xuất, cơ quan chức năng cần khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với người phụ trách và ký hồ sơ, văn bản chịu trách nhiệm bảo đảm sản phẩm an toàn trước khi xuất xưởng. Ngoài ra, cần làm rõ trách nhiệm của cơ quan kiểm định chất lượng, đơn vị đã cấp phiếu kiểm định chất lượng. Còn lỗi kỹ thuật do đại lý bán xe sau khi nhập hàng đã tự ý thay thế phụ tùng hoặc chế lại thiết bị kỹ thuật thì sẽ khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với trưởng đại lý bán xe, hoặc nhân viên kỹ thuật do thiếu trách nhiệm, đồng thời phải bồi thường thiệt hại. Hà An (ghi) |
Minh Sang - Mai Hà
Bình luận (0)